Phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững

Là vùng đất giao thoa, kề cận với Thủ đô Hà Nội và khu vực đồng bằng Bắc Bộ, giàu bản sắc văn hóa, phong cảnh thiên hữu tình, khí hậu trong lành là những nguồn tài nguyên quý báu để phát triển du lịch. Tỉnh ta đang triển khai những giải pháp cụ thể khai thác tiềm năng, lợi thế đánh thức và khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Lòng hồ Hòa Bình với vẻ đẹp sơn thủy hữu tình thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

Lòng hồ Hòa Bình với vẻ đẹp sơn thủy hữu tình thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

Những ngày cuối năm, tranh thủ thời tiết nắng ấm, tôi cùng nhóm bạn ở Hà Nội có dịp thưởng ngoạn du lịch hồ Hòa Bình. Từ TP Hòa Bình khoảng 25 km, đi đường tỉnh 435 (Bình Thanh - Thung Nai), chúng tôi di chuyển đến cảng Thung Nai. Nhóm bạn Hà Nội cực kỳ thích thú khi lên thuyền di chuyển dọc theo sông Đà rộng lớn, uốn lượn, lòng hồ xanh mướt dần hiện. Đúng là hồ Hòa Bình được ví như "Hạ Long trên núi" quả thực không sai. Nước hồ xanh như không thể xanh hơn, sóng nước lăn tăn mềm mại, núi xa nhấp nhô trùng điệp, xa xa nhưng cánh rừng xanh thẳm, đây đó xuất hiện những bản làng êm đềm, cuộc sống người dân bình yên đến nao lòng. Chúng tôi chỉ ghé thăm được đền Bờ, thưởng thức các món ăn đậm đà bản sắc như cá nướng, lợn hấp, gà nấu măng chua, rau rừng... không đủ thời gian để đến hết các điểm trên tuyến lòng hồ sông Đà như: Đảo Dừa, Cối Xay Gió, đảo Xanh, đảo Ngọc hay các điểm du lịch cộng đồng của người Mường tại bản Ngòi (xã Ngòi Hoa), xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Đá Bia và xóm Mó Hẻm (xã Tiền Phong)... Được tôi giới thiệu, với nhiều nuối tiếc, nhóm bạn Hà Nội hẹn ngày gần nhất được trở lại lòng hồ để trải nghiệm cùng cuộc sống của bà con nơi đây.

Không chỉ có lòng hồ giàu tiềm năng, Hòa Bình có không gian phát triển du lịch lớn. Đó là nền "Văn hóa Hòa Bình" có từ thời tiền sử, nổi tiếng với 4 Mường Bi, Vang, Thàng, Động. Các dân tộc Thái, Mông, Dao có những nét văn hóa riêng biệt tạo nên sắc thái văn hóa đa dạng, phong phú với nhiều lễ hội dân gian đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: Suối khoáng, Serena Resort (Kim Bôi), chùa Tiên (Lạc Thủy), sân gofl Phượng Hoàng (Lương Sơn)… đã và đang tạo ra sức hút cho du lịch của tỉnh. Một tín hiệu rất khả quan trong du lịch Hòa Bình khi có nhiều nhà đầu tư đã nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư vào hồ Hòa Bình, Kim Bôi, Lạc Sơn, TP Hòa Bình với số vốn hàng nghìn tỷ đồng.

Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách, thực hiện nhiều giải pháp khai thác tiềm năng phát triển du lịch. Đặc biệt, ngày 22/9/2017, BTV Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 15-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sau 3 năm thực hiện, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả quan trọng. Công tác quản lý Nhà nước về du lịch được tăng cường. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư, đặc biệt là nâng cấp và mở rộng một số tuyến đường giao thông đến các khu du lịch; một số dự án du lịch với quy mô lớn, chất lượng cao được đầu tư xây dựng đã đi vào hoạt động; chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày được nâng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách. Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng nhanh; tổng thu từ hoạt động du lịch có mức tăng trưởng tốt, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Năm 2019, toàn tỉnh đón 3,1 triệu lượt khách (khách quốc tế 406.384 lượt), doanh thu từ du lịch đạt 1.152 tỷ đồng, đóng góp trên 3% vào lộ trình phát triển kinh tế chung của tỉnh. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng khách du lịch ước đạt 1 triệu lượt, đạt 60% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế 280.000 lượt, khách nội địa 1,7 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.475 tỷ đồng, thực hiện 59% kế hoạch năm.

Chương trình hành động số 15-CTr/TU đặt mục tiêu: Đến năm 2025, cơ sở lưu trú đạt trên 6 nghìn phòng; đạt 4,9 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế 1 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 26 nghìn lao động. Đến năm 2030, đạt 7,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 2 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 47 nghìn lao động… Để tạo "cú huých” đưa du lịch của tỉnh cất cánh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các cấp, hệ thống chính trị thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án về phát triển du lịch; rà soát, bổ sung và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù tạo cơ sở pháp lý để hỗ trợ cho các nhà đầu tư, cộng đồng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, trải nghiệm cho khách thăm quan du lịch. Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách và huy động các nguồn lực của toàn xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống đường giao thông và các bến thuyền kết nối các điểm du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, có chất lượng cao. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân và cộng đồng trong việc nâng cao ý thức, thực hiện gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ tài nguyên để phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững...

Linh Trang

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/148108/phat-trien-du-lich-theo-huong-xanh,-ben-vung.htm