Phát triển du lịch cộng đồng: Cần có chính sách phát triển phù hợp
Du lịch cộng đồng đã trở thành một loại hình du lịch thu hút du khách, nhất là khách quốc tế. Mặc dù có nhiều tiềm năng, song hiện nay, Bắc Kạn chưa có điểm du lịch cộng đồng được công nhận. Các hoạt động du lịch cộng đồng chủ yếu mang tính tự phát. Tỉnh Bắc Kạn hiện chưa có chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực du lịch này.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: “Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế , qua đó góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho Nhân dân, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương và bảo vệ tài nguyên môi trường”. Việc ban hành các chính sách hỗ trợ đối với phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng là hết sức cần thiết góp phần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, đặc sắc, thu hút nhiều du khách đến với Bắc Kạn.
Theo khảo sát của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Kạn có khoảng 25 địa điểm có thể phát triển du lịch cộng đồng phân bố ở tất cả các huyện, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Ba Bể (9 điểm); Na Rì (4 điểm); Chợ Đồn (3 điểm)…
Du lịch cộng đồng là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch, hay nói cách khác đây là loại hình du lịch trong đó cộng đồng địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Loại hình này được phát triển trên cơ sở văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.
Ở đây, người dân mời du khách đến trải nghiệm cuộc sống của người bản địa với những sinh hoạt thường ngày và những món ăn dân dã truyền thống. Giúp du khách khám phá và tìm hiểu về các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc. Nguồn thu từ chi tiêu của khách du lịch được sử dụng để mang lại lợi ích cho cộng đồng trong việc bảo tồn tài nguyên và di sản. Đồng thời, giúp đỡ cư dân địa phương duy trì cuộc sống đơn thuần.
Hiện du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho người dân bản địa với giá trị về tinh thần và vật chất vượt xa những loại hình du lịch thông thường.
Đối với tỉnh Bắc Kạn, du lịch cộng đồng mới chỉ hình thành ở các xã quanh hồ Ba Bể. Hiện có gần 60 hộ gia đình đăng ký làm dịch vụ du lịch homestay, tập trung ở các thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, xã Nam Mẫu và xã Khang Ninh. Khách du lịch đến với dịch vụ này mới chỉ dừng lại ở việc được cung ứng dịch vụ lưu trú, tham quan thắng cảnh hồ, hang động. Chưa tạo được các chuỗi cung ứng và quản lý du lịch, các sản phẩm du lịch truyền thống, hấp dẫn. Thiếu các hoạt động để du khách tham gia trải nghiệm, vui chơi giải trí tại. Cơ sở vật chất, chỗ ăn, nghỉ đầu tư còn manh mún, sơ sài. Nguồn lực lao động tham gia hoạt động du lịch cộng đồng của Bắc Kạn còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ lẫn trình độ ngoại ngữ, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của du lịch, ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch chưa cao…
Để phát triển bền vững cần coi người dân là trung tâm trong phát triển du lịch cộng đồng. Địa phương cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể, tạo điều kiện cho người dân làm chủ và hưởng lợi từ chính hoạt động du lịch cộng đồng. Cụ thể như: đầu tư hạ tầng đảm bảo các điều kiện phát triển du lịch tại cộng đồng; tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong cộng đồng; vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên...
Đồng thời, tỉnh cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân học tập kỹ năng phục vụ phát triển du lịch, hỗ trợ kết nối giữa người dân và doanh nghiệp trong đầu tư, quản lý và khai thác các sản phẩm du lịch cộng đồng.
Xác định phát triển du lịch cộng đồng đem lại nhiều lợi ích cho người dân và cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành du lịch. Hiện ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2030. Dự thảo nghị quyết sẽ hoàn thiện sau khi lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương và Nhân dân trước khi trình UBND tỉnh; UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thẩm tra, quyết định. Hy vọng, chính sách sẽ sớm được triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện địa phương, tạo “cú hích” cho ngành du lịch Bắc Kạn đi lên bằng nội lực và tiềm năng vốn có./.