Phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm, sản phẩm du lịch sáng tạo
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ phối hợp với các địa phương phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù, có tính liên vùng.
Báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm kích cầu du lịch nội địa, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số
Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.
Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2023, và nhiều danh hiệu cao quý khác cho các điểm đến như Hội An, TP Hồ Chí Minh, các cơ sở lưu trú du lịch.
Toàn ngành tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành mục tiêu năm 2024 đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa (trong đó có khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù, có tính liên vùng để thu hút và giữ chân du khách; xây dựng điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp.
Đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh.
Đồng thời, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu, đề xuất với các đơn vị liên quan ban hành chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay kết nối thị trường với các điểm du lịch truyền thống, trọng điểm của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch. Tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch để lắng nghe, đồng hành và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thường xuyên.
Thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương
Liên quan đến phát triển sản phẩm du lịch đêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1894 ngày 14/7/2023 về phê duyệt Đề án "Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm", nhiều địa phương cũng đã ban hành các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, trong đó trọng tâm là hoạt động du lịch đêm với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Một số sản phẩm du lịch đêm đã được đưa vào phục vụ và tạo ấn tượng và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học", "Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm", chương trình nghệ thuật thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" (Hà Nội); "Phố đêm du thuyền Hạ Long" (Quảng Ninh); tour đêm phố cổ Hoa Lư (Ninh Bình), "Quận 1 - Sắc màu đêm" (Tp. Hồ Chí Minh)... cùng với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc đường phố, vẽ ký họa, thư pháp, nhảy zumba, nhảy hiện đại... và các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố... trở thành điểm hẹn của du khách trong và ngoài nước trải nghiệm văn hóa, ẩm thực Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thực tế, trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch đêm vẫn thiếu các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đêm; sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu (chủ yếu diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm, một số hoạt động nghệ thuật, giải trí trong và ngoài đường phố vào ban đêm); quy hoạch không gian riêng cho du lịch đêm, nhận thức về phát triển du lịch đêm còn hạn chế; các địa phương chưa có chiến lược hoặc kế hoạch riêng cho phát triển kinh tế đêm; chưa có cơ chế đặc thù hơn cho các hoạt động mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí vào ban đêm.
Về một số nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch đêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các tỉnh/thành phố thực hiện thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch.
Theo đó, sẽ tập trung xây dựng Quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm: Xác định khu vực, địa bàn cụ thể để định hướng phát triển tập trung mô hình sản phẩm du lịch đêm; Xây dựng mô hình phát triển, loại hình sản phẩm du lịch đêm đảm bảo khai thác tối đa được tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa của địa phương.
Rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, thời gian cung cấp dịch vụ, chính sách đối với lao động làm việc đêm; tổ chức đội ngũ an ninh, trật tự nhằm hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho du khách.
Theo Bộ trưởng, thời gian tới sẽ phát triển các mô hình sản phẩm du lịch đêm theo các hình thức: tuyến phố đi bộ, chợ đêm, không gian du lịch đêm linh hoạt, tổ hợp giải trí đêm riêng biệt; ban hành các quy chế, quy định, quy tắc ứng xử đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, an toàn, tuân thủ quy định pháp luật...
Như Ngọc