Phát triển công nghiệp văn hóa: Cần cơ chế cho sự sáng tạo

Công nghiệp văn hóa Việt Nam đã và đang phát triển nhưng bộc lộ rõ những rào cản trong quá trình vận hành. Tại Hội thảo tham vấn chiến lược 'Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa tổ chức đầu tháng 7 này, nhiều nhà quản lý và nghệ sĩ đều cho rằng chúng ta chưa có điều chỉnh kịp thời chính sách ưu tiên cho sáng tạo, thiếu đồng bộ trong cơ chế triển khai chính sách, đầu tư cho văn hóa, trong đó có công nghiệp văn hóa.

Khoảng cách nhà nước - tư nhân

Tại Hội thảo, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, công nghiệp văn hóa nhiều năm nay chưa có chuyển biến gì. “Có sự phân biệt - khoảng cách rất lớn giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân. Chính sách của chúng ta chưa hài hòa giữa hợp tác công - tư, vì thế chưa có sự cạnh tranh giữa đội ngũ sáng tạo. Chúng ta nói nhiều đến quảng bá, marketing… nhưng công nghiệp văn hóa đầu tiên phải là tính sáng tạo, độc đáo”.

Nhạc sĩ Quốc Trung dẫn chứng, khi làm các dự án của mình, đặc biệt Moonson gặp rất nhiều khó khăn từ việc xin cấp phép biểu diễn cho các nghệ sĩ nước ngoài đến thiết kế áp phích, quảng cáo, sử dụng các thiết chế văn hóa của nhà nước như rạp hát rất khó khăn, phải qua nhiều khâu kiểm duyệt. Trong khi đó, các đơn vị nhà nước lại được cấp phép nhanh, không bị xét duyệt hoặc có thể tự duyệt. “Chúng ta cần xóa nhòa ranh giới công tư, sự hỗ trợ cần chia đều cho các đơn vị trong và ngoài công lập vì họ đều đang làm công việc sáng tạo, đóng thuế đầy đủ”. nhạc sĩ Quốc Trung nhấn mạnh.

Nghệ thuật truyền thống của Việt Nam luôn hấp dẫn du khách quốc tế.

Nghệ thuật truyền thống của Việt Nam luôn hấp dẫn du khách quốc tế.

Anh dẫn chứng câu chuyện Black Pink sang Việt Nam biểu diễn năm 2023 đã bộc lộ rõ những yếu kém trong khâu tổ chức biểu diễn ở Việt Nam. “Những chính sách cụ thể để phát triển công nghiệp văn hóa đang vắng bóng tại Việt Nam và cả thành phố sáng tạo Hà Nội. Minh chứng rõ nhất sau Black Pink thì các đơn vị ở Hà Nội có thể thấy nhiều kinh nghiệm, dự án lớn như vậy cần chuẩn bị như thế nào. Nhưng nó lại như một nỗi kinh sợ của cơ quan quản lý, lấy nó làm tấm gương xấu", nhạc sĩ Quốc Trung nói.

Cũng nhắc tới 2 đêm diễn của Black Pink, chuyên gia truyền thông văn hóa Lê Quốc Vinh (Công ty Le Bros) cho biết ông tình cờ tham gia vào việc liên quan đến 2 đêm diễn. Ông đánh giá: "Có nhiều lý do cho việc không có cơ sở pháp lý, pháp chế chặt chẽ để quản lý chương trình như vậy. Việc cấp phép cũng được thực hiện nhưng chỉ được 50% so với dự kiến của nhà sản xuất".

Theo ông Vinh, rõ ràng, có sự lúng túng của các nhà quản lý khi muốn biến Hà Nội thành điểm đến của các tour diễn của các nghệ sĩ lớn trên thế giới. Cách quản trị của chúng ta còn non kém, bị động. Chúng ta cần thay đổi để làm chủ việc sản xuất nội dung số trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, sự tấn công của các nhà sản xuất nội dung số nước ngoài. Các lĩnh vực như xuất bản đang phá vỡ truyền thống, dùng post card thay sách giấy, âm nhạc cũng có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo.

“Chúng ta thấy rằng câu chuyện sáng tạo cần điều chỉnh nhận thức lại và nên tiếp cận những điều này với chiến lược phát triển văn hóa mới. Ngành công nghiệp văn hóa cần hội tụ đầy đủ yếu tố cấu thành kinh tế thị trường. Các app của Trung Quốc đang sản xuất xuyên biên giới, có hơn 100 app đang thống lĩnh thị trường, phát triển sang châu Âu và Việt Nam. Tương lai sẽ là những nền tảng phân phối… Chúng ta có phát triển hay không? Chúng ta cần nghiên cứu để có quy định pháp lý bảo vệ các nhà đầu tư công nghiệp văn hóa…”, ông Lê Quốc Vinh khẳng định.

Du khách nước ngoài tìm hiểu về nghề ươm tơ, dệt vải truyền thống.

Du khách nước ngoài tìm hiểu về nghề ươm tơ, dệt vải truyền thống.

Cần đa dạng hóa các ngành nghề trong công nghiệp văn hóa

Một vấn đề khác được đặt ra là cần mở rộng các ngành nghề trong công nghiệp văn hóa. Lĩnh vực du lịch có thể phát triển gắn với thủ công mỹ nghệ. Hiện nay, khái niệm du lịch làng nghề còn chung chung, chưa định hình được khái niệm du lịch làng nghề. Du lịch giải trí là nhu cầu lớn của công chúng trẻ. Đến Hà Nội và nhiều thành phố khác, trừ các công viên chuyên đề thì sự thiếu và yếu của lĩnh vực giải trí rất rõ. Phát triển du lịch còn ăn xổi, các công ty lữ hành bán được tour mới có lợi nhuận nên chỉ chú trọng vào những tour có tiền. Nếu bán tour đi thăm nhà Lý, thăm đền Đình Bảng… không ai mua. Nhưng bán combo đi safari Phú Quốc lại rất đông khách. Vấn đề là doanh nghiệp nào kiên định làm văn hóa? Và khi họ kiên định làm thì có ưu đãi gì cho họ. Có doanh nghiệp thiết kế nhiều sản phẩm trải nghiệm trà, nhưng họ không được ưu đãi gì, vì vậy cần hỗ trợ doanh nghiệp có cam kết làm du lịch văn hóa.

Tiến sĩ Trịnh Thị Thanh Thủy, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công thương cho rằng, 12 lĩnh vực để phát triển công nghiệp văn hóa (bao gồm quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật; nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa) là chưa đủ, cần đưa thêm âm nhạc và ẩm thực. “Xác định thời trang thủ công là ngành thì tại sao không đưa âm nhạc và ẩm thực vào, nhất là khi âm nhạc đang là trụ cột trong sự phát triển văn hóa. Ẩm thực cũng được đông đảo công chúng quan tâm, nhiều nguyên thủ quốc gia đến thưởng thức đồ ăn Việt Nam”.

Một tiết mục trong chương trình “Moonson”.

Một tiết mục trong chương trình “Moonson”.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Bá Hải, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Bộ Công thương cũng cho rằng, không nên gói gọn trong thủ công mỹ nghệ mà là văn hóa làng nghề, từ tinh hoa phát triển như Bát Tràng, Hương Canh… Sản phẩm làng nghề đang bị mai một do hệ thống phát triển quá nhanh. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, một số xã thành phường, cụm dân cư… Người làm nghề 95% là dân địa phương, quy mô nhỏ trong khi công nghiệp văn hóa hướng tới tiêu chuẩn hóa, có tính chất hiệp hội liên kết…

“Bối cảnh hiện đại thì không thể chỉ làm những sản phẩm truyền thống đơn thuần mà phải hiện đại hơn. Chúng ta phải xác định đây là chiến lược quan trọng để xây dựng thương hiệu, tạo giá trị gia tăng, coi tinh hoa, văn hóa trở thành một phần trong chuỗi sản phẩm, tạo ra những giá trị khác biệt để bán ra thị trường”. Ông Hải khẳng định.

Thực tế, để phát triển công nghiệp văn hóa, các nước đã có cách làm rất hay. Tại Pháp, chính phủ thành lập một loạt thiết chế văn hóa, quỹ hỗ trợ cho điện ảnh, âm nhạc, giảm thuế cho các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công chúng. Trung Quốc cũng có các quỹ đặc biệt từ ngân sách quốc gia hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, tại Hàn Quốc - một điển hình phát triển công nghiệp văn hóa, đã chuyển hướng chính sách, coi công nghiệp văn hóa là ngành mũi nhọn. Hàn Quốc có nhiều quỹ cho văn hóa nghệ thuật, riêng ngân sách của Bộ đã lên tới 7 tỉ USD, họ đẩy mạnh hợp tác quốc tế hướng ra toàn cầu.

Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa cần thể hiện được tầm nhìn sâu rộng, tạo ra sức mạnh của các hiệp hội, đẩy mạnh cộng đồng doanh nhân, gắn kết người sáng tạo, tập trung vào những ngành cụ thể. Sau khi chiến lược này ra đời thì đòi hỏi mỗi Bộ, Ngành triển khai đồng bộ để phát huy thế mạnh của ngành mình, cũng như thế mạnh của Việt Nam trong thời đại mới. Các ngành như truyền thông số, game cũng sẽ được đưa vào để phát triển công nghiệp văn hóa.

Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-can-co-che-cho-su-sang-tao-i738856/