Phát triển du lịch cộng đồng ở Bích Đầm gắn với bảo tồn biển
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Dự án “Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang” đã đạt được những kết quả đề ra. Trong đó, việc tạo sinh kế bền vững cho người dân ở Tổ dân phố Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) gắn với bảo tồn biển là mục tiêu lâu dài được hướng đến.
Những kết quả tích cực
Dự án do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa điều phối và được Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam tài trợ. Bà Phan Thị Hòa Bình - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, dự án được chính thức khởi động vào tháng 8-2023. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, dự án đã đạt được 3 mục tiêu đề ra, với gần 30 hoạt động, trong đó có những hoạt động vượt mức so với đề xuất trong văn kiện dự án. Qua các hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan, trước hết là cộng đồng và các doanh nghiệp tư nhân có khai thác, sử dụng khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang về bảo vệ môi trường và bảo tồn rạn san hô để duy trì sinh kế cho cộng đồng và phát triển bền vững biển, đảo. Đồng thời, đạt được những kết quả bước đầu trong thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa và suy thoái rạn san hô; tìm ra giải pháp phát triển sinh kế bền vững cho người dân Bích Đầm.
Thời gian qua, hội đã tổ chức nhiều hoạt động như: Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tổ chức các hội nghị đối thoại, diễn đàn, hội thảo, khảo sát… về các nguồn vốn tự nhiên, văn hóa xã hội, kết nối và bảo tồn các nguồn lực, hợp tác giữa các bên để phát triển sinh kế bền vững cho người dân Tổ dân phố Bích Đầm. Trong đó, nổi bật là đối thoại đầu bờ giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với người dân Bích Đầm. Đồng thời, tổ chức tham quan học tập thực tế mô hình đồng quản lý trong bảo vệ môi trường, bảo tồn rạn san hô và du lịch cộng đồng tại Hòn Yến (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên); tổ chức 7 lớp tập huấn cho cộng đồng; tuyên truyền bằng nhiều hình thức về phòng, chống rác thải nhựa cho người dân và trồng gần 1.000 cây hoa giấy, dừa, bàng… Qua các hoạt động, đã có hơn 2.500 lượt người tham gia trực tiếp và trực tuyến trong suốt thời gian triển khai dự án.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thắng - đại diện đoàn đánh giá dự án cho biết, từ chỗ ít người biết đến, sau quá trình thực hiện dự án, đã có nhiều người biết và đến với Bích Đầm. Với sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… hy vọng trong thời gian tới, Bích Đầm sẽ trở thành điểm du lịch cộng đồng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Hướng tới phát triển du lịch cộng đồng
Tại các cuộc hội thảo, đối thoại, lấy ý kiến, đa số đại biểu đều thống nhất rằng tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng ở Bích Đầm rất lớn. Tuy nhiên, để đưa nơi đây trở thành một điểm du lịch cộng đồng đủ chuẩn theo quy định cần triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, cần quan tâm đầu tư về lưới điện và hệ thống chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt, xử lý rác thải; nâng cấp các công trình công cộng, đường sá, hệ thống giao thông; trùng tu, tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh; nâng cao kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho người dân địa phương; tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch của Bích Đầm… Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, để phát triển du lịch cộng đồng ở Bích Đầm, cần đặt nơi này vào trong tổng thể không gian phát triển của vịnh Nha Trang; xác định không gian phát triển của Bích Đầm và khu vực biển Hòn Mun trong sơ đồ phân vùng chức năng vịnh Nha Trang. Đồng thời, phát triển du lịch cộng đồng phải gắn với giữ nghề cá truyền thống, bảo tồn biển, đặc biệt là bảo tồn rạn san hô ở Hòn Mun; huy động nhiều nguồn lực đầu tư và cần dựa vào dân, phát huy giá trị bản địa và truyền thống.
Còn bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu cho rằng, địa phương phải xác định cho Bích Đầm định hướng phát triển nhất định. Trong đó, phải xác định đón được khách ở cấp độ nào để phù hợp với định hướng phát triển và trình độ làm du lịch ở đây mà vẫn giữ được nét mộc mạc; kết nối được dòng chảy tri thức, tạo cơ hội để những người con của Bích Đầm về lại quê hương cùng giúp nhau phát triển. Mặt khác, kết nối đưa những đoàn sinh viên ra Bích Đầm tham gia trải nghiệm học tập cộng đồng… Qua đó, tạo nguồn thu du lịch cho người dân nơi đây, bảo vệ và giữ cho làng biển Bích Đầm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.