Phát triển đa dạng các mô hình kinh tế nông nghiệp ở Gio An
Những năm qua, xã Gio An (Gio Linh) đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp trong phát triển nông nghiệp, trong đó nổi bật triển khai thực hiện Đề án 'Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Gio Linh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025'.
Anh Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết, sau khi tiếp thu đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Gio Linh, xã Gio An đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được xã triển khai thực hiện đó là xây dựng quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, cây trồng chủ lực, chăn nuôi tập trung, gắn với dồn điền đổi thửa, quy mô trang trại, xem đây là điều kiện tạo đột phá cho tái cơ cấu nông nghiệp; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện chuyển đổi một số diện tích đất trồng rừng, đất trồng một số loại cây công nghiệp kém hiệu quả sang trồng những cây có hiệu quả kinh tế cao hơn; từng bước xây dựng thương hiệu, nhãn mác, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp…; đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi; đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nhờ vậy, đến nay nền nông nghiệp Gio An đã có chuyển biến tích cực. Diện tích cây cao su của xã đạt 460,5ha, trong đó diện tích khai thác là 421,8ha, năng suất dự kiến đạt từ 1,4 - 1,6 tấn/ha, sản lượng ước đạt 590 - 675 tấn; diện tích cây hồ tiêu 82,5ha, năng suất từ 1-1,2 tấn/ha, sản lượng 82,5- 99 tấn. Diện tích gieo trồng hằng năm khoảng 89,2ha, sản lượng 542,1 tấn. Cây lạc, khoai lang, sắn, nghệ, rau các loại…được duy trì với diện tích gieo trồng khoảng 352 ha. Xã cũng đã tập trung chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực, tiêu biểu là các mô hình: “Tưới tiết kiệm cho cây hồ tiêu”, “Trồng, tiêu thụ xà lách xoong”, “Sản xuất, liên kết tiêu thụ hồ tiêu hữu cơ”, trồng thử nghiệm sâm Bố Chính, trồng cây ăn quả, mướp đắng… Bên cạnh đó, xã Gio An tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân trong sản xuất nông nghiệp được thuận lợi và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trong chăn nuôi, lãnh đạo xã Gio An tích cực tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho người dân chuyển từ chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ sang phương thức chăn nuôi gia trại, trang trại, bán công nghiệp. Hiện nay, tổng đàn trâu, bò hơn 710 con; đàn lợn 390 con, gia cầm 7.500 con. Mô hình nuôi dê được đầu tư phát triển tốt. Toàn xã có 1 trang trại, gần 20 gia trại hoạt động hiệu quả. Cụ thể như mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản của ông Nguyễn Văn Hoạt, thôn An Hướng, với quy mô 20 con; ông Nguyễn Văn Huynh, thôn An Nha, với quy mô 20 con; mô hình nuôi chim cút lấy trứng của ông Nguyễn Văn Tình, thôn An Bình, với quy mô 2.000 con; mô hình nuôi dê thương phẩm của 22 hộ dân trên địa bàn 7/8 thôn trong xã. Về nuôi trồng thủy sản, tiếp tục được chú trọng đầu tư, với diện tích 22,63 ha nuôi cá nước ngọt, sản lượng ước đạt 23 tấn.
Ông Võ Đăng Lập, ở thôn An Nha cho biết: “Từ bao đời gắn bó với nghề nông, điều mà tôi mong muốn đó là phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, đồng thời nhân rộng cho người dân trong xã làm theo để nâng cao đời sống. Tôi đã đi nhiều nơi tìm hiểu các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao và về ứng dụng ngay tại địa phương. Hiện nay, tôi đã xây dựng được mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp với nhiều loại cây trồng mới như ổi Nữ hoàng, ổi không hạt, ổi ruột đỏ, mít Thái… với diện tích hơn 3,5 ha; phát triển hơn 3 ha sắn, gần 1 ha trồng tràm, chăn nuôi 8 con bò, hàng chục con lợn và gia cầm…Thu nhập bình quân hằng năm trên 150 triệu đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Từ thành công này, tôi đã hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ cho nhiều nông dân ứng dụng, làm theo, bước đầu có nhiều kết quả khả quan”.
Bên cạnh phát triển nông nghiệp truyền thống, xã Gio An còn khuyến khích nhân dân phát triển các ngành nghề công nghiệp chế biến củi trấu, cơ khí, xay xát… nhằm cung cấp dịch vụ cho nông nghiệp phát triển. Toàn xã có hơn 200 hộ dân tham gia sản xuất tinh bột nghệ với quy mô hộ gia đình, 10 lò nấu rượu thủ công, 6 xưởng mộc, 2 cơ sở sản xuất bánh mì, 10 cơ sở xay xát lúa gạo. Các hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập và duy trì hoạt động tốt. Trong phát triển nông nghiệp, xã Gio An quan tâm đến việc gắn với phát triển du lịch như xây dựng mô hình trồng rau xà lách xoong tại hệ thống giếng nước cổ Gio An, trồng hoa hướng dương gắn phát triển du lịch cộng đồng đã thu hút khách tới tham quan, mua các sản phẩm nông sản địa phương về sử dụng.
Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu cho biết thêm, với mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, xã đã chủ động làm việc với các ngành, đơn vị liên quan và người dân về việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp địa phương như rau xà lách xoong, hồ tiêu, bơ, tinh bột nghệ… Việc làm này nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các ngành, đơn vị liên quan và sự tham gia của người dân. Đây chính là cơ sở quan trọng để đưa sản phẩm nông nghiệp Gio An vươn ra thị trường. Về phía người dân cũng có những thay đổi trong tư duy sản xuất nông nghiệp theo lối hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và an toàn vệ sinh thực phẩm để cho ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=142192