Phát triển đô thị thông minh: Góc nhìn từ các địa phương

Thực hiện 'Đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030' được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1-8-2018 (sau đây gọi tắt là Đề án 950), nhiều địa phương đã khẩn trương ban hành các kế hoạch phát triển ĐTTM và đạt được kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc triển khai phương án xây dựng ĐTTM hiện vẫn chưa đồng bộ giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Tỉnh Bắc Ninh đã triển khai thí điểm lắp đặt 296 camera trong toàn tỉnh từ năm 2019 (riêng TP Bắc Ninh 276 camera), thuộc dự án xây dựng thành phố thông minh (TPTM). Hiện nay tại các nút giao thông có lưu lượng phương tiện di chuyển lớn trên địa bàn tỉnh không cần sự giám sát trực tiếp của lực lượng chức năng nữa. Các phương tiện giao thông vẫn đi đúng làn đường, dừng, đỗ đúng nơi quy định. Không dừng lại ở việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hệ thống camera giám sát còn đóng góp tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giúp cơ quan chức năng trong và ngoài tỉnh nhanh chóng làm sáng nhiều tỏ vụ việc, xử lý đúng người, đúng tội.

Trước khi có Đề án 950, năm 2007, tỉnh Bắc Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai đề án xây dựng mô hình TPTM. Ông Nguyễn Minh Vũ, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Hầu hết các dự án hợp phần về TPTM có quy mô vừa và lớn, sử dụng các công nghệ hiện đại, liên quan tới hoạt động của nhiều cơ quan trong khi thiếu các thực tiễn tương tự tại Việt Nam, vì thế, Bắc Ninh tiến hành thử nghiệm, thí điểm trước để có cái nhìn trực quan hơn về tính khả thi. Trên cơ sở đó, tỉnh có kế hoạch cho dự án chính thức phát triển camera. Ngoài ra, Bắc Ninh cũng triển khai được các dự án hợp phần chính của đề án, trong đó, Trung tâm Dữ liệu TPTM tỉnh Bắc Ninh là dự án nền tảng đầu tiên”.

Tương tự Bắc Ninh, việc triển khai ĐTTM tại Thừa Thiên-Huế đang nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dân. Hiện địa phương đang triển khai 11 dịch vụ ĐTTM, trong đó nổi bật nhất là “Hệ thống phản ánh hiện trường”. Từ đầu năm 2019 đến nay, hệ thống này tiếp nhận hơn 14.000 phản ảnh từ người dân. Những phản ảnh này kéo theo sự tham gia của các cơ quan chuyên môn và chính quyền, khu vực doanh nghiệp, dân sự. Khi phát sinh vụ việc của cơ quan nào, tỉnh yêu cầu cơ quan đó tham gia vào hệ thống để xử lý. Tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả xử lý là 80%. Con số 20% còn lại là sự mong muốn chính quyền giải quyết tốt hơn nữa.

 Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: MINH SƠN.

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: MINH SƠN.

Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh là các địa phương đi đầu cả nước về việc triển khai xây dựng ĐTTM. Không chỉ ba thành phố lớn, một số địa phương khác có quy mô nhỏ hơn như Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Bắc Ninh, Bình Dương cũng là những điểm sáng nhờ có cách làm và lộ trình đúng đắn. Tuy vậy, nhiều địa phương vẫn đang loay hoay trong việc lựa chọn mô hình, giải pháp cho phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Rút ra bài học kinh nghiệm từ các địa phương đạt kết quả tốt

Hiệu quả của việc xây dựng ĐTTM bao gồm nhiều yếu tố: Nhận thức, con người, quy trình, giải pháp công nghệ, môi trường pháp lý,... đòi hỏi có sự đồng bộ trong phương thức triển khai. Liên quan đến sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, các chuyên gia cho rằng, kết quả triển khai ĐTTM vẫn còn nhiều khó khăn do đây là vấn đề phức tạp, chưa có tiền lệ, nhiều nội dung cần triển khai quy mô lớn và mới. Đồng thời, quá trình thực hiện cũng phải vừa tiếp thu vừa học hỏi kinh nghiệm của các thành phố trên thế giới. Do vậy, một số nội dung triển khai còn chậm, kết quả mới dừng ở nghiên cứu. Những địa phương triển khai sớm và đạt kết quả tốt sẽ là bài học kinh nghiệm quý cho các địa phương khác tham khảo.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, những địa phương đi đầu trong triển khai ĐTTM cho rằng, cần có cách nhìn nhận rõ ràng thế nào là ĐTTM để có lộ trình xây dựng đúng đắn và nhất quán. Trên thế giới, nhiều thành phố có cách tiếp cận ĐTTM khác nhau nhưng điểm chung nhất là hướng đến giải quyết những bài toán của xã hội và người dân, coi công nghệ là phương thức giải quyết bài toán của xã hội hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên-Huế, địa phương tiếp cận ĐTTM theo hướng từng dịch vụ, tức ĐTTM được tích hợp bởi nhiều dịch vụ thông minh. Từ đó, Thừa Thiên-Huế đánh giá sự cấp thiết, mối quan tâm của người dân, doanh nghiệp để lập lộ trình, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và có những điều chỉnh hiệu quả. Thông thường các lĩnh vực đô thị có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều dịch vụ nhất sẽ được địa phương chọn trở thành các dịch vụ ĐTTM trọng điểm. “Trên tinh thần lấy người dân làm trung tâm, địa phương chú trọng ghi nhận, lắng nghe, tương tác với người dân; qua đó đánh giá đúng nhu cầu quan tâm của người dân, doanh nghiệp; từ đó, nhận xét và xác định nội dung tiếp theo”, ông Nguyễn Xuân Sơn cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Sơn khuyến nghị, khi lựa chọn vấn đề người dân quan tâm cần căn cứ mức độ sẵn sàng của các lĩnh vực cùng yếu tố nhận thức, con người, cơ sở hạ tầng, sự sẵn sàng nguồn dữ liệu và xây dụng ứng dụng đơn giản để người dân có thể tiếp cận dễ dàng.

Khẳng định sự quyết tâm của lãnh đạo có vai trò quan trọng trong triển khai ĐTTM, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Võ Thị Trung Trinh nhấn mạnh, người đứng đầu “không quyết tâm không thể làm được” bởi công nghệ chỉ giải quyết bài toán về chi tiết kỹ thuật nhưng quan điểm, lộ trình xây dựng ĐTTM thuộc về ý chí người lãnh đạo. Do đó, người đứng đầu địa phương cần có sự quyết tâm và thống nhất từ quan điểm đến thực hiện để có những cơ chế rõ ràng trong quá trình xây dựng ĐTTM.

Triển khai thí điểm trước khi có kế hoạch phát triển dài hạn

Phó trưởng phòng Dịch vụ Công nghệ thông tin, Phần mềm ứng dụng (Cục Tin học hóa-Bộ Thông tin và Truyền thông) Đinh Hoàng Long nhận định, phát triển ĐTTM tại Việt Nam vẫn ở giai đoạn ban đầu. Do đó, cách làm là các địa phương cần tiếp cận từng bước, thực hiện theo mô hình triển khai thí điểm Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã nêu ra. Đó là triển khai một số dịch vụ cơ bản trong phạm vi hẹp, đó là những nhu cầu bức thiết của người dân, chính quyền đô thị. Tùy theo điều kiện về nguồn lực để triển khai thêm các dịch vụ khác, tận dụng tối đa những hạ tầng sẵn có và đánh giá kết quả trước khi xem xét cho một kế hoạch phát triển ĐTTM dài hạn.

Cũng theo ông Đinh Hoàng Long, để thông minh hóa quá trình quản lý và phát triển đô thị, cần số hóa các dữ liệu để khai thác và quản lý trên môi trường số; cạnh yếu tố hạ tầng, nền tảng và công nghệ, dữ liệu cũng có vai trò chủ chốt. Ông Đinh Hoàng Long nhấn mạnh, với trình độ phát triển công nghệ thông tin và năng lực của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện nay, việc đưa ra các giải pháp để lưu trữ, kết nối, chia sẻ các dữ liệu cho phát triển ĐTTM không phải là vấn đề khó, nhưng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực liên quan để sẵn sàng mở và chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển ĐTTM.

Đồng quan điểm trên, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Minh Vũ cho biết, dữ liệu lớn được tập hợp từ nhiều nguồn, bao gồm dữ liệu “truyền thống” (dữ liệu trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử) và nguồn dữ liệu “mới” khi phát triển mạng lưới kết nối các thiết bị internet vạn vật. Với lượng dữ liệu khổng lồ, địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển, tích hợp, chia sẻ, lưu trữ và phân tích có hiệu quả để tạo ra các tri thức mới phục vụ cộng đồng và xã hội.

Việc triển khai ĐTTM cần nguồn chi phí lớn, đại diện Cục Tin học hóa khuyến nghị, các địa phương nên triển khai thí điểm bằng chi phí của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5-9-2019 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; phối kết hợp giữa các thế mạnh về doanh nghiệp trong tỉnh với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ; cùng với đầu tư của các cơ quan nhà nước, các địa phương có thể huy động xã hội hóa.

Bộ TT&TT đã ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM (phiên bản 1.0) và công bố Bộ chỉ số ĐTTM Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0). Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục nghiên cứu để ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương triển khai căn cứ theo các nhiệm vụ được giao, như: Mô hình quản lý liên thông dữ liệu dân cư, đất đai, giao thông, quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng trên nền tảng GIS, hướng dẫn các yêu cầu chức năng và tính năng kỹ thuật của Trung tâm giám sát điều hành ĐTTM,...

VŨ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-do-thi-thong-minh-goc-nhin-tu-cac-dia-phuong-639837