Phát triển du lịch bền vững góc nhìn từ... chốt thu phí
Báo CAND đã từng có nhiều bài viết phản ánh về những bất cập, cũng như bức xúc của người dân và du khách về việc bị thu phí bất hợp lý khi đến Khu du lịch Quốc gia (KDLQG) Núi Sam (TP Châu Đốc, An Giang). Lãnh đạo tỉnh An Giang cũng đã quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc nhằm đưa KDLQG Núi Sam thành điển hình trong định hướng phát triển du lịch bền vững của địa phương. Thế nhưng, vẫn còn đó những 'bài toán' khó, cần sự chung tay, góp sức của các ban, ngành chức năng của tỉnh An Giang để có được giải pháp phù hợp, khoa học, mang lại hiệu quả nhất cho sự phát triển của ngành du lịch…
Mua vé để được “vía Bà”
Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và quan tâm đến người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch trong tương lai. Khái niệm du lịch bền vững đã và đang được thực tế hóa ở một số quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, câu chuyện “thu phí du lịch” tại tỉnh biên giới An Giang được cho là chưa thật sự phù hợp, mang tính tận thu, chưa quan tâm đến quyền lợi các hộ dân trong hệ sinh thái tại các khu, điểm du lịch…
Từ năm 2006 đến nay, du khách đến Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam để hành hương, cúng lễ đã phải mua vé tham quan. Hiện, mức thu phí được áp dụng tại KDLQG Núi Sam thực hiện theo Nghị quyết số 42/2016/NQ-HĐND ngày 9/12/2016 của HĐND tỉnh An Giang.
Hơn 15 năm qua, người dân bản địa và du khách đến với Khu du lịch Núi Sam bức xúc trước việc bị “tận thu”. Cả 3 tuyến đường chính dẫn vào Miếu Bà Chúa Xứ đều bị bố trí chốt thu phí như kiểu “lùa cá vào rọ”. Nhân viên tại các chốt thu phí dừng tất cả ôtô, xe khách đi ngang qua, bán vé với mức giá 20.000 đồng/người/lượt. Trên vé ghi rõ là “Thu phí tham quan”. Tuy nhiên, sau khi thu tiền xong, nhân viên yêu cầu cho xe di chuyển theo hướng về Miếu Bà Chúa Xứ mà không hướng dẫn, tư vấn du khách sẽ được tham quan hay trải nghiệm dịch vụ gì. Phần đông du khách cho biết, mục đích chính của họ là hành hương, cúng lễ tại Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam vì tín ngưỡng tâm linh, chứ không có nhu cầu đi tham quan trong khu du lịch này. Đồng thời, KDLQG Núi Sam chưa được đầu tư công trình, dịch vụ tương xứng để bán vé thu phí tham quan, trải nghiệm, chưa phân định địa giới khu vực rõ ràng giữa các công trình, hạng mục tham quan, du lịch với khu vực dân cư sinh sống, sản xuất… từ đó, đã phát sinh nhiều bất cập.
Trước đây, TP Châu Đốc có đề nghị UBND tỉnh An Giang tạm thời giao Ban Quản lý Khu di tích văn hóa lịch sử và Du lịch Quốc gia Núi Sam cho UBND TP Châu Đốc quản lý. Vào cuối năm 2022, UBND tỉnh An Giang đã kiện toàn bộ máy và quản lý trực tiếp Ban Quản lý KDLQG Núi Sam. Nhân dân sinh sống, kinh doanh trong KDLQG Núi Sam và du khách hành hương kỳ vọng sau khi được kiện toàn, đi vào hoạt động bài bản thì Ban Quản lý KDLQG Núi Sam sẽ có những định hướng, cách làm hay trong việc giúp UBND tỉnh An Giang quản lý, phát triển KDLQG Núi Sam một cách khoa học, hiệu quả và bền vững.
Cần tháo gỡ bất cập bằng giải pháp khoa học, bền vững
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang thẳng thắn nhìn nhận, trong KDLQG Núi Sam có nhiều hộ dân sinh sống, hoạt động kinh doanh đan xen nên việc tổ chức thu phí còn nhiều bất cập, dư luận, báo chí, du khách cũng đã có nhiều phản ánh, góp ý.
Ngày 20/12/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang có thông báo kết luận về phương án thu phí tham quan tại KDLQG Núi Sam và phối hợp với TP Châu Đốc bố trí lại các chốt thu phí, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân.
Ngày 21/2/2023, Sở VHTT&DL có văn bản gửi Ban Quản lý KDLQG Núi Sam về việc hoàn thiện Đề án quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan KDLQG Núi Sam, đề nghị Ban Quản lý KDLQG Núi Sam quan tâm triển khai và hoàn tất việc bố trí lại các chốt thu phí tham quan.
Ông Huỳnh Thành Cư, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý KDLQG Núi Sam cho biết, hiện đơn vị đã tổ chức đoàn khảo sát, vẽ thiết kế và nơi dự kiến đặt chốt thu phí mới.
Tuy nhiên, theo dự thảo Đề án thu phí thì sẽ có 2/3 chốt di dời đến vị trí mới. Chốt thu phí cuối Tân Lộ Kiều Lương rẽ vào trung tâm thương mại hiên nay dự kiến sẽ di dời ngược về cổng chào mới KDLQG Núi Sam (đang xây dựng trên Tân lộ Kiều Lương, trước cổng chùa Huỳnh Đạo - PV), “tránh” mang tiếng là thu phí tham quan Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam như hiện nay. Vị trí đặt trạm thu phí mới đó cũng sẽ tạo ra “hành lang” bao quanh KDLQG Núi Sam…
Tiến sĩ Ngô Quang Láng, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT&DL - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang chia sẻ: “Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam là điểm hành hương tâm linh với nghi thức thờ Mẫu dân gian. Mà đã là tín ngưỡng dân gian thì cần tạo điều kiện cho nhân dân đến đây chứ không thể tìm mọi cách để tận thu. Việc thu phí tham quan tất cả những người đi ngang qua là kiểu “gạn chài bắt cá””. Tuy nhiên, việc di dời chốt thu phí ngược ra phía đầu tuyến Tân Lộ Kiều Lương thì sai lại càng sai, vì càng mở rộng phạm vi thu phí…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định: “Cam kết của UBND tỉnh An Giang là tôn trọng quyền và lợi ích của nhân dân, các hộ kinh doanh hợp pháp trong khu du lịch, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho du khách hành hương. Quan điểm của UBND tỉnh An Giang là đầu tư phát triển du lịch phải mang tính bền vững, lâu dài”.