Phát triển diện tích cây bơ sáp ở miền tây Gio Linh

Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh thực hiện đề án nhân giống bơ sáp cung cấp cho người dân các xã miền tây của huyện phát triển trên diện tích lớn. Huyện Gio Linh xem phát triển mạnh cây bơ là hướng đi phù hợp trong việc tái cơ cấu nông nghiệp vì quả bơ luôn có thị trường tiêu thụ ổn định.

 Thu hoạch bơ sáp ở thôn Tân Văn, xã Gio An, Gio Linh

Thu hoạch bơ sáp ở thôn Tân Văn, xã Gio An, Gio Linh

Những cây bơ sáp đầu tiên ở miền tây Gio Linh được trồng từ năm 1975 tại làng Gia Bình, xã Gio An. Từ đó đến nay không chỉ xã Gio An mà các xã khác của vùng này trồng rất nhiều bơ. Anh Hoàng Minh Khương ở thôn Tân Văn, xã Gio An có vườn bơ sáp 50 cây, độ tuổi trung bình 10 năm. Mỗi mùa thu hoạch cây bơ quả sai nhất bán được gần 3 triệu đồng. Chia đều cả vườn thì mỗi cây bơ của nhà anh Khương mỗi vụ cho trái bán được gần 1 triệu đồng. Anh Khương cho biết, so với trồng các loại cây khác trên cùng một đơn vị diện tích đất như cao su, hồ tiêu, cà phê thì giá trị kinh tế cây bơ mang lại hơn hẳn. Trồng cây bơ rất dễ, mỗi héc ta đất trồng được gần 500 cây. Sau mỗi vụ thu hoạch bơ, anh Khương lại chăm vườn bằng cách chặt tỉa cành già, trồng thêm những giống bơ ngon để năm nào cũng tăng được sản lượng bơ bán ra của vườn. Trong điều kiện ruộng cấy lúa có diện tích hạn hẹp, đất rẫy không nhiều thì việc tận dụng vườn nhà để trồng bơ tăng thu nhập là một cách phát triển kinh tế khá phù hợp của người dân nơi đây. Còn chị Nguyễn Thị Giang ở thôn An Hướng, xã Gio An trồng cây bơ sáp đã 12 năm, mỗi mùa thu hoạch bán trung bình từ 5- 6 triệu đồng. Nổi tiếng nhất ở miền tây Gio Linh là cây bơ sáp của chị Nguyễn Thị Trung, thôn An Khê, xã Gio Sơn, mỗi mùa thu hoạch bán được 12 triệu đồng.

Nhà anh Lê Lưu ở Thôn 4, xã Hải Thái có cây bơ sáp rất ngon. Cầm quả bơ sáp già trên tay, anh Lưu lắc nhẹ liền cảm nhận được hạt bơ như lăn tròn bên trong. Những cây bơ ngon này, hằng năm cứ đến đầu tháng 4 các thương lái tìm đến vườn đặt cọc mua luôn cả cây theo hình thức ước tính sản lượng trái của cây bơ. Đến giữa tháng 7, các thương lái trở lại những vườn bơ đã đặt cọc để thu hoạch bơ cung cấp cho thị trường chủ yếu là Hà Nội. Một vài gia đình khác đồng ý bán cây bơ cho thương lái nhưng chưa lấy tiền, đợi khi thu hoạch sẽ tính giá bơ theo giá thị trường.

Anh Lâm Công Sĩ, một người chuyên buôn bơ ở xã Gio An cho biết năm nay trời hạn nặng nên bơ mất mùa, năng suất khá thấp. Hiện giá bơ sáp tại vườn là 17.000 đồng/kg. Mỗi ngày anh Sĩ phải leo từng cây bơ hái quả sau đó một phần bán lại tại chỗ với giá 20.000 đồng/kg, phần lớn còn lại anh đưa về bán sĩ cho các thương lái ở thị trấn Gio Linh để sau đó cung ứng cho thị trường miền Bắc. Anh Sĩ cho biết ưu điểm nổi bật của bơ sáp so với các loại bơ thông thường là trái không quá to, không quá tròn, khi chín không bị xơ bên trong, vỏ quả bơ lúc gần chín căng mọng tuy nhiên vẫn hơi sần và cầm rất chắc tay . Bơ sáp có vỏ màu xanh hoặc xanh vàng có phấn lấm tấm trên vỏ, da hơi sần sùi là loại có thịt vàng, độ bở dẻo cao. Quả bơ sáp ngon không nên để chín trên cây mà phải thu hoạch trước vài ngày, đưa vào nhà để nơi thoáng mát, nắn nhẹ cảm thấy quả bơ mềm đều, khi ấy bơ đã chín.

Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu cho biết, nhờ đẩy mạnh trồng bơ nên không ít gia đình ở xã này mỗi năm trung bình thu về thêm được vài chục triệu đồng, góp phần đáng kể để cải thiện cuộc sống. Từ khi các giống bơ đã được thuần hóa với khí hậu, thổ nhưỡng ở miền tây huyện Gio Linh thì việc phát triển bơ trên diện tích rộng đang được nhiều người dân ở đây quan tâm vì bơ là cây lâu năm, chịu hạn tốt. Thời tiết khô nắng nên quả bơ ít nước, rất ngon, dẻo. Vì thế bơ của xã Gio An cũng như các xã miền tây huyện Gio Linh được thị trường ưa chuộng.

Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh cho biết, diện tích trồng bơ ở các xã miền tây của huyện đạt gần 100 ha là ít so với tiềm năng của vùng đất này. Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện xem phát triển cây bơ kinh tế ở các xã miền tây là bước đi phù hợp. Thị trường tiêu thụ bơ sáp miền tây Gio Linh rất ổn định, sản lượng bơ sáp năm nay không cung cấp đủ cho khách hàng. Theo ông Nguyễn Văn Thức, hầu hết người tiêu dùng chỉ sử dụng quả bơ để ăn tươi, chưa biết hết giá trị dinh dưỡng tuyệt vời cũng như cách sử dụng rất phong phú của quả bơ. Tại các nước như Mỹ, Úc, Pháp, Thái Lan… trái bơ được đánh giá cao và được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như ăn quả tươi, chế biến nhiều món ăn ngon, tinh chiết dầu ăn và đặc biệt bơ được sử dụng rất nhiều trong mĩ phẩm cho việc chăm sóc sắc đẹp. Hiện tại các thị trường ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang phát triển công nghệ tinh chiết dầu bơ phục vụ bữa ăn gia đình và khách hàng đánh giá cao chất lượng bơ sáp Gio Linh. Những yếu tố này mang lại tiềm năng phát triển lớn cho người trồng bơ miền tây Gio Linh.

Ông Thức đánh giá ngoài giá trị dinh dưỡng, kinh tế, trồng bơ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường. Cây bơ không chỉ có tác dụng làm bóng mát mà còn giúp làm giảm nhiệt độ không khí do việc thoát hơi nước từ lá, là nguồn cung cấp ôxi đáng kể và giúp cho không khí có sự trong lành tươi mát. Vườn bơ còn có thể làm giảm dòng chảy và lọc nước mưa nhờ đó làm giảm nguy cơ lũ lụt, nâng cao khối lượng và chất lượng nước, rễ cây bơ còn giúp chống lại sự xói mòn của đất.

Hiện Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đề án nhân giống bơ sáp cho người dân các xã miền tây. Chính quyền huyện Gio Linh và người dân các xã miền tây đang triển khai phát triển cây bơ như một hướng đi mới trong tiến trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm tăng thu nhập cho người dân.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=141251