Phát triển đô thị: Động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội - Bài cuối: Phát triển đô thị gắn với bản sắc văn hóa, con người Tuyên Quang

Việc triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVII) về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển đô thị và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vào cuộc sống đã giúp tỷ lệ đô thị hóa của Tuyên Quang đạt kết quả ấn tượng.

Bài 1: Quy hoạch, phát triển đô thị

Chất lượng đô thị hóa chưa cao

Đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh chỉ đạt 21,45%; 7 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ này đạt 25,58%, đạt 98% so với chỉ tiêu là 26% theo lộ trình.

Tuy nhiên, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp và còn khoảng cách so với tỷ lệ bình quân của các tỉnh phát triển và nhiều tỉnh trong khu vực. Chất lượng hồ sơ đôi khi còn thấp, việc đo đạc, khảo sát, đánh giá hiện trạng chưa đầy đủ, lập đồ án thiếu tầm nhìn, không dự báo đúng, đủ nguồn lực để triển khai thực hiện quy hoạch một cách đồng bộ.

Các đồ án quy hoạch đô thị sau khi được phê duyệt chưa thu hút, hấp dẫn được nhà đầu tư hoặc đã được triển khai nhưng chưa thực hiện được do vướng mắc về các quy định liên quan đến đấu thầu, đất đai...; thiếu kinh phí bố trí để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vì vậy chưa thu hút được người dân, tăng mật độ dân cư, tăng tỷ lệ đô thị hóa.

Công tác quản lý sau quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng tại một số địa phương còn thiếu quyết liệt, vẫn còn để xảy ra tình trạng xây dựng không đúng quy hoạch được duyệt, xây dựng không phép, sai nội dung giấy phép được cấp chưa được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Nguồn nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch đô thị ở các cấp có trình độ, năng lực nhưng số lượng chưa đảm bảo để đáp ứng khối lượng công việc lớn.

Thành phố Tuyên Quang đang tập trung hoàn thiện hạ tầng, xây dựng đô thị loại I. Ảnh: Thanh Phúc

Thành phố Tuyên Quang đang tập trung hoàn thiện hạ tầng, xây dựng đô thị loại I. Ảnh: Thanh Phúc

Theo các chuyên gia, những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều nguyên nhân chủ quan. Biểu hiện là, một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững. Công tác quy hoạch đô thị tại nhiều địa phương còn chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp, quy hoạch đô thị phải điều chỉnh khá thường xuyên; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế.

Năng lực quản lý và quản trị đô thị tại nhiều địa phương còn yếu; còn có tình trạng địa phương đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị cũng như nguồn lực từ xã hội cho đầu tư. Năng lực, chuyên môn của một số cá nhân thực hiện lập quy hoạch tại một số đơn vị tư vấn còn thấp, dẫn tới sai sót, hồ sơ phải chỉnh sửa nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch. Ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực xây dựng của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Có lúc, có nơi còn diễn ra tình trạng cố tình vi phạm pháp luật về xây dựng, gây khó khăn trong quản lý nhà nước về trật tự đô thị.

Tăng cường nguồn lực cho xây dựng, phát triển đô thị

Nghị quyết 24 đặt mục tiêu: Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 27% và đến 2030, đạt trên 35%.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh tập trung phân bổ nguồn vốn đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng; xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông hiện có, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo quy hoạch được duyệt. Trọng tâm là đô thị thành phố Tuyên Quang (đạt tiêu chí đô thị loại II); các thị trấn Sơn Dương, Vĩnh Lộc, Tân Yên, Na Hang (đạt tiêu chí còn thấp và còn yếu của đô thị loại IV); và 5 đô thị (đạt tiêu chí đô thị loại V): Hồng Lạc - nay là Hồng Sơn (huyện Sơn Dương); Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn); Phù Lưu (huyện Hàm Yên); Hòa Phú (huyện Chiêm Hóa) và Thượng Lâm (huyện Lâm Bình). Tỉnh cũng đã xác định 20 khu vực có ý nghĩa quan trọng trong các đô thị, với tổng diện tích 5.199,6 ha.

Trong đó thành phố Tuyên Quang có 9 khu vực với diện tích khoảng 4.136,2 ha; Chiêm Hóa có 2 khu vực với diện tích khoảng 35 ha; Na Hang có 1 khu vực với diện tích khoảng 180 ha; Lâm Bình có 1 khu vực với diện tích khoảng 42,7 ha; Hàm Yên có 3 khu vực với diện tích khoảng 232,7 ha; Yên Sơn có 2 khu vực với diện tích khoảng 333 ha và Sơn Dương có 2 khu vực với diện tích khoảng 240 ha.

Ngoài ngân sách nhà nước, tỉnh xác định phải tận dụng tối đa các nguồn lực cho quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị. Từ năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch để thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, một số các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị được định hướng thu hút, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Tuyên Quang được thực hiện.

Trong đó nhiều dự án đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, như dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, tỉnh Tuyên Quang sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản có tổng mức đầu tư dự kiến 998,20 tỷ đồng; dự án đầu tư phát triển đô thị thông minh thành phố Tuyên Quang sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) có tổng mức đầu tư dự kiến 160 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng các dự án vận động vốn vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc do Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc quản lý và vận hành giai đoạn 2021 - 2025 có tổng mức đầu tư dự kiến 1.802,5 tỷ đồng, bao gồm dự án đầu tư xây dựng đường từ trung tâm thành phố Tuyên Quang đi khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang, Dự án xây dựng Cầu Trường Thi, thành phố Tuyên Quang, Dự án xây dựng Cầu Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, dự án Bệnh viện đa khoa Kim Xuyên, huyện Sơn Dương...

Về lâu dài, theo Sở Xây dựng, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quy hoạch và phát triển đô thị ở các cấp trước xu hướng chung xây dựng và phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh trong tương lai. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.

Việc cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính trong xây dựng, phát triển và quản lý đô thị, khắc phục tình trạng thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà, gây khó khăn, phiền phức cho người dân và doanh nghiệp; đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lập và quản lý quy hoạch đô thị, tạo môi trường thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng các thông tin quy hoạch; phục vụ nhanh chóng các nhu cầu về khai thác thông tin, giải quyết các thủ tục hành chính cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.

Sở Xây dựng cũng đề xuất việc định kỳ đánh giá công tác quản lý và thực hiện quy hoạch để phát hiện những bất cập, vướng mắc và đề ra giải pháp quy hoạch hiệu quả. Đồng thời tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra có kế hoạch, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý sau quy hoạch, nhất là vi phạm về quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường, chế độ sử dụng và khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… trong khu vực đô thị.

Hải Lâm

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phat-trien-do-thi-dong-luc-thuc-day-kinh-te-xa-hoi-bai-cuoi-phat-trien-do-thi-gan-voi-ban-sac-van-hoa-con-nguoi-tuyen-quang-197781.html