Phát triển du lịch tại quần thể di tích đền Bà Triệu (Bài 1): Điểm đến văn hóa tâm linh hấp dẫn

Tĩnh lặng và trang nghiêm, đó là không gian mà khách thập phương có thể cảm nhận được khi về với đền Bà Triệu nằm trên địa bàn làng Phú Điền, xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc - di tích có lịch sử lâu đời bậc nhất xứ Thanh. Đây là nơi thờ Bà Triệu và một số tướng lĩnh cùng nghĩa sĩ trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm vào thế kỷ thứ III sau công nguyên. Điểm đến tâm linh này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Thanh Hóa quan tâm đầu tư tôn tạo để trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn ở xứ Thanh.

Khách thập phương đến tham quan, chiêm bái tại Khu Di tích đền Bà Triệu. Ảnh: Trần Hằng

Khởi nghĩa Bà Triệu năm 248 đã khiến toàn bộ Giao Châu chấn động. Sự chấn động ấy trước hết bởi cuộc khởi nghĩa đã hội tụ được sức mạnh to lớn của những người cùng chung chí hướng đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn. Đồng thời, những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa không chỉ dựa vào địa hình hiểm trở để xây dựng lực lượng, bày binh bố trận, mà còn biết dựa vào Nhân dân, được Nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ mà giành được nhiều thắng lợi to lớn. Nhưng có lẽ điều khiến kẻ thù chấn động hơn nữa là lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ấy không phải một trang tuấn kiệt, mà lại là bậc nữ nhi. Khi ấy người phụ nữ phải chịu nhiều áp bức, tư tưởng trọng nam, khinh nữ trong xã hội phong kiến còn rất nặng nề, thì việc người con gái trẻ trung Triệu Thị Trinh dám nuôi và thực hiện giấc mộng gây dựng cơ đồ bá nghiệp “đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ” cho toàn thể dân tộc, đủ khiến quân thù khiếp sợ, Nhân dân thán phục. Điều đó cũng đồng thời cho thấy một khát vọng lớn lao vượt ra ngoài mọi trói buộc của hoàn cảnh, lễ giáo, vận mệnh và một sức mạnh tinh thần, ý chí quyết tâm không gì ngăn cản nổi của bậc nữ trung hào kiệt này.

Lúc khởi dựng, đền thờ Bà Triệu chỉ có 3 gian nhà gỗ lợp tranh, bên trong có một bệ thờ Bà Triệu. Đến các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, đền được xây dự, tu sửa, ban sắc phong và tổ chức tế lễ theo nghi thức quốc tế. Diện mạo toàn bộ khu đền thờ mà ngày nay hậu thế được biết đến là một quần thể kiến trúc truyền thống, được xây dựng trên diện tích 3,8 ha nằm dưới chân núi Gai, gồm nhiều công trình như cổng ngoại, hồ nước hình chữ nhật, bình phong, cổng nội, tả hữu mạc, tiền đường, trung đường và hậu cung. Khối kiến trúc này nằm hài hòa giữa thiên nhiên và cuộc sống con người, phía trên là đỉnh núi Tùng quanh năm ẩn hiện mây vờn, dưới là làng Phú Điền được bao bọc trong bát ngát ruộng đồng, bờ bãi.

Cùng với sự ra đời và tồn tại của khu di tích, lễ hội đền Bà Triệu cũng được hình thành và duy trì suốt nhiều thế kỷ, cho đến tận ngày nay. Chính hội diễn ra đúng ngày 22-2 âm lịch hàng năm cũng là ngày húy kỵ Bà Triệu. Cũng bởi tầm ảnh hưởng lớn của nhân vật được thờ phụng đối với lịch sử dân tộc, mà Di tích đền Bà Triệu gắn với lễ hội đang trở thành điểm thực hành tín ngưỡng của đông đảo khách thập phương.

Năm 1979, Khu Di tích lịch sử đền Bà Triệu được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 2014, khu di tích được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Để Khu Di tích Bà Triệu trở thành điểm đến văn hóa tâm linh lớn của xứ Thanh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4139/QĐ-UBND, ngày 19-11-2010 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng văn hóa, lịch sử của quần thể di tích Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, có quy mô 136 ha, với tính chất là khu tưởng niệm và tái hiện những hình ảnh, hoạt động gợi nhớ về Bà Triệu; đồng thời là công viên văn hóa của đô thị Bà Triệu. Cùng với đó, ngày 7-11-2012 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3667/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu Di tích lịch sử văn hóa đền Bà Triệu đến năm 2020. Qua đó, quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng, gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, cảnh quan, dịch vụ môi trường...

Đặc biệt, để quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu Di tích Bà Triệu nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của di tích; phát triển Khu Di tích Bà Triệu trở thành điểm du lịch quan trọng của tỉnh Thanh Hóa và cả nước, ngày 17-1-2022 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 283/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đổi mới công tác quản lý, khai thác, phát triển du lịch tại Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu Di tích Bà Triệu, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030 với tổng kinh phí trên 604 tỷ đồng. Theo đó, từ nay đến năm 2030 tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa Khu Di tích Bà Triệu và khu vực lân cận; tập trung phát triển các thị trường khách du lịch trọng điểm theo từng giai đoạn cụ thể; định vị chính xác sản phẩm du lịch đặc thù và thị trường du lịch của khu di tích. Hình thành tổ hợp không gian du lịch lịch sử - tâm linh - văn hóa - sinh thái với đa dạng các sản phẩm du lịch, xác định khu vực hạt nhân tạo đòn bẩy phát triển là đền Bà Triệu. Thực hiện nghiên cứu, rà soát, trình lập quy hoạch Khu Di tích Bà Triệu và các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đổi mới sản phẩm du lịch, định vị sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh gắn với tìm hiểu di sản; từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch mới dựa trên các di tích và giá trị văn hóa hiện có của di tích.

Bên cạnh đó, tăng cường kết nối sản phẩm du lịch tại Khu Di tích Bà Triệu với sản phẩm du lịch tại các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh để thu hút du khách. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới, trong đó định vị sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch văn hóa - tâm linh gắn với du lịch sinh thái, các hoạt động nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí đa dạng, tạo nên trải nghiệm mới mẻ cho du khách; tiếp tục khai thác, phát triển sản phẩm du lịch tìm hiểu lịch sử, lễ hội. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển du lịch; nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch... phấn đấu đến năm 2025 Khu Di tích Bà Triệu đón khoảng 71.150 lượt khách du lịch, trong đó có 650 lượt khách quốc tế và 70.500 lượt khách nội địa; tổng doanh thu từ du lịch đạt 7.170 triệu đồng.

Cũng bởi tầm ảnh hưởng lớn của Bà Triệu đối với lịch sử dân tộc mà Khu Di tích Bà Triệu gắn với lễ hội đang trở thành điểm đến văn hóa gắn với tâm linh, tín ngưỡng của đông đảo khách thập phương.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Bài 2: Ứng dụng công nghệ số thúc đẩy du lịch tại Khu Di tích đền Bà Triệu.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/phat-trien-du-lich-tai-quan-the-di-tich-den-ba-trieu-bai-1-diem-den-van-hoa-tam-linh-hap-dan/180501.htm