Phát triển đại học chuẩn quốc tế: Mang lợi ích cho người học

Hướng đến xu thế toàn cầu hóa, các cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam đã có những chuyển động tích cực, với những tín hiệu khởi sắc.

SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong giờ học thực hành. Ảnh: TG

SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong giờ học thực hành. Ảnh: TG

Trong đó, nhiều đơn vị đã lọt vào các bảng xếp hạng ĐH của các tổ chức thế giới, hoặc đạt các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế.

Đáp ứng các tiêu chí khắt khe

Trường ĐH Bách khoa TPHCM là một trong những đơn vị có số chương trình đào tạo (CTĐT) đạt chuẩn quốc tế chiếm tỷ lệ cao trong cả nước. Đến thời điểm hiện tại, tổng số CTĐT đạt chuẩn kiểm định nước ngoài của trường đã lên đến 29. Đồng thời, đây cũng là một trong 3 cơ sở GDĐH tại Việt Nam đạt chuẩn kiểm định AUN-QA cấp cơ sở.

Theo PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, trường đã định hướng cho công tác đào tạo với mục tiêu hội nhập quốc tế từ rất sớm. Để thực hiện mục tiêu này, nhà trường đã kiên trì và tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng nhằm đạt được sự công nhận chất lượng đào tạo từ các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín.

“Cột mốc đầu tiên là năm 2004, trường được Ủy ban Bằng Kỹ sư Pháp kiểm định và công nhận trong thời gian từ 2004 - 2010, cho 5 ngành Viễn thông, Hệ thống năng lượng, Cơ điện tử, Hàng không, Vật liệu tiên tiến. Sự kiện này và các chứng nhận kiểm định quốc tế khác về chất lượng các CTĐT của nhà trường trong thời gian tiếp sau, là kết quả của một quá trình nỗ lực tự hoàn thiện trong hoạt động đào tạo và phục vụ đào tạo của nhà trường” - PGS.TS Mai Thanh Phong chia sẻ.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam có trên 40 cơ sở GDĐH tham gia kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN), với trên 100 CTĐT đạt chuẩn AUN-QA. Để đạt chuẩn AUN-QA là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, trong khoảng 4 năm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) có 14 CTĐT đạt chuẩn AUN-QA.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng HCMUTE cho biết, nhà trường đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 2013 trước khi tham gia đánh giá CTĐT theo AUN-QA. Đồng thời, HCMUTE có truyền thống, nền tảng đào tạo theo định hướng ứng dụng của các nước có nền GDĐH phát triển như Hoa kỳ, CHLB Đức trong gần 60 năm qua. Mặt khác, CTĐT của trường được thiết kế theo hướng tiếp cận CDIO, được định kỳ rà soát và điều chỉnh (4 năm/lần), được triển khai đổi mới từ chuẩn đầu ra, khối lượng, nội dung kiến thức, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra.

“Nhà trường xây dựng bản kế hoạch tổng thể lộ trình 5 năm (2016 - 2020) với mục tiêu 100% các CTĐT của trường sẽ được kiểm định hoặc đánh giá bởi các tổ chức đánh giá về đảm bảo chất lượng (ĐBCL) của khu vực cũng như của thế giới. Trong đó, đặt ra mục tiêu mỗi năm có 3 - 4 CTĐT được đánh giá theo AUN-QA. Phòng ĐBCL của trường phối hợp với các khoa lập kế hoạch triển khai chi tiết, bồi dưỡng nhân sự, rà soát toàn bộ CTĐT và cơ sở vật chất” - nguyên Hiệu trưởng HCMUTE chia sẻ.

Tương tự, từ năm 2016 đến nay, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) đã có 8 CTĐT đạt chuẩn AUN-QA. TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo IUH cho biết, nhà trường đang trong quá trình chuẩn bị tiến tới kiểm định AUN-QA cấp cơ sở GD trong năm 2021 này.

“Nhà trường thường xuyên tiến hành rà soát lại hệ thống ĐBCL bên trong để xác định mức độ phù hợp với bộ chuẩn đánh giá, từng bước triển khai xây dựng mới và cải tiến các công cụ đo lường, đánh giá, quản lý nhằm nâng cao mức độ đáp ứng với bộ chuẩn đánh giá của AUN-QA” - TS Nguyễn Trung Nhân bày tỏ.

Trường ĐH Bách khoa TPHCM nhận kết quả đạt chuẩn kiểm định AUN-QA cấp cơ sở. Ảnh: NTCC

Trường ĐH Bách khoa TPHCM nhận kết quả đạt chuẩn kiểm định AUN-QA cấp cơ sở. Ảnh: NTCC

Nhiều bài báo khoa học quốc tế được công bố

Bên cạnh việc theo đuổi các chương trình kiểm định chất lượng quốc tế, nhiều trường ĐH còn chú trọng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong GV, SV.

Là thành viên của hệ thống ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Quốc tế (IU) trong năm học vừa qua đã có những thay đổi cơ bản trong các hoạt động NCKH và đạt được những thành tựu đáng biểu dương với thành tích công bố khoa học quốc tế được xếp hạng cao trong cả nước, với tỷ lệ 1,1 bài báo tạp chí quốc tế SCIE, Scopus/tiến sĩ/năm.

Theo PGS.TS Phạm Văn Hùng (Trưởng phòng Quản lý khoa học IU), năm học vừa qua, trường đã thành lập được 32 nhóm nghiên cứu tiêu biểu thuộc tất cả các lĩnh vực đào tạo và NCKH. Các đề tài nghiên cứu của các nhóm không những tập trung vào vấn đề nghiên cứu cơ bản, mà còn tập trung vào vấn đề nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sát với đời sống thực tiễn của xã hội hiện nay.

“Ngoài việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trường còn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho NCKH và thu hút nguồn kinh phí cho hoạt động NCKH. Hiện nay, nhà trường đã xây dựng được hệ thống 57 phòng thí nghiệm cho tất cả các chuyên ngành, các lĩnh vực. Ngoài phần kinh phí được cấp từ ĐHQG TPHCM, trường đã trích một phần kinh phí từ nguồn thu để đầu tư xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại đảm bảo tốt yêu cầu dạy học và NCKH” - PGS.TS Phạm Văn Hùng chia sẻ.

Tính đến tháng 12/2020, Trường ĐH Tôn Đức Thắng - TDTU đã đứng trong nhiều bảng xếp hạng đại học uy tín quốc tế như: Top 700 trong Bảng xếp hạng các đại học tốt nhất toàn cầu của Tạp chí Hoa Kỳ (U.S News 2021), Top 800 trong Bảng xếp hạng đại học thế giới của Thượng Hải (ARWU 2020), Top 301 - 400 trong Bảng xếp hạng đại học có ảnh hưởng nhất toàn cầu (THE Impact Rankings 2020), xếp thứ 163 trong Bảng xếp hạng QS Châu Á 2021, và Top 200 trong Bảng xếp hạng đại học phát triển bền vững nhất thế giới (UI GreenMetric 2019). Đồng thời, TDTU có số liệu tăng trưởng về các bài báo khoa học quốc tế khá ấn tượng. Theo số liệu nhà trường cung cấp, từ tháng 8/2018 đến hết tháng 7/2019, đã có 1.407 công trình trên các tạp chí hàng đầu thế giới thuộc danh mục ISI.

Sinh viên nước ngoài Khoa Điện tử Viễn thông Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) thực tập trong Phòng thí nghiệm Siêu cao tần. Ảnh: TG

Sinh viên nước ngoài Khoa Điện tử Viễn thông Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) thực tập trong Phòng thí nghiệm Siêu cao tần. Ảnh: TG

Mang nhiều lợi ích cho người học

Việc các trường đại học nỗ lực đạt các chuẩn quốc tế góp phần thể hiện sự thực hiện sứ mạng đào tạo chất lượng cao mà Nhà nước và xã hội đặt kỳ vọng vào nhà trường, giúp nhà trường xây dựng một “văn hóa chất lượng” đúng nghĩa, từng bước khẳng định đẳng cấp của đại học Việt Nam trong hệ thống các ĐH trên thế giới.

Đặc biệt, sự nỗ lực hướng đến chuẩn quốc tế của các trường đã mang lại nhiều lợi ích cho người học. PGS.TS Mai Thanh Phong (Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM) cho biết: “Các kết quả kiểm định chất lượng đào tạo quốc tế sẽ giúp người học nhanh chóng gia nhập đội ngũ lao động chất lượng cao toàn cầu. Sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình đạt chuẩn quốc tế này sẽ có nhiều lợi thế trong tuyển chọn của các doanh nghiệp quốc tế.

Các sinh viên có nguyện vọng tiếp tục học tập – nghiên cứu ở mức cao hơn sẽ có được ưu tiên trong các kỳ tuyển chọn của các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Các chứng nhận ABET, CTI, ACBSB… sẽ mở rộng cửa cho người học tham dự vào những thị trường lao động khó tính nhất như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản…”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/phat-trien-dai-hoc-chuan-quoc-te-mang-loi-ich-cho-nguoi-hoc-y99WKZ6Mg.html