Phát triển Đảng trong vùng đồng bào có đạo - 'đãi cát… tìm nguồn' (kỳ 1)

Những năm qua, các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phát triển đảng viên là người có đạo. Những đảng viên này là

Những năm qua, các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phát triển đảng viên là người có đạo. Những đảng viên này là “hạt nhân”, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo và nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phương châm sống “tốt đời đẹp đạo”, góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đảng ủy xã Nghĩa Lạc triển khai công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào có đạo.

Kỳ I: Gian nan hành trình “tìm nguồn”

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 tôn giáo chính gồm đạo Phật, đạo Công giáo và đạo Tin lành. Trong đó, đạo Phật có khoảng 300 nghìn tín đồ và khoảng 60% dân số trong tỉnh theo giáo lý đạo Phật; có 894 tăng, ni trụ trì ở trên 800 chùa. Đạo Công giáo có gần 470 nghìn giáo dân, chiếm khoảng 25% dân số. Đạo Tin lành có khoảng 800 tín đồ với 2 hội thánh ở thành phố Nam Định và Hoành Nhị ở xã Giao Hà (Giao Thủy). Thời gian qua, cùng với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào có đạo, công tác phát triển đảng viên ở vùng có đạo cũng luôn được cấp ủy các cấp đặc biệt quan tâm. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có tổng số 110.783 đảng viên; trong đó 4.687 đảng viên theo đạo Công giáo, chiếm trên 4,23%. Có thể thấy, tỷ lệ đảng viên được kết nạp trong vùng đồng bào có đạo chưa cao. Việc tìm nguồn là người có đạo để kết nạp vẫn là hành trình “gian nan”.

Xã Hải Xuân (Hải Hậu) có 96% dân số theo đạo Công giáo. Đảng bộ xã có 18 chi bộ, 240 đảng viên. Hàng năm, Huyện ủy Hải Hậu giao chỉ tiêu cho Đảng ủy xã kết nạp 4 đảng viên mới. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, toàn Đảng bộ xã mới kết nạp được 9 đảng viên; trong đó có 6 người theo đạo Công giáo. Chia sẻ về lý do không kết nạp đủ số lượng đảng viên theo chỉ tiêu của huyện, đồng chí Đỗ Thị Tuyết Thanh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Hiện nay, việc kết nạp đảng viên gặp một số khó khăn nhất định. Nguyên nhân một phần là do hầu hết đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng đều đi làm ăn xa ngoài địa phương, khó theo dõi, giúp đỡ. Số thanh niên sinh sống trên địa bàn xã đa số làm việc tại các khu, cụm công nghiệp nên cũng ít quan tâm đến hoạt động của địa phương. Một số người trong diện “nguồn” thì vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình hoặc không đủ các tiêu chuẩn để kết nạp Đảng”… Cũng theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, mặc dù nghị quyết đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phát triển được số lượng đảng viên bằng nhiệm kỳ trước, tuy nhiên, với tình hình hiện tại, đây chính là một “thử thách” lớn. Tại các chi bộ 1 và 2, trong 2 năm trở lại đây không kết nạp được đảng viên mới. Là “điểm sáng” trong việc phát triển đảng viên của xã thời gian trước, tuy nhiên trong năm 2021, chi bộ 6 cũng chỉ bồi dưỡng, kết nạp được một đảng viên. Đồng chí Phạm Minh Đăng, Bí thư chi bộ 6 cho biết: “Xóm 6 có 80% dân số theo đạo Công giáo; chi bộ xóm 6 có 17 đảng viên, cao tuổi nhất là 68 tuổi, ít tuổi nhất mới 26 tuổi trong đó 50% đảng viên trong chi bộ là người Công giáo. Để phát triển đảng viên, chi bộ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, vai trò lãnh đạo của Đảng; hàng năm chi ủy rà soát, lựa chọn giới thiệu với Đảng ủy những quần chúng ưu tú đề cử đi học các lớp cảm tình Đảng. Tuy vậy, thực tế tại địa phương đang cho thấy, nhiều người và đặc biệt là giới trẻ hiện nay không “mặn mà” với việc vào Đảng. Từ đó, khiến việc tạo nguồn phát triển đảng viên ngày càng khó khăn hơn”.

Nông thôn mới xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng).

Việc “đãi cát… tìm nguồn” phát triển đảng viên trong vùng đồng bào có đạo không chỉ là vấn đề khó ở xã Hải Xuân mà còn là “khó chung” của nhiều địa phương trong tỉnh. Xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) có 2.560 hộ với 8.436 nhân khẩu, trong đó 99,7% dân số trong xã là người Công giáo, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp và phát triển một số ngành nghề như cơ khí, chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ, khai thác thủy sản... Đảng bộ Nghĩa Lạc có 246 đảng viên, sinh hoạt tại 18 chi bộ, trong đó có 13 chi bộ thôn xóm, 3 chi bộ nhà trường, 1 chi bộ Y tế và 1 chi bộ Công an. Hàng năm, Đảng bộ xã được giao chỉ tiêu kết nạp 5-6 đảng viên. Để thực hiện hiệu quả công tác phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên, Đảng ủy xã Nghĩa Lạc đã chỉ đạo các chi bộ, MTTQ và các đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về vai trò lãnh đạo của Đảng. Theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào có đạo nhằm giải quyết kịp thời các nhu cầu, đảm bảo theo quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo mối đoàn kết lương, giáo. Bên cạnh đó, các chi bộ đã thực hiện tốt việc triển khai, phát động phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào có đạo, qua đó, phát hiện, lựa chọn quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, tạo nguồn cho Đảng xem xét, kết nạp. Đảng ủy xã cũng giao cho các chi bộ trực tiếp giáo dục, quản lý và giúp đỡ quần chúng ưu tú có mục tiêu, lý tưởng phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng; xây dựng lực lượng cốt cán vùng đồng bào có đạo trên địa bàn. Qua đó, quan tâm bố trí những người có đạo vào các vị trí cán bộ chủ chốt của xã, đại biểu HĐND, trưởng các đoàn thể chính trị, xã hội, Ban Đoàn kết Công giáo, bí thư chi bộ, trưởng thôn… Từ đó, tạo điều kiện cho các đảng viên có đạo phát huy vai trò “hạt nhân” chính trị ở cơ sở, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động bà con giáo dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo phương châm “Sống tốt đời đẹp đạo”, “Kính Chúa yêu nước”. Hiện đa phần cán bộ chủ chốt trong xã là người Công giáo. Tuy nhiên, dù triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển đảng viên, nhưng năm 2021, Đảng bộ Nghĩa Lạc cũng chỉ kết nạp được 4 đảng viên. Từ đầu năm 2022 đến nay, xã mới kết nạp được 2 đảng viên; theo kế hoạch dịp Quốc khánh 2-9 sẽ kết nạp thêm 4 đảng viên mới. Đồng chí Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ nguyên nhân số lượng đảng viên mới kết nạp chưa cao là do: “Nguồn phát triển đảng viên ở nông thôn chủ yếu dựa vào lực lượng thanh niên. Hiện nay lực lượng này đi học đại học, cao đẳng, học nghề, hoặc làm ăn xa. Số ít thanh niên ở nhà trình độ, năng lực hạn chế, lại thiếu ý chí phấn đấu, ngại tham gia sinh hoạt các đoàn thể nên khó có thể bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng. Các nguồn khác ở các chi hội đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cũng gặp nhiều hạn chế dẫn đến việc giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp ngày càng khó khăn. Một số chi bộ Đồng Quang, Đồng Tâm trong nhiều năm không phát triển được đảng viên mới gây nên tình trạng “già hóa” tuổi của đảng viên của các chi bộ”.

Công tác phát triển đảng viên nói chung, đảng viên vùng đồng bào có đạo nói riêng luôn được cấp ủy các cấp xác định là nhiệm vụ thường xuyên, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Từ đó, đặt ra yêu cầu bức thiết đối với các cấp ủy Đảng trong toàn Đảng bộ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới.

(còn nữa)
Bài và ảnh: Hoa Xuân, Văn Huỳnh

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5084/202207/tac-pham-tham-du-giai-bao-chi-bua-liem-vang-lan-thu-vii-2022-phat-trien-dang-trong-vung-dong-bao-co-dao-dai-cat-tim-nguon-ky-1-2552084/