Phát triển dịch vụ tư vấn đầu tư công nghiệp: Cần ban hành chiến lược đào tạo nguồn nhân lực
Hoàn thiện thể chế chính sách là giải pháp quan trọng giúp thúc đẩy phát triển dịch vụ tư vấn đầu tư công nghiệp (TVĐTCN) - lĩnh vực được dự báo sẽ đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nước ta trong tương lai.
Phát triển mạnh ở nhiều quốc gia
Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Đất Việt Window (phường Nghĩa Trung, Gia Nghĩa) đã được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công quốc gia để mua sắm 2 máy móc, thiết bị mới, tạo cơ sở ban đầu cho doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm cửa các loại đạt chất lượng, chuẩn về mẫu mã. Hoạt động này góp phần giúp sản phẩm của doanh nghiệp đạt chất lượng như ý muốn, giảm chi phí đầu vào, giá thành tốt nhất khi đưa ra thị trường…
Mô hình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhờ đề án khuyến công là một trong những mô hình dịch vụ TVĐTCN khá phổ biến trong ngành Công Thương. Tại Việt Nam, dù thời gian qua, hoạt động đầu tư diễn ra sôi động trong nhiều ngành kinh tế, trong đó có lĩnh vực công nghiệp, tuy nhiên, chưa có văn bản pháp luật nào xác lập khái niệm TVĐTCN. Trong đó, TVĐTCN là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý hiện đại ngày nay, đặc biệt là tư vấn các dự án lớn, phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ năng đa dạng. Để có thể hoàn thành dự án đầu tư đúng thời hạn, đáp ứng yêu cầu chất lượng kỹ thuật và phù hợp với ngân sách đề ra, dự án cần phải được quản lý hiệu quả với phương pháp, kỹ năng phù hợp và được tư vấn bởi đội ngũ lành nghề, có chuyên môn giỏi.
Trên thế giới, đây là một trong những dịch vụ rất phổ biến. Các quốc gia phát triển có những yêu cầu rõ ràng về dịch vụ TVĐTCN. Đơn cử, tại Trung Quốc, có hệ thống các cơ quan quản lý từng lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật. Các hoạt động TVĐTCN cũng chịu sự quản lý, điều chỉnh của hệ thống các văn bản pháp lý và cơ quan quản lý tương ứng. Theo quy định về quản lý các dự án thăm dò, thiết kế công trình, chính quyền Trung Quốc có hệ thống quản lý chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khảo sát và thiết kế công trình. Các công ty muốn hoạt động trong lĩnh vực này phải đạt một số chứng chỉ, đáp ứng được tiêu chí về vốn đăng ký, có lao động đủ điều kiện chuyên môn và kỹ thuật, có phương tiện kỹ thuật đảm bảo đáp ứng được yêu cầu công việc. Đồng thời, phải có nhiều cấp chứng chỉ trong ngành, tương ứng với một mức độ năng lực; với mỗi chứng chỉ, doanh nghiệp chỉ được phép thực hiện các dự án có quy mô và mức độ phức tạp tương ứng với chứng chỉ mà họ được cấp...
Nhanh chóng hoàn thiện thể chế chính sách
Để phát triển lĩnh vực này theo kịp nhu cầu thực tế, theo Bộ Công Thương, cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế trong công tác dịch vụ TVĐTCN; tổ chức lại các đơn vị tư vấn theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoạt động...
Nguồn nhân lực cũng là vấn đề quan trọng. Theo đó, cần đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ làm công tác tư vấn đầu tư phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Tư vấn đầu tư phải trở thành một nghề mang tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cao, ít rủi ro... Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng và ban hành chiến lược đào tạo nguồn nhân lực tư vấn đầu tư theo hướng chú trọng đến trình độ cán bộ, trau dồi kiến thức về luật pháp. Trang bị cho cán bộ các kiến thức quản lý đầu tư chuyên nghiệp như quản trị doanh nghiệp, giải quyết các xung đột, lập và triển khai kế hoạch, kiểm soát và đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện đầu tư.
Ngoài ra, nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị hiện đại phục vụ công tác TVĐTCN. Xây dựng cơ sở hiện đại có đầy đủ phòng làm việc theo tiêu chuẩn, phòng họp… với các trang thiết bị cần thiết cho hoạt động tư vấn đầu tư như máy tính, máy in, scan, máy chiếu… Đối với những đơn hàng lớn, phức tạp, đòi hỏi những trang thiết bị chuyên dùng có thể đi thuê hoặc ký hợp đồng với các đơn vị chuyên môn làm dịch vụ.
Cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ các cơ sở TVĐTCN theo hướng tiếp cận kinh tế thị trường. Các công ty TVĐTCN sẽ hoạt động dưới dạng công ty cổ phần, công ty TNHH chịu sự giám sát trực tiếp của pháp luật hoặc đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.