Phát triển cụm công nghiệp ở vùng khó: Những tín hiệu tích cực

Xác định phát triển cụm công nghiệp (CCN) là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, những năm gần đây, các huyện miền núi, vùng cao trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Nhờ đó, nhiều CCN đã được thành lập, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy và đi vào sản xuất, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương.

Nhà máy may TNG Võ Nhai được đầu tư xây dựng tại Cụm công nghiệp Cây Bòng, xã La Hiên, hiện đang tạo việc làm ổn định cho 1.500 lao động địa phương. Ảnh: L.K

Nhà máy may TNG Võ Nhai được đầu tư xây dựng tại Cụm công nghiệp Cây Bòng, xã La Hiên, hiện đang tạo việc làm ổn định cho 1.500 lao động địa phương. Ảnh: L.K

Với lợi thế có diện tích tự nhiên lớn, nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, nhân lực dồi dào, những năm gần đây, huyện vùng cao Võ Nhai đã chú trọng dành nguồn lực đầu tư phát triển các CCN trên địa bàn. Trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh, huyện tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành tập trung thu hút, mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào CCN; ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng và triển khai các dịch vụ hỗ trợ ngoài hàng rào CCN...

Kết quả đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 2 CCN (gồm CCN Cây Bòng rộng 15,2ha và CCN Trúc Mai rộng 50ha). Sau khi được thành lập, các CCN đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, với các ngành nghề như dệt may, cơ khí sửa chữa, chế biến nông, lâm sản...

Đơn cử như tại CCN Cây Bòng, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đã xây dựng nhà máy may với quy mô rộng hơn 10ha, tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng và đi vào hoạt động từ tháng 4-2020. Ông Hoàng Đình Hảo, Giám đốc Nhà máy may TNG Võ Nhai 2, chia sẻ: Hiện nay, Nhà máy có 40 chuyền may chuyên sản xuất sản phẩm may thời trang xuất khẩu (như áo nỉ, jacket, quần short...). Ngoài khu vực sản xuất, Nhà máy còn có nhà ăn ca, khu văn phòng, nhà phụ trợ, nhà để xe. Đặc biệt, đây là nhà máy được thiết kế theo tiêu chuẩn nhà máy xanh đầu tiên trên địa bàn tỉnh.

Việc thành lập CCN Cây Bòng và thu hút Nhà máy may TNG Võ Nhai vào hoạt động không chỉ góp phần thúc đẩy địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà còn giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động địa phương.

Chị Nguyễn Thị Thuận, người lao động đang làm việc tại Nhà máy may TNG Võ Nhai, chia sẻ: Kể từ khi có Nhà máy may TNG, lao động nông thôn không phải đi xa tìm kiếm việc làm như trước. Hiện nay, thu nhập trung bình của tôi được trên 9 triệu đồng/tháng.

Đối với huyện miền núi Định Hóa, CCN đầu tiên của huyện - CCN Tân Dương (ở xã Tân Dương) có quy mô trên 13ha do Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco làm chủ đầu tư hạ tầng đang dần hiện hữu. CCN Tân Dương được khởi công từ cuối năm 2022, đến nay các hạng mục hạ tầng như đường giao thông, hệ thống ống nước; chữa cháy; lắp đặt trạm biến áp… đã cơ bản hoàn thành và dự kiến đi vào hoạt động trong quý I/2025.

Cụm công nghiệp Tân Dương (Định Hóa) với quy mô trên 13ha đang được xây dựng hạ tầng, do Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco làm chủ đầu tư. Ảnh: V.D

Cụm công nghiệp Tân Dương (Định Hóa) với quy mô trên 13ha đang được xây dựng hạ tầng, do Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco làm chủ đầu tư. Ảnh: V.D

Sau khi hoàn thành hạ tầng, Thagaco sẽ xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây truyền sản xuất với công suất 2,2 triệu sản phẩm may/năm; giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 4.500 người lao động tại địa phương.

Điểm sáng trong phát triển CCN còn phải kể đến huyện Đại Từ. Bởi từ đầu năm đến nay, huyện đã thành lập mới 2 CCN, bao gồm: CCN Quân Chu (diện tích 50ha) và CCN Cát Nê - Ký Phú (diện tích 68ha). Trong đó, CCN Quân Chu do Công ty CP Bất động sản và Phát triển hạ tầng Hoàng Gia Thái Nguyên làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư là 600 tỷ đồng, tiến độ thi công từ năm 2024-2027.

CCN Cát Nê - Ký Phú do Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật Thái Nguyên làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư trên 796 tỷ đồng, tiến độ thi công từ năm 2024-2027.

Hiện nay, chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật của 2 CCN nêu trên đều đang tích cực triển khai lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng...

Mặc dù đạt được kết quả nhất định song thẳng thắn nhìn nhận việc thu hút đầu tư vào CCN ở các huyện miền núi vẫn còn hạn chế. Trong tổng số 27/41 CCN toàn tỉnh đã có chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện nay chủ yếu tập trung ở các huyện Phú Bình và TP. Phổ Yên, Thái Nguyên và Sông Công.

Ngoài ra, nhiều CCN đã quy hoạch tại các huyện miền núi từ lâu nhưng chưa thu hút được chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật như: CCN Nam Hòa (Đồng Hỷ); CCN Yên Lạc (Phú Lương)... Nguyên nhân chính của khó khăn này là do kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, địa hình đồi núi hiểm trở, hệ thống giao thông kết nối còn hạn chế; công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa được sát sao, quyết liệt. Bên cạnh đó, nguồn lao động ở các huyện phần lớn là lao động phổ thông, tay nghề thấp...

Ðể giải quyết những khó khăn trên, đồng thời nâng cao tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư ở các huyện miền núi, các địa phương này cần có cơ chế “khơi thông” phù hợp; chủ động trong việc nghiên cứu, bố trí ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó là đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp...

Hoàng Cường

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202410/phat-trien-cum-cong-nghiep-o-vung-khonhung-tin-hieu-tich-cuc-eed1b2a/