Phát triển đột phá kinh tế số tại TP.HCM
Hiện nay TP.HCM tập trung xây dựng 3 nhóm dữ liệu quan trọng, là những nền tảng cơ bản để thúc đẩy phát triển đột phá kinh tế số.
Triển lãm và Hội nghị Tech4life 2023, với chủ đề “Công nghệ nâng tầm cuộc sống 2023” vừa diễn ra vào ngày 4-5/10/2023 tại TP.HCM, là một trong những hoạt động quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và TP.HCM.
Công nghệ số và dữ liệu số - Công cụ đột phá kinh tế số TP.HCM
Trong năm 2022, kinh tế số tại TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp GRDP ước đạt khoảng 1.479.227 tỉ đồng, tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong GRDP ước đạt khoảng 19%. Thành phố đang đặt mục tiêu phấn đấu tỷ trọng kinh tế số 25% đến năm 2025, và 40% vào năm 2030 – cao hơn mục tiêu quốc gia 5-10% để tiếp tục là đầu tàu kinh tế cả nước.
Với tầm nhìn đến năm 2030:“Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.”, ngay từ năm 2018, khi xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử, Thành phố đã xác định:“Tận khai thác dữ liệu” là một nhiệm vụ trọng tâm và kho dữ liệu dùng chung là giải pháp thực hiện xuyên suốt trong lộ trình rút ngắn khoảng cách giữa hiện trạng về kiến trúc mục tiêu đến năm 2025
Giai đoạn 1 (2017-2021): Tạo lập nền tảng, xây dựng hạ tầng và dữ liệu
Giai đoạn 2 (2022-2025): Phát triển và khai thác dữ liệu và thực hiện chuyển đổi số
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, hiện nay thành phố tập trung xây dựng 3 nhóm dữ liệu: Nhóm dữ liệu về người dân; nhóm dữ liệu tài chính – doanh nghiệp; nhóm dữ liệu về đất đai – đô thị đồng thời mở rộng xây dựng hạ tầng số và tăng cường ATTT; triển khai nền tảng số của các HTTT quy mô thành phố, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, đổi mới, triển khai chương trình AI, nền tảng dữ liệu mở. Đây là những nền tảng cơ bản để thúc đẩy phát triển đột phá kinh tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh
Ông Bùi Văn Trịnh, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam đã nêu lên 7 trụ cột thúc đẩy hành trình trưởng thành số bao gồm: Làm chủ dữ liệu; cơ sở hạ tầng an toàn, linh hoạt; nguồn nhân lực “sành công nghệ”; sự tham gia của hệ sinh thái; quy trình làm việc thông minh; hợp nhất trải nghiệm công dân/doanh nghiệp; cải tiến, sáng tạo mô hình cung cấp dịch vụ mới.
Chia sẻ với quan điểm này, Bà Nguyễn Trúc Vân - Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo Kinh tế - Xã hội thành phố Hồ Chí Minh đề xuất 6 trụ cột gần tương tự. Với tầm nhìn trở thành người dẫn đầu khu vực về nền kinh tế kỹ thuật số và đạt được sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, có trách nhiệm và bền vững, TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế thông qua số hóa bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng, tiếp cận và sử dụng hiệu quả công nghệ kỹ thuật số ở mọi quy mô doanh nghiệp và mức độ trưởng thành về kỹ thuật số; thúc đẩy phát triển ngành bằng cách tăng cường sự tham gia của địa phương; xây dựng khung pháp lý để đáp ứng nền kinh tế kỹ thuật số và khuyến khích các mô hình kinh doanh đổi mới; và phát triển cụm công nghiệp số và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp.
Chuyển đổi số giải các bài toán cụ thể của doanh nghiệp (Tech4work)
Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2022 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 857.500 doanh nghiệp, riêng TP.HCM có 268.400 doanh nghiệp, chiếm 31,3% tổng số doanh nghiệp cả nước, trong đó có 7.000 doanh nghiệp thông tin - truyền thông.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chuyển đổi số một cách cụ thể, thực tế và nhanh chóng, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức, Tech4life đã tổ chức 2 phiên hội thảo bao gồm: Hội thảo quản trị doanh nghiệp thông minh với các giải pháp quản trị và thực thi chiến lược dành cho doanh nghiệp, tăng trưởng đột phá với hệ thống quản trị truyền thông - marketing hiện đại, quản trị và chăm sóc khách hàng hiệu quả, an toàn thông tin trong nền kinh tế số và xã hội 5.0 được chia sẻ bởi những doanh nghiệp uy tín như Simplamo, OMI, LogiGear Việt Nam.
Hội thảo Quản trị chuỗi cung ứng doanh nghiệp vừa diễn ra vào chiều 5/10/2023 được thiết kế đặc biệt dành riêng cho lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp (ưu tiên CEO, COO, CIO và người phụ trách chuỗi cung ứng) nhằm giới thiệu và hướng dẫn xây dựng hệ thống quản trị chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp sản xuất với sự tham gia chia sẻ từ các lãnh đạo của Công ty SSG, Kinaxis.
Với sự bùng nổ của công nghệ hiện đại đã và đang từng ngày thay đổi cách thức làm việc, môi trường làm việc và thậm chí nhiều công việc sẽ biết mất trong thời gian sắp tới. Nhận định và định hướng nắm bắt được xu hướng này, tại Tech4life 2023 cũng đã diễn ra Hội thảo công nghệ và tương lai của công việc nhằm đưa ra những xu hướng công việc, môi trường số, kỹ năng số cần thiết cho nhân sự, đồng thời, giúp doanh nghiệp nhìn nhận việc ứng dụng các công nghệ giúp phát triển kỹ năng của đội ngũ và xây dựng tổ chức học tập hiệu quả.
Công nghệ nâng tầm cuộc sống - Xã hội số (Tech4life)
Với mục tiêu chuyển đổi số của TP.HCM đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số với mục tiêu cuối cùng là đem lại tiện ích cho người dân. Tech4life 2023 đã đề cập đến các chủ đề: Nhà thông minh (Smarthome) và di chuyển thông minh, Smart Mobility, công nghệ giáo dục số (Edutech), và y tế số (HealthTech).
Không chỉ giới thiệu những sản phẩm, tiện ích thông minh, hội thảo cũng cung cấp góc nhìn mới, phương thức mới về xây dựng tiến trình học tập, học tập suốt đời, nâng cao năng lực cho nhân sự thông qua các nền tảng số.
Đặc biệt, TP. HCM đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe không chỉ của Việt Nam mà của khu vực ASEAN với hệ sinh thái y tế 6.000 cơ sở khám, chữa bệnh. Bên cạnh nhưng tiện ích chăm sóc sức khỏe từ xa, AI trong chẩn đoán, khám bệnh, chữa bệnh, Tech4life 2023 đã giới thiệu những giải pháp số quản trị, phát triển các bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe hiệu quả, hiệu đại.
N.Nguyệt