Phát triển du lịch cộng đồng ở Xuân Sơn

PTĐT - Xuân Sơn là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Tân Sơn, nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, là khu vực có tính đa dạng sinh học, vùng chuyển tiếp giữa dải núi đá vôi phía Đông Bắc với vùng Trung du Bắc Bộ.

Những HomeStay có thiết kế đẹp, thoáng đãng là các dãy nhà sàn gỗ với khuôn viên rộng rãi có thể phục vụ đầy đủ mọi nhu cầu của khách du lịch khi thăm quan Vườn Quốc gia Xuân Sơn và trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Mường, Dao địa phương.

Những HomeStay có thiết kế đẹp, thoáng đãng là các dãy nhà sàn gỗ với khuôn viên rộng rãi có thể phục vụ đầy đủ mọi nhu cầu của khách du lịch khi thăm quan Vườn Quốc gia Xuân Sơn và trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Mường, Dao địa phương.

Trên địa bàn xã có nhiều hệ sinh thái đa dạng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với: Rừng, hồ, núi, hang động, thác nước, với nhiều cảnh quan đẹp… và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là điều kiện thuận lợi cho bà con trên địa bàn xã Xuân Sơn phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, đồng thời xây dựng và hình thành các tua du lịch kết nối với một số điểm du lịch của tỉnh và các tỉnh lân cận.Những năm gần đây, Du lịch cộng đồng trên địa bàn xã đã có những phát triển đáng kể với 8 hộ gia đình làm dịch vụ (homestay) với khả năng phục vụ 300 khách tham quan du lịch nghỉ lại đêm, hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn xã đã đi vào chuyên nghiệp, năng lực phục vụ khách du lịch được nâng cao hơn. Đặc biệt, từ khi Đề án: “Phát triển du lịch cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” được triển khai đã giúp bà con cải thiện năng lực phục vụ khách hơn rất nhiều. Các hộ làm dịch vụ Du lịch cộng đồng được dự lớp tập huấn nghiệp vụ lễ tân, phục vụ buồng tổ chức ngay tại xã cho các hộ dân đang tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng trong xã và một số hộ dân đang có nhu cầu phát triển hoạt động Du lịch cộng đồng tại xã Kim Thượng. Qua các lớp tập huấn, người dân lần đầu tiên được tiếp cận những kiến thức cơ bản và thực hành thực tế về pha chế các loại đồ uống như cafe, sinh tố hoa quả, một số loại nước giải khát, cũng như các loại trà từ các nguyên liệu trồng tại vườn nhà như chè, chanh, quất, xả,... Ngoài ra, những kỹ năng về phục vụ bàn, chế biến các món ăn truyền thống và một số món ăn phục vụ khách nước ngoài cũng được hướng dẫn cho bà con một cách bài bản. Việc này không chỉ giúp cải thiện về kỹ năng phục vụ, mà còn góp phần quan trọng làm chuyển biến nhận thức cho các hộ dân trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ theo nhu cầu của khách du lịch. Ngoài việc tập trung trang bị cho bà con những kỹ năng, kiến thức về nghiệp vụ chuyên môn, Xuân Sơn còn được đầu tư hàng loạt các hạng mục công trình như: Cải tạo đường giao thông, xây dựng điểm dừng đỗ xe, điểm dừng chân, nhà vệ sinh công cộng, xây dựng biểu tượng cổng chào làng du lịch cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn; xây dựng hệ thống biển tên, biển chỉ dẫn phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng người Dao, người Mường gắn với trung tâm đón tiếp, quản lý điều phối hoạt động du lịch cộng đồng, tổ chức sự kiện. Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ cải tạo nâng cấp nhà ở người Dao, người Mường phù hợp với bản sắc truyền thống; hỗ trợ trang thiết bị kỹ thuật, tư vấn nghiệp vụ cho các hộ dân kinh doanh hoạt động du lịch (homestay) đảm bảo đạt chuẩn; nâng cấp đường điện, hệ thống viễn thông các cột phát sóng mạng di động. Hệ thống sử lý rác thải, nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp.Các sản phẩm du lịch bổ trợ cũng được quan tâm đầu tư như: Du lịch trải nghiệm và giáo dục môi trường sinh thái với các hoạt động: Xây thêm các tuyến đi bộ, lội suối, các chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, cắm trại và hòa mình cùng thiên nhiên, cùng tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp như làm ruộng, trồng hoặc thu hoạch hoa màu ngô, khoai, sắn, lạc, đỗ, hái lá thuốc trên rừng. Ngoài ra việc nghiên cứu xây dựng khu vườn sưu tầm và lưu giữ các nguồn gen thực vật quý, các giống hoa lan bản địa, lựa chọn nhân trồng đại trà một số loài cây ra hoa theo các mùa tạo cảnh đẹp quanh năm, xây dựng cải tạo vườn hoa cây cảnh và môi trường rừng; xây dựng các mô hình hoa cây cảnh thể hiện biểu trưng của Vườn Quốc gia Xuân Sơn.Tuy nhiên, để Du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Xuân Sơn nói riêng và của huyện Tân Sơn nói chung phát triển hơn nữa, thời gian tới, cùng với tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả Đề án: “Phát triển du lịch cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực thông qua việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch cộng đồng ở Xuân Sơn; nâng cấp cơ sở hạ tầng; khôi phục các giá trị bản sắc dân tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng môi trường vệ sinh và thu gom rác thải; nâng cao nhận thức người dân về phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn... Đây cũng chính là một trong những giải pháp phát triển du lịch cộng đồng, mang lại nguồn thu ổn định, bền vững và phát triển cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi huyện Tân Sơn.

Hải Anh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/du-lich-le-hoi/201906/phat-trien-du-lich-cong-dong-o-xuan-son-165218