Phát triển Đảng trong học sinh tại Thừa Thiên Huế (Bài 4): Còn thách thức cần các cấp 'gỡ khó'
Những năm gần đây, số lượng đảng viên là học sinh ở Thừa Thiên Huế được kết nạp ngày càng tăng cả về 'chất' và 'lượng', đây là thành quả bước đi đúng đắn và đầy sáng tạo. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 21/38 trường THPT trên địa bàn tỉnh chưa có học sinh được kết nạp, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức… đòi hỏi các ngành, các cấp quan tâm nhiều hơn.
Theo quy định, tại thời điểm Chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, tháng 6 hàng năm, học sinh lớp 12 đã tốt nghiệp ra trường. Các em phải chuyển sinh hoạt về địa phương trong thời gian chờ kết quả và nhập học vào các trường Đại học, Cao đẳng… Do đó, các trường THPT khó có thể kết nạp được cho các em dù đã có nhiều sự quan tâm, nỗ lực.
Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo cũng như giáo viên dạy THPT trên địa bàn, nguyên nhân là do một số phụ huynh muốn con em mình phải chú trọng việc học, để vào được trường Đại học như ý nguyện. Bên cạnh đó, những em được kết nạp Đảng phải có thành tích học tập vượt trội, ít nhất phải có giải học sinh giỏi cấp tỉnh mới thuyết phục. Học sinh đáp ứng đủ tiêu chuẩn này chưa nhiều.
Và đặc biệt, thực hiện chỉ tiêu phát triển đảng viên trẻ mà cấp trên giao, các nhà trường đã có lực lượng giáo viên trẻ được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Vì vậy, dù không kết nạp được đảng viên từ học sinh nhưng các Đảng bộ hoặc Chi bộ của các trường vẫn đạt trong sạch, vững mạnh.
Quảng Điền là huyện có 3 trường THPT và 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, chất lượng dạy học ở địa phương này khá tốt so với mặt bằng trên toàn tỉnh. Thế nhưng, việc phát triển Đảng ở học sinh tại Quảng Điền còn hạn chế khi 5 năm qua chưa hề kết nạp được một học sinh nào cả.
Ông Lê Văn Khuyến (Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Quảng Điền) thẳng thắn chia sẻ: “Huyện ủy đã hết sức quan tâm trong việc phát triển Đảng từ học sinh, đây vừa là chỉ tiêu của huyện đồng thời góp phần động viên các cháu ưu tú. Từ lâu Huyện ủy đã giao cho các trường trên địa bàn thực hiện vấn đề trên nhưng các trường cứ nêu lý do khó khăn này, khó khăn nọ nên chưa phát triển được…”.
Cũng theo ông Khuyến, mới đây, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đã trực tiếp về làm việc tại các trường THPT trên địa bàn để đôn đốc việc phát triển Đảng cho học sinh. Hi vọng rằng, trong thời gian tới quê hương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, của cây đại thụ làng thơ cách mạng Tố Hữu sẽ có đảng viên ở tuổi 18.
Huyện Phong Điền cũng chưa phát triển được đảng viên nào từ học sinh. Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu không ngoại lệ nhưng cách đây 8 tháng, trường này có 1 Hiệu trưởng mới với nhiều kinh nghiệm trong công tác này, đó là thầy Mai Trọng Đạt.
Theo thầy Đạt, mới đây trong phiên Hội nghị được tổ chức tại Huyện ủy Phong Điền, thầy có phát biểu về phát triển Đảng cho học sinh, lãnh đạo Huyện ủy rất ủng hộ. Ngay lập tức, 7 em học sinh ưu tú của trường Nguyễn Đình Chiểu được đi học cảm tình Đảng.
“Tôi từng làm hiệu trưởng ở THPT Hương Trà, việc phát triển Đảng cho các em lúc đầu thấy khó khăn nhưng càng làm thì càng thuận lợi. Ngoài sự xuất sắc của các em, thì cơ sở phấn đấu và cấp trên ủng hộ là được. Tôi sẽ đặt nền móng cho việc phát triển đảng viên độ tuổi 18 ở Phong Điền. Hi vọng đầu năm 2023 sẽ có đột phá, khởi sắc tại trường tôi”, thầy Mai Trọng Đạt nói.
Tỉnh ủy, Tỉnh đoàn luôn quan tâm
Các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” xác định thanh niên là lực lượng hậu bị tin cậy của Đảng. Việc tổ chức kết nạp đảng viên là học sinh THPT sẽ góp phần quan trọng bổ sung lực lượng cho Đảng và đã đặt ra mục tiêu “Phấn đấu đạt tỉ lệ ít nhất 70% đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên”.
Từ đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đảng viên trong các trường THPT từ đoàn viên ưu tú. Mô hình này sẽ cho ra nhiều những “hạt giống đỏ” và là nguồn cán bộ chất lượng cao trong tương lai.
Anh Nguyễn Thanh Hoài (Bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế) chia sẻ, thông qua các chương trình, hoạt động, Tỉnh đoàn đẩy mạnh giới thiệu đoàn viên là học sinh ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp như: Các hoạt động Ngày thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh, Tháng 3 thanh niên, rồi Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hoa phượng đỏ... Ngoài ra, Tỉnh đoàn cũng tổ chức các hoạt động khác như tuyên dương Bí thư Chi đoàn giỏi, trao danh sách đoàn viên ưu tú cho cấp ủy trong Đoàn các trường THPT cũng nhằm phát hiện sớm các gương điển hình, đoàn viên ưu tú giới thiệu cho cấp ủy các trường THPT trên địa bàn.
“Nhìn lại công tác đoàn và phong trào thanh niên ở nhà trường trong những năm gần đây, tôi vui mừng nhận thấy, hiện có rất nhiều bạn trẻ ưu tú, hội tụ đủ các tiêu chuẩn của một người đảng viên tuổi 18. Tại sao chúng ta không tạo điều kiện, tiếp thêm động lực cho họ vươn lên, cống hiến nhiều hơn? Tôi nghĩ, chúng ta phải quan tâm, phải làm tốt việc này”, anh Nguyễn Thanh Hoài nhấn mạnh.
Theo ông Phan Ngọc Thọ (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế), công tác phát triển Đảng luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của mỗi cấp ủy, đặc biệt, phát triển Đảng ở học sinh, vì đây là thế hệ năng động và là rường cột của nước nhà. "Trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy công tác này được tăng cường và có nhiều khởi sắc. Đây là tín hiệu rất tốt vì các em ở độ tuổi này đa phần muốn cống hiến, chưa nghĩ đến quyền lợi và chắc chắn những em này sẽ là thủ lĩnh thật sự trong phong trào thanh niên", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khẳng định.
Ông Thọ nêu định hướng, trong thời gian tới cấp ủy phải tăng cường bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho lực lượng đoàn viên là học sinh, phải lắng nghe ý kiến từ các em. Bên cạnh đó, khi triển khai nhiệm vụ này thì ngoài chú trọng số lượng vẫn phải đảm bảo chất lượng, không hạ thấp tiêu chuẩn nhưng không quá khắt khe; đồng thời phải tạo nguồn cho giai đoạn tiếp theo.
“Kết nạp đảng viên ở học sinh nhằm khơi dậy khát vọng cống hiến từ người trẻ, lan tỏa tình yêu quê hương đất nước. Để làm được điều này, cả hệ thống chính trị của tỉnh nhà phải cùng vào cuộc, không chỉ ngành giáo dục, các trường phổ thông mà phải từ cấp ủy các cấp... Trong đó, các Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng các trường cần có trách nhiệm cao hơn nữa trong công tác này”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.