Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới

Trên cơ sở chủ đề năm học 2024 - 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 'Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo', ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng đã chuẩn bị chu đáo về quy mô, mạng lưới trường, lớp cũng như lực lượng cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra cho năm học này.

Để học sinh được thụ hưởng công bằng

Xác định 2024 - 2025 là năm học đánh dấu mốc thời gian đặc biệt: hoàn tất việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ lớp 1 đến lớp 12; năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới; năm kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết số 127/NQ-HĐND, ngày 9.12.2020 của HĐND tỉnh, Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 5.1.2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), trước khi bước vào năm học mới, ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng đã chuẩn bị nhiều mặt để bảo đảm cho năm học mới. Theo đó, rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất; rà soát biên chế, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; định hướng các nội dung nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong năm học.

Năm học 2024 - 2025, tỉnh Sóc Trăng có 475 trường học, giảm 4 trường so với năm học 2023 - 2024. Các trường học xuống cấp do xây dựng thời gian trước đó đã được nâng cấp, sửa chữa, bổ sung các hạng mục công trình để đáp ứng cơ bản điều kiện dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặc dù khó đạt chuẩn theo quy định về diện tích và các phòng bộ môn ở tất cả các trường, lớp các cấp học theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng diện mạo trường, lớp đã khang trang hơn rất nhiều. Các thiết bị dạy học sắp xếp, bổ sung đưa vào khai thác sử dụng đáp ứng hiệu quả công tác dạy và học. Mạng lưới trường, lớp từng bước được quan tâm sắp xếp bảo đảm điều kiện đi lại, học tập của học sinh.

Đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới ngành giáo dục đặt ra

Đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới ngành giáo dục đặt ra

Thời gian qua, ngành giáo dục đã sắp xếp xóa dần các điểm lẻ, các phòng học tạm bợ, giảm các điểm trường chưa bảo đảm điều kiện để tập trung học sinh ở những nơi có điều kiện thuận lợi, cơ sở vật chất được nâng cấp, để mọi học sinh được thụ hưởng sự công bằng trong giáo dục.

Riêng đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đã bố trí vốn trung hạn để đầu tư cho các cơ sở giáo dục với tổng vốn là 2.800 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn bố trí 357 tỷ đồng cho đầu tư trang thiết bị phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các khối lớp 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11 và 12. Năm 2023 và 2024, ngân sách tỉnh bố trí từ nguồn chi thường xuyên cho giáo dục trên 3.500 tỷ đồng. Đồng thời, quan tâm bố trí ngân sách chi bảo đảm hoạt động giáo dục và thực hiện tốt chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc diện chính sách; phân bổ ngân sách để mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tập trung 10 nhiệm vụ trọng tâm

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Châu Tuấn Hồng cho biết: Trên cơ sở chủ đề năm học Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, nhất là đối tượng còn khó khăn trong tiếp cận giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng - an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong giáo dục; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tăng cường truyền thông giáo dục; thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trên, Sở đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tập trung bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục có 17.452 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Hiện, tỉnh chỉ còn 7,31% giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, đội ngũ này cũng được tạo điều kiện bồi dưỡng và đang tích cực học tập để đạt chuẩn theo quy định. Sở cũng đã tranh thủ thời gian trong hè, tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, lý luận chính trị cho các thầy cô; phối hợp với các nhà xuất bản để cán bộ quản lý và giáo viên được hướng dẫn khai thác, sử dụng sách giáo khoa từ các chủ biên của các bộ sách khác nhau; phối hợp với các viện, các trường đại học để thầy cô được nâng cao năng lực chuyên môn từ những giảng viên, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ quản lý, giáo viên.

Bài và ảnh: Vũ Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/phat-trien-doi-ngu-giao-vien-dap-ung-yeu-cau-doi-moi-i387002/