Phát triển đô thị bền vững cần thể chế, chính sách mạnh mẽ

Trước những thách thức của đô thị hóa, việc tăng cường thể chế và chính sách là nhiệm vụ cấp bách để đảm bảo sự phát triển bền vững của các đô thị.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng phát biểu

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng phát biểu

Chào mừng Ngày Đô thị Việt Nam, ngày 8/11, Bộ Xây dựng tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024 với chủ đề chính là “Nhà là nơi bắt đầu: Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam.

Tăng cường thể chế phát triển đô thị

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, các đô thị Việt Nam ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia với tỷ lệ đô thị hóa đạt hoảng 43,1% và khoảng 902 đô thị trên toàn quốc. Nhiều đô thị ven biển đã hình thành các thương hiệu mới, chất lượng sống ngày càng được cải thiện.

Nhờ vào sự đóng góp của các đô thị, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD. Thu nhập bình quân ở khu vực thành thị gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn. Chất lượng cuộc sống đô thị ngày càng tăng cao với sự cải thiện rõ rệt về môi trường sống, cảnh quan đô thị, tiếp cận hạ tầng kỹ thuật đô thị và cơ hội phát triển của cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như đô thị hóa dàn trải, mật độ đô thị thấp, chất lượng hạ tầng đô thị chưa cao, ô nhiễm môi trường, ngập lụt đô thị, thiếu nhà ở, không gian xanh…

Đứng trước những thách thức đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06. Đây là một Nghị quyết quan trọng mang tầm chiến lược, định hướng cho quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam.

Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và chính quyền các đô thị đang nỗ lực thực hiện các chương trình hành động, triển khai các chính sách, pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa. Các dự án Luật như Luật Quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Cấp thoát nước đang được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy quá trình đô thị hóa có chất lượng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng, các định hướng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW cần được triển khai mạnh mẽ. "6 nhiệm vụ được chỉ ra sẽ là kim chỉ nam cho phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn tới. Việc hoàn thiện chính sách và thể chế liên quan đến quản lý phát triển đô thị cần có sự tham gia tích cực của tất cả các bên, từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nhiệp, chuyên gia cư dân đô thị và bạn bè quốc tế", Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

Còn theo bà Laura Petrella, Trưởng ban Quy hoạch, Tài chính và Kinh tế, Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc toàn cầu UN-Habitat, UN-Habitat đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Bền vững và Chương trình Nghị sự Đô thị mới. Điều này thể hiện qua việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06.

Theo bà Laura Petrella, để hướng tới đô thị hóa bền vững và đảm bảo quá trình phát triển đô thị trong tương lai, UN-Habitat đề xuất phía Việt Nam cần tăng cường thể chế và chính sách đô thị; giải quyết các vấn đề như nhà ở giá rẻ, biến đổi khí hậu, tái thiết đô thị, phát triển giao thông công cộng và phát triển cơ sở hạ tầng, không gian công cộng.

Thách thức trong phát triển đô thị

Bà Amal Abdel Kader Almorsi Salama, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ả Rập Ai Cập tại Việt Nam cho biết: Việt Nam đã thành công đạt được sự phát triển kinh tế - xã hội trong suốt 40 năm qua dựa vào tầm nhìn và mục tiêu chiến lược cho năm 2030 và 2045. Những bước phát triển này của Việt Nam đến từ công tác phát triển đô thị bền vững.

Việt Nam có khả năng phát triển tốt hệ thống đô thị và nông thôn cũng như cải thiện kỹ thuật và hạ tầng xã hội tốt, liên kết đô thị - nông thôn, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường… Tất cả những nỗ lực của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Theo bà Amal Abdel Kader Almorsi Salama, các thành phố trên thế giới đang chứng kiến những thách thức chưa từng có trên toàn cầu, bao gồm sự gia tăng dân số nhanh chóng, biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước, thiếu nguồn cung nhà ở và nhu cầu đầy đủ tài chính.

Để giải quyết những thách thức này đòi hỏi những nỗ lực chung của quốc tế nhằm tìm ra giải pháp sáng tạo và hiệu quả, bên cạnh đó là sự phối hợp của các bên thông qua chia sẻ kiến thức, chuyên môn…

Có cùng quan điểm trên, ông Thomas Gass - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam cho rằng, các thành phố hiện đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng do mật độ dân số tăng, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng cao, chủ yếu ở các khu vực đô thị.

Tuy nhiên, các thành phố cũng là nơi có nhiều cơ hội để đổi mới, là nơi có thể thực hiện các giải pháp và kế hoạch tác động lớn đến môi trường, con người và nền kinh tế. Tại Việt Nam, các thành phố đang phát triển nhanh chóng không chỉ đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế mà còn có vai trò then chốt trong việc giải quyết những rủi ro về biến đổi khí hậu ngày càng tăng cao…

Bằng cách hỗ trợ khả năng phục hồi khí hậu xanh và phát triển đô thị các bon thấp, ông Thomas Gass hy vọng Thụy Sỹ sẽ góp phần giúp các thành phố tại Việt Nam có khả năng phục hồi tốt hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh sẽ là chìa khóa để đảm bảo rằng các thành phố của Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu về khí hậu.

“Thụy Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực thu hút đầu tư công vào cơ sở hạ tầng bền vững, đồng thời giúp xây dựng năng lực của các tổ chức tài chính để quản lý tốt hơn các rủi ro về khí hậu”, ông Thomas Gass nhấn mạnh.

Theo ông Thomas Gass, Thụy Sỹ cam kết tiếp tục sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường khuôn khổ quy hoạch đô thị, cải thiện tính minh bạch và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư nhân. Thông qua sự hợp tác này, các thành phố có thể phát triển theo cách toàn diện và bền vững.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/phat-trien-do-thi-ben-vung-can-the-che-chinh-sach-manh-me-157615.html