Phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang - Kỳ 4: 'Đãi cát tìm vàng'
Trẻ hóa đội ngũ đảng viên, nhất là đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), được xem là nhiệm vụ quan trọng, nhằm đảm bảo sự kế thừa và bổ sung 'sinh lực' cho Đảng. Nhiệm vụ ấy càng trở nên quan trọng ở tỉnh có đông ĐBDTTS sinh sống như An Giang. Thế nhưng, 'đãi cát' như thế nào để tìm được 'vàng'?
Khi chúng tôi tìm gặp, Chau Sóc Khưm (sinh năm 1990, Bí thư Xã đoàn An Cư, huyện Tịnh Biên) đang tập trung nhiều công việc cùng lúc: vận động thực hiện công trình thanh niên, dự thi Hội thi Báo cáo viên giỏi cấp huyện; tiếp đoàn kiểm tra về công tác Đoàn… Thế nhưng, dường như anh vẫn đủ năng lượng để hoạt động hết mình, khẳng định “thương hiệu” của bản thân: một cán bộ Đoàn, đảng viên trẻ người dân tộc thiểu số Khmer tiêu biểu. Thời gian qua, anh tham mưu, đề xuất cho cấp ủy Đảng và Đoàn cấp trên thực hiện những công trình, phần việc mang lại hiệu quả thiết thực cho địa phương như: tổ chức trồng cây dọc các tuyến đường chính của xã; gắn pano tuyên truyền về nông thôn mới bằng 2 ngôn ngữ (Việt – Khmer); vận động cất mới nhà Nhân ái cho thanh niên nghèo; đạt thành tích cao trong nhiều phong trào ở xã, huyện.
Từ quá trình trưởng thành của bản thân, cộng với vai trò thủ lĩnh thanh niên, anh Chau Sóc Khưm có trách nhiệm làm tốt công tác Đoàn xây dựng Đảng, trong đó có việc phát triển Đảng cho đoàn viên thanh niên ưu tú. “Toàn Xã đoàn có 9 đoàn viên là đảng viên người dân tộc Khmer. Hàng năm, chúng tôi giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp khoảng 5 đoàn viên ưu tú (trong đó có 2-3 đoàn viên là người dân tộc thiểu số Khmer). Hiện nay, gần 78% người dân trong xã là ĐBDTTS Khmer, trong đó 136 đoàn viên, hội viên, 1.015 thanh niên. Đây là nguồn phát triển Đảng rất lớn từ ĐBDTTS trẻ ở địa phương. Thế nhưng, số thanh niên có mặt ở địa phương chỉ khoảng 1/3, do đi làm ăn xa. Số còn lại, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ học vấn thấp, chưa đủ tiêu chuẩn, phẩm chất để xem xét kết nạp Đảng” - Anh Chau Sóc Khưm bày tỏ.
Bạn Neáng Quông (sinh năm 1994, ngụ tổ 9, ấp Pô Thi, xã An Cư) nghỉ học cách đây nhiều năm, cũng chỉ vì cuộc sống quá khó khăn, không có phương tiện đến trường. Hiện nay, bạn sống cùng cha mẹ, chồng và con. Cả gia đình không có đất canh tác, chỉ có nghề “ai thuê gì làm nấy”, nên thu nhập rất bấp bênh. Vừa rồi, bạn được Xã đoàn An Cư vận động nhà hảo tâm hỗ trợ cất nhà Nhân ái, trị giá 25 triệu đồng, thay cho căn nhà gỗ mục nát trước đó. Tuy vậy, không rành tiếng Việt, cơm áo gạo tiền chi phối cuộc sống hàng ngày, bạn Neáng Quông (và nhiều bạn trẻ người dân tộc thiểu số Khmer khác ở xã) khó có điều kiện tham gia hoạt động của đoàn thể, chưa thể hiện rõ tính xung kích của thanh niên, sẽ chưa thể trở thành nhân tố để phát triển Đảng.
Khó khăn ở Xã đoàn An Cư cũng là điển hình của Huyện đoàn Tịnh Biên. Giống như Tri Tôn, Tịnh Biên là huyện miền núi, với đông ĐBDTTS Khmer sinh sống. Đoàn viên, thanh niên ĐBDTTS Khmer là lực lượng đông đảo, đại bộ phận luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; luôn có khát vọng, ý chí vươn lên, có tinh thần đoàn kết, chia sẻ, tương thân, tương ái. Vì vậy, việc quan tâm, chăm lo đầu tư cho đoàn viên, thanh niên ĐBDTTS Khmer phát triển toàn diện là trách nhiệm của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp. Trong thời gian qua, thông qua các hoạt động Xuân tình nguyện, Tháng thanh niên, chiến dịch Mùa hè tình nguyện, các dịp lễ, tết truyền thống của ĐBDTTS Khmer..., Đoàn thanh niên đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: văn hóa- văn nghệ, thể dục- thể thao, thăm tặng quà, cất nhà Nhân ái, các hoạt động an sinh xã hội, giới thiệu việc làm..., góp phần nâng cao công tác tập hợp đoàn viên thanh niên ĐBDTTS Khmer. Đặc biệt, tổ chức Đoàn cổ vũ đoàn viên, thanh niên ĐBDTTS Khmer tích cực học tập, bồi dưỡng tư tưởng chính trị vững vàng, rèn luyện đạo đức, nghiên cứu, chấp hành pháp luật. Qua đó, đã bồi dưỡng lực lượng đoàn viên ưu tú (là ĐBDTTS Khmer) phấn đấu được kết nạp Đảng. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở Đoàn giới thiệu 4 hồ sơ đoàn viên ưu tú (là ĐBDTTS Khmer) cho Đảng xem xét kết nạp, được kết nạp Đảng 100%; nâng số lượng đoàn viên ĐBDTTS Khmer là đảng viên lên 63 người.
“Hiện nay, công tác giới thiệu đoàn viên ưu tú là người dân tộc thiểu số Khmer cho Đảng xem xét kết nạp gặp khó khăn về nguồn nhân sự. Đối với các xã, thị trấn, lực lượng đoàn viên thanh niên trên địa bàn rời địa phương đi lao động ngoài tỉnh ngày càng tăng. Ở góc độ Đoàn, chúng tôi cho rằng, cần phải tiếp tục đổi mới phương thức giáo dục chính trị tư tưởng, phong phú về hình thức, hấp dẫn về nội dung, đi sâu phân tích trọng tâm cho đoàn viên hiểu sâu hơn. Vận động đoàn viên, thanh niên ĐBDTTS Khmer tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện; tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ học tập, hỗ trợ về nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên ĐBDTTS Khmer. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ đoàn kết tập hợp thanh niên người Khmer. Không chỉ vậy, cần tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng đoàn viên, đoàn viên mới kết nạp; chú trọng phát triển đoàn viên mới trong ĐBDTTS Khmer; kịp thời động viên, khen thưởng các đoàn viên ưu tú, đảng viên trẻ ĐBDTTS Khmer gương mẫu trong đạo đức lối sống, có thành tích cao trong học tập và thực hiện nhiệm vụ. Có như thế, mới thu hút và phát triển được nguồn đảng viên trẻ, ưu tú cho Đảng” - Bí thư Huyện đoàn Tịnh Biên Chau Thị Thu Thủy chia sẻ.
Tại huyện đầu nguồn An Phú, dù đã vận dụng các quy định về kết nạp Đảng, với các tiêu chuẩn thấp hơn so với người Kinh, nhưng số lượng đảng viên người dân tộc thiểu số vẫn chưa nhiều. Toàn huyện có 24 đảng viên là người dân tộc thiểu số Chăm, tỷ lệ không cao so với đảng viên toàn huyện. Theo Ban Tổ chức Huyện ủy An Phú, điều đáng ghi nhận là đảng viên người dân tộc thiểu số trong huyện luôn tham gia tích cực các hoạt động của địa phương, đơn vị đang công tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội quê nhà. Tuy nhiên, việc phát triển ĐBDTTS vẫn gặp vướng mắc, do trình độ văn hóa, tiêu chuẩn để kết nạp Đảng của họ chưa đáp ứng yêu cầu. Người được kết nạp đa phần là người đang công tác trong hệ thống chính trị các cấp, là người có uy tín, nòng cốt tại địa phương.
(Còn tiếp)