Phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn
Trong những năm qua, ngành Du lịch Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực với nhiều dấu mốc quan trọng trong phát triển hạ tầng, quảng bá và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển du lịch, Thanh Hóa cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế, do vậy, cần phải có các giải pháp đồng bộ để phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương này trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Tỉnh Thanh Hóa là cửa ngõ kết nối Bắc Bộ và Trung Bộ, với hệ thống tuyến đường Quốc lộ 1 và Đường mòn Hồ Chí Minh, có mạng lưới giao thông thuận lợi, gần với các thị trường du lịch lớn như Hà Nội. Thanh Hóa là một trong những địa phương tập trung phát triển cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, cùng với đó là quy hoạch sân bay Nghi Xuân trở thành Cảng Hàng không quốc tế Nghi Sơn đến năm 2025. Đây là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa thu hút được lượng khách du lịch ngày một nhiều hơn.
Nhằm nhanh chóng đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 09/02/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 492/QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Quyết định, phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh, đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm phát triển du lịch của cả nước. Cùng với triển khai Quyết định số 492/QĐ-UBND, Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế, kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng.
Thực trạng hoạt động du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2018
Thanh Hóa là một địa phương thuộc khu vực Bắc Trung bộ, địa hình phong phú, đa dạng với cả núi, biển và đồng bằng, giàu tiềm năng du lịch. Thanh Hóa cũng là tỉnh có vị trí địa - chính trị quan trọng, kết nối giữa vùng đồng bằng sông Hồng với miền Trung và cả nước. Thanh Hóa có tiềm năng phát triển ''một nền kinh tế tổng hợp đa ngành, trong đó du lịch được coi là một trong những ngành có vai trò đặc biệt quan trọng'' như được xác định trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Nhờ có địa hình đa dạng và khai thác lợi thế từ địa hình này, Thanh Hóa đã hình thành nên các sản phẩm du lịch giải trí phong phú, đa dạng. Đến nay, hạ tầng du lịch của Tỉnh được cải thiện, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, các dự án đầu tư du lịch phát triển cả về số lượng và quy mô; công tác quản lý Nhà nước về du lịch được tăng cường; công tác xây dựng và triển khai các đề án phát triển du lịch được thực hiện bài bản, đồng bộ...
Trong những năm qua, ngành Du lịch Thanh Hóa có những bước tiến dài với những dấu mốc quan trọng về phát triển hạ tầng, quảng bá và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, từ đó tạo sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế. Thống kê cho thấy, toàn Tỉnh đã có 18 dự án hạ tầng du lịch được triển khai, 61 dự án kinh doanh khu, điểm du lịch được cấp phép với tổng vốn đăng ký lên đến 62.480 tỷ đồng. Qua Bảng 1 cho thấy, tổng doanh thu du lịch của tỉnh Thanh Hóa năm sau cao hơn năm trước (năm 2015 đạt 5.180.000 triệu đồng; năm 2016 đạt 6.304.170; năm 2017 đạt 6.304.170 triệu đồng; năm 2018 đạt 8.000.000 triệu đồng) với các sản phẩm du lịch như: du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử và du lịch sinh thái đã được quan tâm đầu tư phát triển.
Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển của Thanh Hóa tập trung khai thác chủ yếu ở khu vực bãi biển Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến... là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm trung, du lịch đại trà, chủ yếu thu hút đối tượng khách nội địa từ Hà Nội và các thị trường phía Bắc vào những tháng mùa hè. Du khách tới các bãi biển này chủ yếu chỉ tập trung vào các hoạt động du lịch tắm biển thuần túy, ăn hải sản tại các nhà hàng. Tiếp đó là doanh thu từ hoạt động kinh doanh du lịch văn hóa, lịch sử (chiếm tỷ trọng từ trên 7,7% đến 9,85%), các sản phẩm du lịch văn hóa tập trung các điểm đến: Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Bà Triệu, Hàm Rồng, Đền Am Tiêm, Động Từ Thức, tìm hiểu di tích khảo cổ Đông Sơn...
Giai đoạn 2015 - 2018, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Thanh Hóa tăng lên đáng kể, đặc biệt khi sự kiện Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đã góp phần gia tăng lượng khách du lịch quốc tế đến với Thanh Hóa và sự kiện Năm du lịch Quốc gia Thanh Hóa 2015 như là động lực thúc đẩy ngành Du lịch Thanh Hóa tăng tốc phát triển.
2018 được xem là năm bản lề thực hiện Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình, 3/5 nhóm chỉ tiêu là tổng thu du lịch, cơ sở lưu trú (tổng số cơ sở lưu trú, tổng số phòng cơ sở lưu trú) và lao động du lịch (tổng số lao động, tỷ lệ lao động được đào tạo) đạt kế hoạch. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về lượt khách, ngày khách tính đến hết năm 2018 vẫn chưa đạt kế hoạch mà Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa đề ra.
- Về khách du lịch nội địa: Bảng 2 cho thấy, lượt khách nội địa đến tỉnh Thanh Hóa tăng khá đều đặn, khách du lịch nội địa luôn chiếm tỷ lệ trên 97% trong tổng số khách du lịch đến tỉnh Thanh Hóa. Khách du lịch nội địa tỉnh Thanh Hóa thường là khách đi theo nhóm do các công ty du lịch, lữ hành tổ chức, hoặc do các tổ chức công đoàn của các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức hoặc tự tổ chức theo các nhóm…
- Về khách du lịch quốc tế: Khách du lịch quốc tế đến lưu trú và tham quan tại các địa danh ở tỉnh Thanh Hóa còn hạn chế, không có sự đột biến lớn như một số tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có điều kiện tương đồng về tài nguyên du lịch. Cụ thể, lượng khách quốc tế đến tỉnh Thanh Hóa chỉ bằng 3% khách nội địa. Khách du lịch quốc tế đến tỉnh Thanh Hóa chủ yếu là khách Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và một số nước Đông Âu... Khách du lịch có quốc tịch Anh, Pháp, Canada gần đây có xu hướng tăng lên.
Để hoàn thành các mục tiêu trong Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, ngành Du lịch đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là kinh phí thực hiện chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu, cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chưa thực sự khuyến khích; trong khi, việc huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn hạn chế. Việc xúc tiến, quảng bá du lịch còn thiếu cơ chế, chính sách, thiếu nguồn lực; trong khi các hoạt động xúc tiến du lịch nước ngoài, hoạt động quảng bá du lịch ứng dụng công nghệ thông tin và chất lượng đòi hỏi lượng kinh phí lớn...
Giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thanh Hóa
Để đạt được các mục tiêu chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 đề ra, đưa du lịch Thanh Hóa cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, có tính chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa cần chú trọng kết hợp các giải pháp sau:
- Ban hành cơ chế đặc thù đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật lớn, công trình du lịch trọng điểm quốc gia.
- Tập trung huy động, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, tôn tạo các di tích, danh thắng, xây dựng cơ sở vật chất kinh doanh du lịch; tăng cường đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch; Huy động các nguồn lực, tạo đột phá về đầu tư du lịch.
- Phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng tăng khả năng cạnh tranh, chuyên nghiệp, an toàn, văn minh, thân thiện, đậm bản sắc văn hóa xứ Thanh, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mới; thực hiện chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và quốc tế.
- Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Xây dựng Chiến lược thương hiệu du lịch Thanh Hóa thân thiện, hấp dẫn, là giải pháp quan trọng, trong nhóm giải pháp quảng bá, xúc tiến du lịch.
- Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá ngắn hạn và dài hạn; thường xuyên cập nhật, bổ sung kế hoạch phù hợp với nhu cầu thị trường và thực tế phát triển sản phẩm du lịch của địa phương.
- Hoàn thiện khâu cung cấp thông tin du lịch cho du khách trong và ngoài nước thông qua các website, trang mạng phổ biến, mạng xã hội... Ngoài ra, tổ chức các đoàn farmtrip với đối tượng tham gia là đại diện nhiều hãng lữ hành trong nước và quốc tế, để thông qua các hãng lữ hành này có thể cung cấp thông tin cho khách du lịch một cách chính thống.
- Tăng cường quản lý nhà nước về môi trường du lịch, an ninh, trật tự xã hội; tạo đột phá về cải thiện môi trường du lịch.
Tài liệu tham khảo:
1. UBND tỉnh Thanh Hóa (2015), Quyết định số 492/QĐ-UBND ngày 09/02/2015 về phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
2. UBND tỉnh Thanh Hóa (2018), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018;
3. UBND tỉnh Thanh Hóa (2016), Quyết định số 492/QĐ-UBND ngày 09/02/2016 của phê duyệt: "Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030";
4. Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch (2016), Công văn 2077/SVH-TT&DL-NVDL ngày 26/8/2015 về việc triển khai thực hiện các đề án, dự án phát triển du lịch Thanh Hóa năm 2016;
5. Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch (2015 – 2018), Các báo cáo tổng kết công tác phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa.