Phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang - Kỳ 3: Xứng danh người đảng viên
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi có dịp gặp gỡ nhiều đảng viên người dân tộc thiểu số tiêu biểu. Dù khác nhau về dân tộc, tôn giáo, giới tính, độ tuổi, công việc…, nhưng họ đều cùng có một điểm chung: luôn làm tròn trách nhiệm của người đảng viên, mang Đảng ngày càng đến gần đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở quê mình. Họ tự hào vì họ là đảng viên, còn chúng tôi tự hào vì Đảng có họ.
Nữ đại biểu Quốc hội về hưu
Bà Neáng Kim Cheng (sinh năm 1954, ngụ khóm 3, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn) là người dân tộc thiểu số Khmer, vào Đảng năm 32 tuổi, khi đang giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Tri Tôn (năm 1986). Hơn 30 năm nay, bà đóng góp nhiều cho xã hội, địa phương, khi đảm nhận nhiều cương vị khác nhau. Đặc biệt, bà được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội 2 khóa liên tục (khóa X, XI). Từ chức trách này, bà quan tâm chú trọng các lĩnh vực liên quan đến ĐBDTTS, giáo dục – đào tạo, bình đẳng giới… Bà cũng là một trong những vị đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị quan tâm, cử bà tham gia các hoạt động liên quan đến ĐBDTTS, tôn giáo đối với quốc tế.
Bà Neáng Kim Cheng trong vai trò đại biểu Quốc hội
Trong cuộc sống, gia đình bà Neáng Kim Cheng là gia đình văn hóa tiêu biểu, có truyền thống hiếu học. Con trai lớn của bà là Danh Chanh Đa, đã tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ đa khoa Đại học Y dược Cần Thơ, công tác tại Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ. Con gái út của bà là Danh Chanh Ry Gia, cũng tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ, nối tiếp truyền thống gia đình và được đứng vào hàng ngũ Đảng. “Từ khi vào Đảng đến nay, tôi luôn nhắc mình phải có ý thức gương mẫu trong công tác, lao động, giữ vai trò tiên phong đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương, đơn vị. Dù đã về hưu, tôi vẫn luôn tự hào vì bản thân là đảng viên, càng nhắc mình phải tiếp tục gương mẫu, tin vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tôi thường khuyên các con: tuổi còn trẻ, theo ngành Y, càng phải cố gắng noi gương gia đình, làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và nhiệm vụ đảng viên” – bà Cheng tâm sự.
Hiện nay, bà Neáng Kim Cheng đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Tri Tôn. Từ mối quan hệ rộng rãi khi còn làm đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo, từ uy tín của bản thân đối với mọi người xung quanh, mỗi năm bà cùng Ban Chấp hành Hội Khuyến học vận động kinh phí bình quân từ 3 đến 5 tỷ đồng. Con số này không hề nhỏ đối với một huyện miền núi, dân tộc nghèo như Tri Tôn. Từ đó, hàng ngàn suất học bổng, suất quà tiếp bước đến trường đã được đến tay học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là học sinh ĐBDTTS ở huyện nhà.
Du Số - đảng viên “quen mặt” ở làng Chăm Đa Phước
Quả thật, đến làng Chăm Đa Phước (huyện An Phú), hỏi anh Du Số (đại biểu HĐND xã Đa Phước, Phó Chủ tịch UBMTTQ xã, thành viên Ban Quản trị Thánh đường Ehsan), hầu như ĐBDTTS Chăm địa phương đều biết. Sinh năm 1980, anh Du Số vào Đảng khi 28 tuổi, nhanh chóng trở thành đảng viên cốt cán ở xã. Anh kể, thời gian đầu, gia đình mong anh đi du học, không khuyến khích anh làm việc ở xã. Tuy nhiên, anh thuyết phục họ để được làm việc gần nhà, góp phần hỗ trợ địa phương theo khả năng bản thân.
Du Số (bìa trái) thăm hỏi người dân trong xã
Xã Đa Phước có 483 hộ dân, với 2.018 nhân khẩu là ĐBDTTS Chăm. “Nhiều năm trước, ĐBDTTS Chăm có trình độ học vấn thấp, ít người học xong cấp THPT, nhất là nữ. Trình độ văn hóa hạn chế, lại ngại tiếp xúc với người lạ, nên người dân gặp nhiều khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính. Họ không rành tiếng Kinh, không rõ hồ sơ cấp giấy khai sinh, hộ khẩu… Nhiều trường hợp, con cháu đến tuổi đi học, mà không hề có giấy khai sinh. Đôi khi cán bộ người Kinh không nắm rõ chữ viết, cách phát âm của người Chăm, nên ghi sai tên họ trong giấy tờ, chỉnh sửa lại phiền phức lắm. Từ khi làm việc ở xã, tôi thường xuyên xuống địa bàn, hỗ trợ và kết nối bà con với địa phương, ngành chức năng trong mọi mặt. Muốn tìm một người nào đó, phải nắm rõ họ tên, năm sinh, con của ai, chứ tên của người Chăm trùng nhau rất nhiều. Một số từ ngữ trong tiếng Kinh nếu tuyên truyền thì bà con không hiểu, buộc phải phiên dịch sang ngôn ngữ của bà con. Mặt khác, phải có đủ uy tín mới vận động bà con tham gia các chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ, xây dựng nông thôn mới… của địa phương” – anh Du Số chia sẻ.
Anh Du Số gắn bó với nhiều hoạt động đoàn thể địa phương
Do vậy, hầu như hoạt động nào của địa phương, anh Du Số đều tham gia cùng, trở thành cầu nối hiệu quả giữa ĐBDTTS Chăm và hệ thống chính trị cơ sở. Anh giúp người dân làm thủ tục hành chính; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến cuộc sống của họ; đến tận nhà vận động người dân cho con em mình tham gia văn hóa, văn nghệ, thể dục- thể thao ở trong và ngoài địa phương. “Du Số làm việc tích cực lắm, thường đưa ra ý kiến hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi. Mọi người ngày càng tin tưởng và nghe theo lời khuyên của Du Số nhiều hơn, nhất là trong các phong trào ở xã, thay đổi suy nghĩ, quyết tâm cho con em đi học” – ông Mách Sa Lế (69 tuổi, ngụ tổ 27, ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước) bày tỏ.
Hơn 20 năm gắn bó với công tác đoàn thể
Bà Huỳnh Huệ Lan (sinh năm 1955, người dân tộc thiểu số Hoa) tham gia kháng chiến từ khi 15, 16 tuổi, được tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhì. Sau này, bà tham gia công tác đoàn thể ở khóm 7 (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên), từ vai trò cộng tác viên, phó trưởng khóm, đến Chi hội trưởng Hội người cao tuổi và Chữ Thập đỏ của khóm. Xốc vác, năng nổ, nhiệt tình với công việc, nên bà được kết nạp vào Đảng năm 2002.
Bà Huệ Lan (hàng đầu, thứ hai từ trái sang trong buổi kết nạp Đảng)
“Đặc thù của người dân tộc thiểu số Hoa ở địa phương là rất chịu khó, chăm chỉ, chủ yếu sống bằng nghề kinh doanh, mua bán ở đô thị, đời sống kinh tế khá giả. Nhờ vậy, khi tôi vận động họ đóng góp an sinh xã hội, từ thiện, tham gia các phong trào do phường phát động, họ đều nhiệt tình tham gia, đóng góp vượt chỉ tiêu, thường xuyên dự các cuộc họp do khóm tổ chức. Có việc gì không rõ, họ tìm tôi để hỏi thăm. Do vậy, để có đủ kiến thức giải thích, hướng dẫn cho bà con, tôi thường phải nghiên cứu thông tin trên sách báo, chủ trương, nghị quyết của cấp trên. Có lẽ do tôi thật sự quan tâm và yêu thích công việc này, nên phấn đấu làm tốt vai trò cầu nối giữa người dân tộc thiểu số Hoa với Đảng và Nhà nước trong khả năng của bản thân. Tôi thường vận động bà con rằng, khi đã sinh ra, lớn lên ở đây, mình phải chấp hành, tuân thủ quy định chung, giữ gìn bản sắc của dân tộc và góp sức xây dựng quê hương. Mong rằng, ĐBDTTS Hoa nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số khác trong tỉnh nói chung sẽ luôn được quan tâm, tạo mọi điều kiện phát triển về đời sống vật chất và tinh thần” – bà Lan bày tỏ.
Bà Huệ Lan hướng dẫn người dân làm thủ tục tại khóm
(Còn tiếp)