Phát triển đô thị tăng trưởng xanh

Xác định đô thị hóa là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, tỉnh Quảng Bình chú trọng công tác quy hoạch hệ thống đô thị, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh bền vững.Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chỉ tiêu quy hoạch tại Chương trình hành động số 14-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quảng Bình phấn đấu:+ Nâng tỷ lệ đô thị hóa lên khoảng 33% vào năm 2025 và 38% vào năm 2030; phát triển đô thị thông minh, thích ứng với BĐKH, bảo đảm phát triển bền vững; đến năm 2030 dự kiến có 16 đô thị.+ Đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G và điện thoại thông minh…+ Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GRDP toàn tỉnh khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030…Thông tư số 01/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng nêu rõ: Đô thị tăng trưởng xanh là đô thị đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua các chính sách và hoạt động đô thị nhằm giảm những tác động có ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên.Đô thị tăng trưởng xanh phải bảo đảm các nhóm chỉ tiêu về: Hiệu quả tăng trưởng kinh tế trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị; môi trường và cảnh quan đô thị; chất lượng và điều kiện sống của người dân đô thị; công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền đô thị…

Quảng Bình hiện có 10 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại II (TP. Đồng Hới); 3 đô thị loại IV (TX. Ba Đồn, đô thị Kiến Giang mở rộng, đô thị Hoàn Lão mở rộng) và 6 đô thị loại V.

Xác định đô thị hóa là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; tổ chức lập các đồ án quy hoạch vùng; quy hoạch chung các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp; quy hoạch phân khu; quy hoạch chi tiết tại các đô thị. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt khoảng trên 32% với trục không gian có tốc độ đô thị hóa cao phát triển dọc theo Quốc lộ 1.

Nhằm phát triển đô thị bền vững, tỉnh đã thực hiện lồng ghép các nội dung phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh; trong đó chú trọng phân vùng rủi ro đối với từng loại hình thiên tai trên địa bàn.

Trên cơ sở kết nối sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tỉnh tích cực thí điểm các mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái cho khu vực đô thị giúp bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế-xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó, riêng TP. Đồng Hới với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh được đánh giá là khu vực rất dễ bị tổn thương trước BĐKH bởi nhiều yếu tố về đặc điểm địa hình, vị trí địa lý, áp lực từ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng…

Với sự hỗ trợ của dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VN-SIPA), trên địa bàn TP. Đồng Hới đang triển khai 3 mô hình thích ứng với BĐKH: Thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại công viên sông Cầu Rào; mảng xanh tòa nhà Ban Quản lý Dịch vụ công ích TP. Đồng Hới và mô hình thí điểm thoát nước đô thị bền vững tại hoa viên ngã ba đường Hữu Nghị-Lý Thường Kiệt.

Phát triển đô thị tăng trưởng xanh góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị.

Phát triển đô thị tăng trưởng xanh góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng phòng Đô thị hạ tầng và Kinh tế xây dựng, Sở Xây dựng cho biết: Ngoài 2 mô hình mảng xanh tòa nhà Ban Quản lý Dịch vụ công ích TP. Đồng Hới và mô hình thí điểm thoát nước đô thị bền vững tại hoa viên ngã ba đường Hữu Nghị-Lý Thường Kiệt thì khu vực cảnh quan trữ nước công viên sông Cầu Rào (phường Đồng Phú) với diện tích 4,9ha được xem là điểm nhấn “xanh” của thành phố, phù hợp quan điểm thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái.

Các hạng mục xây dựng chính của công trình gồm sân chơi ngoài trời đa năng theo mùa; mương lọc sinh học và dẫn thấm tự nhiên; cây xanh, đường dạo và các hạng mục phụ trợ khác… sẽ góp phần giảm nguy cơ ngập lụt đô thị và cải thiện cảnh báo sớm tại thành phố.

Cụ thể hóa định hướng Quy hoạch tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đô thị phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và nâng cao tỷ lệ đô thị hóa trên cơ sở phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, ngày 2/8/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng đã ký Quyết định số 1542/KH-UBND ban hành kế hoạch về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh bền vững tỉnh Quảng Bình.

Mục tiêu đến năm 2030, tất cả các đô thị trực thuộc tỉnh đạt cơ bản nền tảng về đô thị xanh, đô thị thông minh bền vững và tổ chức triển khai thực hiện các tiện ích đô thị thông minh phục vụ cư dân đô thị. Trong đó, tập trung xây dựng TP. Đồng Hới và thị trấn Phong Nha theo hướng đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh phục vụ phát triển du lịch; phát triển TX. Ba Đồn theo hướng đô thị thông minh bền vững.

Công viên sông Cầu Rào được bố trí trồng nhiều cây xanh.

Công viên sông Cầu Rào được bố trí trồng nhiều cây xanh.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Đức, phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh bền vững là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị, giữ gìn những giá trị, bản sắc văn hóa của đô thị, tăng cường sức cạnh tranh giữa các đô thị trong tỉnh với các đô thị trong khu vực Bắc miền Trung; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan phù hợp, đồng bộ, hiện đại.

Do đó, để thực hiện kế hoạch này, nhóm nhiệm vụ chủ yếu được tỉnh quan tâm hiện nay chính là: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị; lập chương trình phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh bền vững và ứng phó với BĐKH. Hình thành, kết nối liên thông, duy trì và vận hành hệ thống dữ liệu không gian đô thị số hóa và cơ sở dữ liệu đô thị đối với TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn và thị trấn Phong Nha; trong đó chú trọng thực hiện, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất xây dựng đô thị; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Để phát triển hạ tầng đô thị thông minh, tỉnh dự kiến lồng ghép vào kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm và kế hoạch 5 năm các nội dung, nhiệm vụ về huy động nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư xây dựng phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh bền vững.

Đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh, trước mắt ưu tiên tập trung đầu tư các lĩnh vực: Phát triển chiếu sáng đô thị thông minh; phát triển giao thông thông minh, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông… và đặc biệt là phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị, hình thành các tiện ích dịch vụ công cộng thông minh nhanh gọn, thuận tiện, tiện lợi cho người dân.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202308/phat-trien-do-thi-tang-truong-xanh-2211450/