Phát triển đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp trong môi trường số

Ngoài nền tảng công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào, thì khả năng thích nghi của mỗi cơ quan báo chí, truyền thông với một tương lai kỹ thuật số sẽ tùy thuộc vào việc phát triển được hay không một thế hệ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ người làm công tác báo chí - truyền thông với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp trong môi trường số.

Chiều 5/6, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; GS,TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tống Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản; Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT; PGS,TS. Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

 Ban chủ trì Hội thảo khoa học Quốc gia “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”.

Ban chủ trì Hội thảo khoa học Quốc gia “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”.

Những thách thức mới đặt ra đối với công tác đào tạo báo chí, truyền thông

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, trong bối cảnh hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí - truyền thông số ở nước ta.

Tuy nhiên, bối cảnh chuyển đổi số đang đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cần xác định lại triết lý, mục tiêu đào tạo phù hợp với xu thế mới; sớm xây dựng một khung chương trình chuẩn về đào tạo báo chí, truyền thông của quốc gia, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

"Đây là những thách thức mới đặt ra đối với công tác đào tạo báo chí, truyền thông trong nước, nhất là trong bối cảnh chất lượng đào tạo có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc chậm được đổi mới về phương pháp, việc đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực, xây dựng cơ chế riêng cho đào tạo báo chí, truyền thông còn nhiều bất cập, thiếu thốn", đồng chí Lê Quốc Minh đánh giá.

 Đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, trong bối cảnh hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí - truyền thông số ở nước ta.

Đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, trong bối cảnh hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí - truyền thông số ở nước ta.

Theo đồng chí Lê Quốc Minh, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh tin học hóa và số hóa dữ liệu trong hoạt động báo chí, mà còn là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí - truyền thông trên nền tảng công nghệ số.

Cụ thể như: thay đổi mô hình quản trị tòa soạn; tư duy và phương thức lãnh đạo, quản lý hệ thống; quy trình sản xuất, phát triển nội dung và phương thức tác nghiệp báo chí - truyền thông đa nền tảng; vấn đề tiếp thị công chúng; phương thức quản lý dữ liệu, văn hóa báo chí - truyền thông...

Do vậy, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, ngoài nền tảng công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào, thì khả năng thích nghi của mỗi cơ quan báo chí, truyền thông với một tương lai kỹ thuật số sẽ tùy thuộc vào việc phát triển được hay không một thế hệ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ người làm công tác báo chí - truyền thông với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp trong môi trường số.

"Điều này đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay, để có thể theo kịp xu thế phát triển chung và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao kịp thời cho xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số", đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

 PGS,TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thông tin về những thách thức trong công tác đào tạo báo chí, truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam.

PGS,TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thông tin về những thách thức trong công tác đào tạo báo chí, truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam.

Bàn về thực trạng đào tạo báo chí, truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số, PGS, TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, hiện nay chất lượng đào tạo đang chưa đồng đều giữa các cơ sở đào tạo. Nhiều cơ sở đào tạo ngoài công lập cũng đào tạo các lĩnh vực gần với báo chí, tuy nhiên chất lượng chưa được kiểm định.

"Mặc dù đào tạo báo chí chỉ được tiến hành tại các trường công lập, nhưng các cơ quan báo chí truyền thông tuyển dụng đa dạng nguồn nhân lực trong đó không giới hạn nguồn tuyển dụng chỉ được tuyển nhân lực từ các trường công lập này", PGS, TS. Đặng Thị Thu Hương cho biết.

Bà Đặng Thị Thu Hương đánh giá, đội ngũ cán bộ giảng dạy báo chí của các cơ sở đào tạo hiện còn mỏng, trong đó, không có nhiều cán bộ giảng dạy đã trải nghiệm và có kinh nghiệm làm báo thực tế. Cơ sở vật chất tuy được đầu tư, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo của lĩnh vực báo chí, nhất là trong bối cảnh báo chí chuyển đổi mạnh mẽ trong bối cảnh truyền thông số. Hệ thống bài giảng, giáo trình còn thiếu, và ít cập nhật.

Đặc biệt, vẫn còn khoảng cách lớn giữa lý thuyết được đào tạo trên giảng đường với thực tiễn nghề báo sôi động.

 PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh đến yêu cầu đẩy mạnh đổi mới, liên tục cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng phát triển của báo chí số.

PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh đến yêu cầu đẩy mạnh đổi mới, liên tục cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng phát triển của báo chí số.

Về giải pháp, PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, cần xác định rõ về yêu cầu sống còn trong việc nâng cao năng lực và đổi mới mô hình đào tạo báo chí số với cả các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng báo chí, các cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp truyền thông.

Đồng thời PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh đến yêu cầu đẩy mạnh đổi mới, liên tục cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng phát triển của báo chí số. Theo đó, cần tái cấu trúc mô hình đào tạo, xây dựng lại triết lý giáo dục, xác định rõ đầu vào, đầu ra và tất cả các yếu tố của quá trình đào tạo nghiệp vụ báo chí số.

Đào tạo bồi dưỡng nhà báo số

Đánh giá thực tiễn đời sống báo chí truyền thông hiện nay ở nước ta, PGS, TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị nhận định, từ kỹ năng tác nghiệp của phóng viên đến công tác quản lý, điều hành của một số cơ quan báo chí chưa có sự đột phá nhiều để thích ứng với môi trường chuyển đổi số báo chí, bởi không ít cơ quan báo chí vẫn hoạt động theo mô hình quản lý truyền thống.

"Đào tạo nhà báo số có kỹ năng “đa phương tiện” là lựa chọn tất yếu của các cơ quan báo chí hiện nay", PGS, TS. Nguyễn Thành Lợi khẳng định.

 PGS, TS. Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị phát biểu tại Hội thảo.

PGS, TS. Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị phát biểu tại Hội thảo.

Theo Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, lâu nay khung chương trình đào tạo báo chí của nước ta vẫn lấy nhu cầu của các cơ quan báo chí truyền thông làm nền tảng, ví dụ chuyên ngành báo chí truyền thống chủ yếu đào tạo phóng viên chuyên tác nghiệp cho báo phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử...

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, các phương tiện truyền thông truyền thống từng bước chuyển sang mô hình số hóa, sự khác biệt các “phương tiện truyền thông” đã bị phá vỡ, do đó, xây dựng một chương trình bồi dưỡng mới phù hợp với sự phát triển của truyền thông hội tụ đã trở thành bài toán quan trọng của các cơ sở đào tạo báo chí hiện nay trên thế giới.

Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ở các cơ quan báo chí địa phương đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, TS. Nguyễn Tiến Vụ - Tổng biên tập Báo Bắc Ninh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc các tòa soạn đang dần chuyển đổi toàn bộ hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số thông qua những ứng dụng, phần mềm, nền tảng số đang là thử thách rất lớn đối với đội ngũ người làm báo ở hệ thống báo chí địa phương hiện nay bởi khả năng làm chủ công nghệ.

 TS. Nguyễn Tiến Vụ - Tổng biên tập Báo Bắc Ninh phát biểu tại sự kiện.

TS. Nguyễn Tiến Vụ - Tổng biên tập Báo Bắc Ninh phát biểu tại sự kiện.

Việc tiếp cận ứng dụng công nghệ mới, như sử dụng các ứng dụng của máy tính bảng, điện thoại thông minh... vào hoạt động tác nghiệp là việc khó với đội ngũ người làm báo này vì rào cản ngoại ngữ và tin học.

Nhà báo đa phương tiện cần có những tiêu chí cụ thể đó là: Có tri thức, trình độ văn hóa, ngoại ngữ; thành thạo kỹ năng xử lý ngôn ngữ đa phương tiện, làm chủ kỹ thuật, công nghệ làm báo hiện đại.

"Từ thực tiễn hiện nay, việc đào tạo nhà báo đa phương tiện thích ứng với chuyển đổi số trong tòa soạn là vấn đề cấp bách và cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài", TS. Nguyễn Tiến Vụ nhấn mạnh.

Tại phiên tọa đàm bàn tròn, các diễn giả đều cho rằng, công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay cũng đối diện nhiều thách thức, khó khăn. Thực tiễn trên cho thấy, việc tiếp tục đổi mới công tác đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay là rất cần thiết.

 Các diễn giả tại Phiên tọa đàm bàn tròn.

Các diễn giả tại Phiên tọa đàm bàn tròn.

Nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho rằng, các cơ sở đào tạo hiện nay muốn đi nhanh và đi xa cần hình thành sự liên kết với các cơ quan báo chí và các công ty công nghệ để tạo nên mạng lưới đào tạo báo chí - truyền thông liên hoàn trong nghiên cứu và phát triển các mô hình đào tạo linh hoạt, phù hợp với nhu cầu đang thay đổi rất nhanh về nguồn nhân lực trong ngành báo chí - truyền thông hiện nay.

Nhà báo Nguyễn Thu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam nhận định, giờ đây, ranh giới giữa các loại hình báo chí đang mờ dần, tiệm cận tới mẫu số chung là “báo chí đa phương tiện”.

Đó là những “nhà báo biết làm chủ công nghệ và biết khai thác, sử dụng linh hoạt các thiết bị thông minh”, đồng thời luôn phải có tư duy, suy nghĩ đa phương tiện. Nhà báo phải tự tin làm báo được cho tất cả các loại hình báo chí, và liên tục cập nhật và chủ động trong thông tin.

Hòa Giang - Sơn Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-trien-doi-ngu-nguoi-lam-bao-chuyen-nghiep-trong-moi-truong-so-post298152.html