Phát triển công nghiệp văn hóa: Việt Nam học hỏi kinh nghiệm gì từ quốc tế?

Để phát triển thành công nghiệp văn hóa, Việt Nam cần tăng cường đào tạo, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của quốc tế.

Từ sau khi Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (ngày 8/9/2016), sau 5 năm triển khai, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu hơn 8 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP. Con số đó cho thấy, phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta giàu tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức.

Trong khi đó, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và được dự báo có đóng góp đáng kể cho GDP toàn cầu lên tới 10% vào năm 2030. Trên khắp thế giới, nhiều quốc gia xác định văn hóa sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế hậu công nghiệp, động lực cho sự phát triển bền vững.

So với các nước trên thế giới, trong đó có các nước trong khu vực, chúng ta vẫn còn chậm trễ hơn trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong bối cảnh đó, việc học hỏi kinh nghiệm của quốc tế là điều vô cùng cần thiết.

Kinh nghiệm của Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc

Trong tham luận gửi đến Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra kinh nghiệm về phát triển công nghiệp văn hóa ở một số nước trên thế giới.

TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Nước Anh là nơi phát triển và lan tỏa thuật ngữ “các ngành công nghiệp sáng tạo” ra toàn cầu. Theo một tài liệu của Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao công bố vào tháng 2/2020, trước đại dịch Covid-19, năm 2019, các ngành kinh tế sáng tạo đóng góp hơn 115 tỷ bảng Anh, chiếm 5,9% nền kinh tế Anh và nhiều hơn tổng giá trị ngành công nghiệp vũ trụ, tự động hóa, khoa học cuộc sống, dầu mỏ và khí đốt cộng lại.

Nước Anh có mô hình đầu tư cho văn hóa được cho là thành công với sự kết hợp hài hòa giữa đầu tư công, doanh thu, nguồn tài chính tư nhân và hiến tặng. Chính nguồn lực đa dạng này đã tạo điều kiện để lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật có thể phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư và các biện pháp ưu đãi.

Đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật được thực hiện thông qua Hội đồng Nghệ thuật Anh (ACE) với ngân sách hàng năm lên tới hơn 600 triệu bảng từ Chính phủ và Quỹ Xổ số quốc gia nhằm tạo ra những trải nghiệm văn hóa làm giàu có thêm đời sống của người dân. Với mô hình chính sách “nhà bảo trợ” tuân thủ nguyên tắc “chiều dài cánh tay”, các cơ quan, tổ chức văn hóa – nghệ thuật có sự độc lập từ Chính phủ, không chịu áp lực về mặt chính trị dù hoạt động được ngân sách Nhà nước tài trợ.

Bên cạnh đó, Chính phủ có nhiều biện pháp ưu đãi để khuyến khích hiến tặng tư nhân, tài trợ của các doanh nghiệp và các nguồn tài trợ khác cho lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật. Từ nhiều năm, Anh áp dụng chính sách hoàn thuế VAT cho các bảo tàng và phòng trưng bày và miễn thuế cho nhà hát, dàn nhạc giao hưởng trong giai đoạn cụ thể.

Phát triển công nghiệp văn hóa được Đảng Cộng sản Trung Quốc quán triệt trong nhiều chủ trương, chính sách. Nước này cũng đẩy mạnh việc xây dựng các bộ luật về lĩnh vực văn hóa nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Chính phủ Trung Quốc chú trọng đến phát triển công nghiệp văn hóa trong kế hoạch chung về phát triển kinh tế xã hội; tăng đầu tư hàng năm cho công nghiệp văn hóa với mức độ không thấp hơn tốc độ đầu tư tài chính nói chung. Bên cạnh việc ưu tiên tăng đầu tư tài chính cho công nghiệp văn hóa nói chung, Trung Quốc còn ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa ở các vùng kém phát triển ở miền Trung và phía Tây Trung Quốc cũng như các khu vực thiểu số.

Trung Quốc cũng tiến hành tái cấu trúc các doanh nghiệp văn hóa và củng cố các thiết chế văn hóa chủ đạo phục vụ công ích, đồng thời hình thành hệ thống Quỹ đầu tư cho công nghiệp của Chính phủ và doanh nghiệp.

Từ năm 2005 đến năm 2018, hằng năm công nghiệp văn hóa bình quân tăng trưởng đạt 18,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của Trung Quốc là 7,9%; Tỷ trọng công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế quốc dân năm 2018 chiếm 4,3% GDP.

Đóng góp cho sự nhảy vọt thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc có vai trò của nền công nghiệp nội dung văn hóa với làn sóng K-pop, K-drama... xuất khẩu văn hóa ra toàn thế giới.

Đóng góp cho sự nhảy vọt thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc có vai trò của nền công nghiệp nội dung văn hóa với làn sóng K-pop, K-drama... xuất khẩu văn hóa ra toàn thế giới.

Đóng góp cho sự nhảy vọt thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc có vai trò của nền công nghiệp nội dung văn hóa với làn sóng K-pop, K-drama... xuất khẩu văn hóa ra toàn thế giới. Một trong những chuyển biến cấp tiến làm nên thành công là việc chuyển hướng chính sách công nghiệp văn hóa từ kiểm soát về chính trị sang coi công nghiệp văn hóa là trọng tâm của các chiến lược phát triển kinh tế hướng về xuất khẩu vào đầu những năm 1990. Chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được triển khai đồng bộ cùng đầu tư của chính phủ vào các ngành chiến lược khác như công nghệ thông tin và truyền thông, hướng nền công nghiệp này theo hướng “xuất khẩu” các sản phẩm văn hóa mang thương hiệu Hàn Quốc ra thế giới.

Thay đổi quan trọng trong cơ chế quản lý văn hóa của Hàn Quốc là xu hướng phi tập trung hóa. Xu hướng chuyển từ “chính phủ ra quyết định và quản lý” sang việc “hợp tác giữa chính phủ và các khu vực tư nhân”. Xu hướng này đảm bảo cho việc chính sách văn hóa không phải được áp đặt từ trên xuống mà chính sách phản ánh được nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội. Quá trình phân cấp, phân quyền trong quản lý văn hóa có thể làm cho khu vực văn hóa nghệ thuật tự chủ và năng động hơn, đồng thời cũng là tiền đề cho sự phát triển lành mạnh của khu vực này.

Lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật ở Hàn Quốc nhận được nhiều hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ. Ngân sách năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ thông qua là 7.153 tỷ won (7 tỷ USD), tăng 289.3 tỷ won (280 triệu USD) so với năm 2021. Ngân sách theo lĩnh vực: văn hóa nghệ thuật là: 2.405 tỷ won (2.4 tỷ USD), công nghiệp nội dung: 1.123 tỷ won (1.1 tỷ USD), du lịch: 1.442.3 tỷ won (1.4 tỷ USD).

Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển công nghiệp văn hóa

Theo TS Nguyễn Phương Hòa, từ kinh nghiệm một số quốc gia tiêu biểu đang dẫn dắt ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo trên thế giới, có thể thấy Chính phủ các nước đều tiến hành các biện pháp, chính sách ở các cấp độ khác nhau để hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, cung cấp hỗ trợ tài chính công trực tiếp hoặc gián tiếp cho các thiết chế văn hóa công, các nghệ sĩ, các tổ chức phi chính phủ, huy động nguồn lực và sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân... trong việc tiếp cận các phương tiện sản xuất, phân phối các hoạt động văn hóa, hàng hóa và dịch vụ văn hóa, triển khai các chương trình đào tạo, ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng, cơ chế bảo vệ bản quyền tác giả...

Trong bối cảnh hậu công nghiệp và sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và cách mạng 4.0, các nước đều quan tâm đầu tư chuyển đổi số, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để tăng cường ảnh hưởng, mở rộng thị trường, nâng cao vị thế và hình ảnh quốc gia.

Cùng với sự phát triển về loại hình biểu diễn, doanh thu ngành nghệ thuật biểu diễn cũng liên tục gia tăng (ảnh minh họa- Nam Nguyễn)

Cùng với sự phát triển về loại hình biểu diễn, doanh thu ngành nghệ thuật biểu diễn cũng liên tục gia tăng (ảnh minh họa- Nam Nguyễn)

TS Nguyễn Phương Hòa đưa ra một số yếu tố quan trọng và xu thế cần lưu ý trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách nhằm hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.

Trước hết, thay vì quan niệm đơn thuần chính sách văn hóa chỉ là chính sách tài trợ cho nghệ thuật, lấy nghệ sỹ - người sáng tạo làm trung tâm, thì chính sách văn hóa trong thời đại ngày nay hướng đến công chúng, quan tâm đến thị hiếu của công chúng, đặt trọng tâm vào các loại hình văn hóa, nghệ thuật hiện đại, cần tập trung vào các khâu phân phối, phát hành, tiêu thụ.

Để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành công, cần có sự gắn kết giữa chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo với các chiến lược khác có liên quan, trở thành một bộ phận trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, gắn kết và có sự tương hỗ với các chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiến lược đào tạo nghề,...

Có sự điều phối thống nhất các sáng kiến và hành động giữa các Bộ, ngành khác nhau trong Chính phủ vì mục tiêu chung, lý tưởng nhất là hình thành một cơ quan chỉ đạo liên ngành để huy động tối đa các nguồn lực nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.

Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi, hệ sinh thái để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Các doanh nghiệp sáng tạo được tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính phù hợp và khu vực tài chính nhận thức được cơ hội lợi nhuận khi đầu tư vào các ngành công nghiệp sáng tạo.

Cần thúc đẩy sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong thanh niên để có nguồn cung về nhân lực sáng tạo trong tương lai và phải đảm bảo khả năng phát hiện và nuôi dưỡng các tài năng sáng tạo từ các cấp học phổ thông, cần đảm bảo cung cấp cả các kỹ năng sáng tạo và kinh doanh để thành công

Công nhận, tận dụng và phát huy quan hệ tương hỗ giữa khu vực được Nhà nước trợ cấp và khu vực thương mại, giữa các ngành công nghiệp sáng tạo và các lĩnh vực văn hóa khác, đẩy mạnh hợp tác công – tư, nhằm thúc đẩy đời sống văn hóa đa dạng.

Cần kết nối toàn cầu, chủ động hội nhập quốc tế, liên kết quốc tế, rỡ bỏ các rào cản với thương mại tự do, tăng cường sức mạnh mềm văn hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa, dịch vụ văn hóa.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và số hóa trong lĩnh vực văn hóa, khai thác các cơ hội của thương mại điện tử, kinh tế số, phát triển xã hội số.

Công chúng cần có nhận thức về tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt việc thực thi quyền tác giả và quyền liên quan trong môi trường số.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Park Bo Gyun đến thăm các gian hàng triển lãm và không gian trải nghiệm văn hóa của Việt Nam tại Lễ hội Du lịch- Văn hóa Việt Nam 2022 tại Hàn Quốc.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Park Bo Gyun đến thăm các gian hàng triển lãm và không gian trải nghiệm văn hóa của Việt Nam tại Lễ hội Du lịch- Văn hóa Việt Nam 2022 tại Hàn Quốc.

Một trong những khuyến nghị nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam mà TS Nguyễn Phương Hòa muốn nhấn mạnh là tăng cường hợp tác quốc tế.

Theo TS Nguyễn Phương Hòa, để xây dựng khuôn khổ pháp lý triển khai các hoạt động giao lưu hợp tác, Việt Nam đã tích cực đàm phán ký kết khoảng 70 Điều ước, Thỏa thuận quốc tế (cấp Bộ) trong giai đoạn từ 2015 đến nay. Trong thời gian tới, bên cạnh việc đàm phán, ký kết các văn bản khung về hợp tác văn hóa, cần nghiên cứu, thúc đẩy việc đàm phán ký kết các Hiệp định đồng sản xuất với các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển.

TS Nguyễn Phương Hòa cho rằng, để tăng cường sức mạnh mềm, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư tăng cường sự hiện diện của tại các sự kiện văn hóa – nghệ thuật uy tín trong khu vực và quốc tế, chủ động đăng cai một số sự kiện quy mô quốc tế để vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc, và giới thiệu, ra mắt các sản phẩm văn hóa chất lượng cao của Việt Nam, từng bước xây dựng các sản phẩm thương hiệu quốc gia hướng tới xuất khẩu. Các địa phương cần chú ý xây dựng các thương hiệu riêng như Hà Nội – thành phố sáng tạo với các Liên hoan thiết kế sáng tạo, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan Âm nhạc Gió mùa…, Huế - thành phố festival với Festival Huế, Festival làng nghề truyền thống, Đà Lạt Lễ hội hoa, các chương trình âm nhạc uy tín…

Để quảng bá hình ảnh quốc gia, Nhà nước cần đầu tư để Việt Nam tham gia định kỳ, bài bản, có quy mô tại các kỳ World Expo, Venice Biennale về nghệ thuật, Milan Triennale về kiến trúc, các không gian quảng bá quốc gia tại các kỳ Liên hoan phim quốc tế Cannes, Berlin,…

“Trong quá trình hội nhập quốc tế, bên cạnh việc chủ động tham gia ứng cử, đảm nhiệm các cương vị trong các tổ chức quốc tế, thiết chế đa phương về văn hóa như Ủy ban liên Chính phủ các Công ước về văn hóa của UNESCO, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO... nhằm đóng vai trò lớn hơn đối với các vấn đề khu vực và quốc tế, thể hiện vai trò dẫn dắt, tham gia hình thành, sửa đổi các luật lệ chung, các định hướng phát triển, khẳng định vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu”, TS Nguyễn Phương Hòa nhận định.

Phương Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-hoc-hoi-kinh-nghiem-gi-tu-quoc-te-post1066867.vov