Phát triển đô thị Việt Trì hài hòa với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa bền vững
Với bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, thành phố Việt Trì đã và đang tập trung phát triển nền kinh tế xanh bền vững với mũi nhọn là ngành công nghiệp không khói - du lịch, bước những bước tiến vững chắc trên con đường hướng tới xây dựng thành phố văn minh hiện đại, thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Kỳ II: Phát triển kinh tế xanh trên nền tảng di sản
Tái hiện truyền thuyết Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc
Việt Trì - “Thành phố ngã ba sông” không chỉ có tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú mà nơi đây còn có trầm tích di sản vô giá. Được xem là đất phát tích, kinh đô đầu tiên của dân tộc Việt Nam, thành phố hiện còn lưu giữ được 117 di sản văn hóa vật thể thuộc các loại hình di tích lịch sử - danh nhân, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích văn hóa, kiến trúc tôn giáo, di tích khảo cổ học và 52 di sản văn hóa phi vật thể thuộc 5 loại hình là lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống.
Đến nay, thành phố có 55 di tích và cụm di tích đã được xếp hạng, gồm một di tích Quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp Quốc gia, 41 di tích cấp tỉnh, trong đó, di tích lớn nhất của Việt Trì là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất của cả nước. Hàng năm, Đền Hùng đón hàng triệu lượt du khách tụ về Giỗ Tổ Hùng Vương tỏ lòng thành kính, tri ân Tổ tiên của cả dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, thành phố đang lưu giữ, bảo tồn hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Hát Xoan Phú Thọ”, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”. Đi liền với hai di sản là hệ thống các di tích như: Đình cổ Hùng Lô (xã Hùng Lô), Đình Bảo Đà (phường Dữu Lâu), Đền Tam Giang và chùa Đại Bi (phường Bạch Hạc), Đình Cổ Tích (xã Hy Cương), Đình Ngoại Lâu Thượng (xã Trưng Vương) và các di tích liên quan đến di sản Hát Xoan như Miếu Lãi Lèn, Đình An Thái, Đình Kim Đới, Đình Thét...
Với bề dày trầm tích di sản đó, Việt Trì có tiềm năng để phát triển thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Ngày 12/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 817/QĐ-TTg phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Đồng chí Nguyễn Huy Hoàng- Nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Việt Trì nhiệm kỳ 2015-2020 khẳng định, định hướng xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội đã có từ trước. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ thành phố đã tập trung đánh giá lại toàn bộ các di tích lịch sử trên địa bàn, triển khai kế hoạch khôi phục, phục dựng lại và phát huy lễ hội truyền thống của các xã phường. Ví dụ như phường Minh Nông có lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa; Lễ hội “Cướp bông, ném chài” Đền Vân Luông phường Vân Phú;… đặc biệt là nghi Lễ rước kiệu của các xã, phường nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng hàng năm… Các lễ hội được phục dựng từ cơ sở mang tính truyền thống, hiện đại và hiệu quả. Đây là nền tảng để các ngành chức năng tiếp tục xây dựng báo cáo, đề án cho việc xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Phát triển kinh tế xanh
Mục tiêu xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân quyết tâm thực hiện hiệu quả trong giai đoạn tới. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 ngày 29/7/2020 đã xác định: Tiếp tục xây dựng thành phố Việt Trì ngày càng văn minh, hiện đại, sớm trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện ba khâu đột phá về tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ và xây dựng đô thị văn minh, hiện đại đã được đề ra trong Nghị quyết; lấy đó làm nền tảng hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại gắn với thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Năm 2022, đúng dịp thành phố Việt Trì kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (4/6/1962-4/6/2022), Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 1/4/2022 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2040. Một trong những mục tiêu đặt ra là “Nâng tầm vị thế đô thị Việt Trì thành trung tâm kinh tế năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Xây dựng đô thị Việt Trì thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, hiện đại đồng thời gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống cốt lõi, thúc đẩy hoạt động kinh tế hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, bền vững, hội nhập với khu vực và quốc tế”.
“Mục tiêu là xây dựng và phát triển thành phố Việt Trì, bao gồm cả Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam theo hướng đồng bộ, bền vững cả về cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội; hội tụ các điều kiện tốt nhất thực hành di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và các di sản văn hóa vùng Đất Tổ đã được UNESCO ghi danh; tập trung tôn tạo, tu bổ và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn gắn với mục tiêu xây dựng thành phố lễ hội”, đồng chí Nguyễn Mạnh Sơn- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Việt Trì nhấn mạnh.
Trên bước đường phát triển, với lợi thế, tiềm năng của mình, Việt Trì xác định phát triển kinh tế xanh, phát triển du lịch là định hướng chủ đạo; trong đó gắn việc đẩy mạnh phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và giải quyết tốt các vấn đề xã hội; lấy phát triển các ngành thương mại, dịch vụ làm động lực tăng trưởng kinh tế; tạo dựng và hình thành môi trường văn hóa mang đặc trưng Đất Tổ.
Năm 2022 - kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Việt Trì, thêm một cơ hội mới để quảng bá hình ảnh thành phố lễ hội khi SEA Game 31- sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam và Việt Trì là địa phương diễn ra một bảng, một trận bán kết môn bóng đá nam SEA Games 31. Bí thư Thành ủy Việt Trì Nguyễn Mạnh Sơn chia sẻ, đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm đồng thời cũng là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển thể dục, thể thao của địa phương, quảng bá hình ảnh, con người, bản sắc văn hóa của thành phố Việt Trì nói riêng, quê hương Đất Tổ Vua Hùng nói chung với bạn bè quốc tế và trong nước.
Nhóm phóng viên