Phát triển công nghiệp ở các huyện miền núi: Những vấn đề đặt ra
Nhằm phát huy lợi thế từ nguồn lực đất đai, nguyên liệu dồi dào, những năm gần đây, các địa phương miền núi đã tích cực xúc tiến, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển các nhà máy chế biến công nghiệp. Không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ, tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông, lâm sản ở các địa phương, phát triển công nghiệp đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các huyện miền núi phù hợp với định hướng, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, để lộ trình phát triển công nghiệp ở các huyện miền núi bền vững và hiệu quả, còn nhiều vấn đề đang đặt ra.
Chế biến gỗ ván bóc tại HTX lâm sản Lang Chánh, huyện Lang Chánh.
Phát triển nhanh các nhà máy chế biến gắn với cây công nghiệp lợi thế
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 130 cơ sở, doanh nghiệp tham gia hoạt động chế biến lâm sản. Đa phần các nhà máy, cơ sở chế biến tập trung tại các huyện miền núi. Ngoài các nhà máy chế biến lâm sản truyền thống với các sản phẩm: Tăm, ván bóc, gỗ dăm, vàng mã..., những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được một số nhà máy chế biến với công nghệ sản xuất tiên tiến và giá trị cao hơn, như: Nhà máy Sản xuất sợi dệt An Phước tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy), Công ty CP Thiết bị Giáo dục Hồng Đức đầu tư Nhà máy Chế biến gỗ xuất khẩu tại xã Luận Thành (Thường Xuân)...
Dự án Nhà máy Sản xuất sợi dệt An Phước tại Cẩm Tú (Cẩm Thủy) được khánh thành tháng 10-2020, có công suất 10.000 cọc sợi/năm, tương ứng với 1.700 tấn sợi gai/năm và 1.400 tấn bông gai/năm, tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng. Dự án được đánh giá sẽ mang lại sản phẩm giá trị gia tăng cao cho cây nguyên liệu gai xanh, đóng góp thêm sản phẩm công nghiệp mới, góp phần hiện thực hóa chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại các huyện miền núi phía Tây của tỉnh. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang phát triển vùng nguyên liệu gai xanh theo quy hoạch cung ứng cho nhà máy sợi dệt. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, diện tích trồng cây gai xanh trong vùng là 3.457 ha, đến năm 2025 nâng lên 6.457 ha.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi đã phát triển được 130.000 ha rừng sản xuất tập trung, chủ yếu là cây keo, xoan ở các huyện Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát...; 131.000 ha tre, luồng, tập trung tại các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Ngọc Lặc. Đối với những cây công nghiệp hàng năm, đã hình thành hơn 24.000 ha mía nguyên liệu, 13.500 ha sắn nguyên liệu... tập trung ở các huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Nông Cống, Như Thanh... phục vụ nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các nhà máy chế biến.
Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các loại cây công nghiệp này theo hướng bền vững, ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, các chủ rừng phối hợp với doanh nghiệp, nhà máy nghiên cứu, lập kế hoạch triển khai quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC cho diện tích rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các loại cây có lợi thế phát triển và thuận lợi trong tiêu thụ như keo, nứa, vầu. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 17.400 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Sản phẩm gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC được các doanh nghiệp chế biến gỗ cam kết thu mua với giá cao hơn rừng trồng thông thường, chế biến xuất khẩu sang thị trường các nước EU.
Những vấn đề đặt ra
Theo đánh giá của Sở Công Thương, những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển chung, sản xuất công nghiệp ở các huyện miền núi đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, cơ cấu các ngành công nghiệp ở các địa phương miền núi còn khá nghèo nàn. Phần lớn các dự án công nghiệp thu hút được là các nhà máy chế biến lâm sản. Các ngành công nghiệp may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến dược liệu... cũng được đánh giá có lợi thế lớn cả về vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ nhưng lại chưa được chú trọng và khó thu hút đầu tư.
Điển hình như tại huyện Ngọc Lặc, hiện nay, trên địa bàn đã được quy hoạch Khu Công nghiệp Ngọc Lặc, với diện tích 150 ha; 5 cụm công nghiệp (CCN) là: Phúc Thịnh 50 ha, Cao Lộc Thịnh 48 ha, Minh Tiến 70 ha, Ngọc Sơn 75 ha. Các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư tại các khu, CCN này là sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, da giầy; chế biến nông - lâm sản, chế biến dược liệu. Tuy nhiên, sau nhiều năm, trên địa bàn mới thu hút được một số nhà máy may, chế biến tinh bột sắn, gạch các loại, phân bón.
Hơn nữa, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các huyện miền núi phần lớn có quy mô nhỏ. Các doanh nghiệp có trình độ công nghệ hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến còn hạn chế. Nhiều lĩnh vực sản xuất mới dừng lại ở mức độ sơ chế nên giá trị sản xuất chưa cao. Đặc biệt trong lĩnh vực chế biến lâm sản, mặc dù nguồn nguyên liệu rất dồi dào, nhưng chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu chế biến của các nhà máy do phần lớn nguyên liệu được chế biến thô đưa đi tiêu thụ.
Bên cạnh đó, mặc dù tại các huyện miền núi đã được quy hoạch 21 CCN, với tổng diện tích là 643,7 ha, tuy nhiên tình hình thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào các CCN ở khu vực miền núi đang gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất sản xuất, kinh doanh.
Điển hình tại huyện Như Xuân, với nguồn nguyên liệu dồi dào từ 32.000 ha rừng sản xuất, hàng năm cung cấp 160 nghìn m3 gỗ, huyện đã chú trọng thực hiện các giải pháp phát triển nghề chế biến lâm sản. Và đã có 6 doanh nghiệp chế biến lâm sản đang hoạt động tại các CCN đã được quy hoạch là: CCN Bãi Trành, CCN Xuân Hòa, CCN Thượng Ninh. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng và dây chuyền thiết bị hiện đại để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng về mẫu mã. Ngoài 6 cơ sở chế biến lớn, trên địa bàn huyện còn có 10 HTX chế biến lâm sản và 140 cơ sở chế biến quy mô nhỏ, lẻ. Tuy nhiên, hiện nay, cả 3 CCN đã được quy hoạch trên địa bàn đều chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Việc chậm thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng tại các CCN ở khu vực miền núi là nguyên nhân khiến công tác đầu tư các cơ sở công nghiệp tại khu vực này còn kém hiệu quả. Các doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất sản xuất, kinh doanh phải tự san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường, điện, khiến tăng chi phí đầu tư. Không những vậy, việc các doanh nghiệp tự thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là công trình xử lý nước thải cũng khiến mặt bằng CCN bị cắt xẻ, việc đầu tư chồng chéo, thiếu đồng bộ và không bảo đảm quy chuẩn.
Để giải quyết những khó khăn này, cùng với việc tiếp tục đa dạng hóa cơ cấu ngành công nghiệp, khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến có công nghệ hiện đại, các cấp, các ngành cần tích cực thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động, thu hút các doanh nghiệp có năng lực tài chính trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư, xây dựng hạ tầng CCN. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ngân sách địa phương để làm động lực khuyến khích, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các huyện miền núi.