Phát triển du lịch ở Chi Lăng: Khai thác tiềm năng, tăng thêm sức hút
Chi Lăng là vùng đất giàu tiềm năng du lịch với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và nhiều di tích văn hóa, lịch sử in đậm chiến công hiển hách của dân tộc. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã và đang triển khai các biện pháp đồng bộ, tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn.
Để đánh thức tiềm năng phát triển du lịch, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện Chi Lăng đã tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Nổi bật tiềm năng
Nằm dọc quốc lộ 1A, cách thành phố Lạng Sơn 30 km về hướng Tây Nam, huyện Chi Lăng có điều kiện giao thông thuận lợi và có nhiều tiềm năng hấp dẫn để phát triển du lịch. với các di tích lịch sử văn hóa thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt – Di tích Chi Lăng như: Ải Chi Lăng, Đấu Đong Quân, Đền Quỷ môn, núi Mã Yên, núi Mặt Quỷ… ; các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Đền Chầu Năm suối Lân, Đền Chầu Mười, Hang Gió, Hang Nàng Tiên, Hang Lạng Nắc, Thảo nguyên Khau Slao, “Cổng trời” Hữu Kiên…
Ngoài ngắm cảnh đẹp và tham quan các di tích lịch sử, du khách còn có cơ hội trải nghiệm, thưởng thức quả na, một loại quả ngọt đặc sản của vùng đất Chi Lăng. Sự phát triển của cây na và sản phẩm từ na đã gắn với đời sống của người dân Chi Lăng, trở thành nét văn hóa riêng hấp dẫn du khách. Cùng đó, Chi Lăng còn là vùng đất còn bảo tồn, phát huy được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của người dân tộc Tày, Nùng như lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công, trang phục…
Ông Cao Quốc Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Á Đông Vidotour (Hà Nội) cho biết: Sau nhiều lần khảo sát, chúng tôi đã xây dựng tour và đưa khách đến tham quan 24 di tích trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt – Di tích Chi Lăng. Theo phản hồi từ du khách và trực tiếp khảo sát trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy đây là vùng đất có tiềm năng du lịch hấp dẫn, đặc biệt đối với du khách thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử và truyền thống đấu tranh dựng nước giữ nước của cha ông ta.
Đồng bộ các giải pháp
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Chi Lăng lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020 – 2025 nêu rõ: “Đẩy mạnh và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; khơi dậy và phát huy tiềm năng thế mạnh của huyện trong phát triển du lịch, dịch vụ; gắn phát triển du lịch với di tích lịch sử, văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Ngày 3/2/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển Du lịch gắn với bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống huyện Chi Lăng từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Bà Đinh Thị Thao, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: Thực hiện nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch của huyện, phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển từng năm và cả giai đoạn; tổ chức hội thảo đánh giá tiềm năng du lịch; xây dựng hồ sơ trình và được công nhận khu di tích Quốc gia đặc biệt; tổ chức các đoàn khảo sát thực tế, tư vấn, hướng dẫn xây dựng một số mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm, tuyến, điểm trên địa bàn… Trên cơ sở đó, xác định các điểm, tuyến du lịch cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của huyện Chi Lăng để tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch trên địa bàn.
Theo đó, công tác tuyên truyền tiềm năng, thế mạnh du lịch được quan tâm đẩy mạnh thực hiện. Từ năm 2022 đến nay, các cơ quan chuyên môn đã xây dựng được 2 pa nô cỡ lớn, 220 băng rôn khẩu hiệu, 150 panô; phát 50 tin bài trên hệ thống truyền thanh cơ sở; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức 2 đợt quay phim, ghi hình về di tích, du lịch trên địa bàn huyện; phối hợp với Ban Quản lý công viên địa chất Lạng Sơn tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về Khu di tích lịch sử Chi Lăng thu hút đông đảo học sinh trên địa bàn tham gia. Qua đó nhận thức của người dân về phát triển du lịch ngày càng được nâng cao.
Bà Nguyễn Thị Thào, chủ vườn na Lũng Than, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Những năm qua, gia đình tôi trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua tuyên truyền, vận động, hai năm gần đây, gia đình tôi tham gia thực hiện mô hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp. Theo đó, gia đình thường xuyên dọn vệ sinh vườn, đổ bê tông các lối đi, dựng lều, cắm biển chỉ dẫn, đầu tư trang thiết bị, đồ dùng… để phục vụ nhu cầu của các đoàn khách đến tham quan.
Cùng với tuyên truyền, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch theo hướng tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển các sản phẩm là thế mạnh của huyện. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, huyện đã đẩy mạnh khai thác 2 tuyến: du lịch lịch sử văn hóa, tâm linh (Đền Chầu Năm – Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng – Đền Quỷ Môn – Đền Chầu Bát – Miếu Cô Chín – Đền Chầu Mười) và Du lịch lịch sử văn hóa, sinh thái trải nghiệm (Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng – Lũy Ải – Đền Quỷ môn – Ải Chi Lăng – Núi Mặt Quỷ – khu vực trồng sản phẩm nông nghiệp an toàn ở xã Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ).
Với những nỗ lực của các cấp, ngành liên quan và người dân, những năm qua, du lịch của huyện Chi Lăng đã có nhiều khởi sắc, minh chứng là lượng khách đến huyện ngày càng tăng qua các năm. Năm 2022, toàn huyện thu hút 120.000 lượt khách du lịch, tăng gấp 4 lần so với năm 2021, riêng từ đầu năm 2023 đến nay, huyện thu hút trên 100.000 lượt khách, vượt 80% so với kế hoạch năm đã đề ra, bằng 83% so với cả năm 2022.
Từ những kết quả tích cực đó, tin tưởng rằng, du lịch Chi Lăng sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, tạo sức hút đối với du khách gần xa, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Tiến sĩ Vũ Hương Lan, Phó Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
“Nhiều lần đến, tôi nhận thấy Chi Lăng là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, có thể phát triển đa dạng nhiều loại hình: du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh, du lịch nông nghiệp… Những tour du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh với những điểm đến trong hệ thống di tích Quốc gia là một hướng đi triển vọng để các doanh nghiệp khai thác, tạo nên tour, tuyến du lịch độc đáo, thu hút du khách đến với mảnh đất Chi Lăng. Bên cạnh đó, các vườn na ở khu vực núi đá có khung cảnh hữu tình và cách khai thác độc đáo của người bản địa có sức hút độc đáo đối với du khách. Khi phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, các tour du lịch sẽ kết hợp với nhiều điểm đến hấp dẫn để du khách vừa được tham quan, trải nghiệm, vừa được thưởng thức các đặc sản, hái trái cây tại vườn và mua về làm quà cho người thân.”.