Phát triển du lịch văn hóa - Cần sự chung tay!
UBND tỉnh Long An vừa tổ chức Hội thảo Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch nhằm tìm ra giải pháp khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh và đưa các giá trị đó vào phát triển du lịch. Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được khẳng định cần khuyến khích, tạo điều kiện cho người Long An, đặc biệt là học sinh (HS) tham quan nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, vun bồi tình yêu quê hương.
Phóng viên (PV) Báo Long An phỏng vấn Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh - Nguyễn Văn Hiển về những nỗ lực đẩy mạnh khai thác tour, tuyến du lịch nhằm phát huy giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của tỉnh.
PV: Theo ông, các di tích lịch sử - văn hóa có giá trị như thế nào trong việc khai thác và phát triển du lịch?
Ông Nguyễn Văn Hiển: Mỗi chúng ta ai cũng có quê hương. Quê hương không chỉ là nơi chúng ta sống mà còn là nơi trái tim chúng ta bắt đầu. Dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, quê hương luôn ẩn chứa trong tâm hồn, tình cảm ấy thôi thúc chúng ta tiến về phía trước với tất cả tình yêu và lòng biết ơn.
Chắc hẳn thế hệ sau này cũng sẽ phải trưởng thành. Những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống do chúng ta giáo dục chính là niềm tự hào của thế hệ tương lai khi đi bất kỳ nơi nào trên thế giới. Long An hiện có 125 di tích lịch sử - văn hóa, 3 công trình văn hóa có tính lịch sử, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia, 104 di tích cấp tỉnh. Đó là tiềm năng lớn cho việc phát triển du lịch gắn với giáo dục truyền thống và vun bồi tình yêu quê hương, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.
PV: Hiệp hội đã nỗ lực như thế nào để đẩy mạnh việc phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hiển: Việc giáo dục truyền thống, lòng yêu quê hương cho thế hệ trẻ luôn được đặc biệt chú trọng nên khi phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp, công ty lữ hành trong Hiệp hội trước hết nhắm đến đối tượng khách hàng mục tiêu là HS. Để đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa gắn với các di tích lịch sử - văn hóa cần thiết kế được tour, tuyến gắn kết nhiều điểm đến với nhau. Ngoài giáo dục truyền thống tại các điểm đến là khu di tích, du khách (HS) cần thêm các hoạt động trải nghiệm, vui chơi, giải trí. Dựa trên những lợi thế sẵn có, chúng tôi tổ chức các hoạt động gắn kết điểm đến, công ty lữ hành.
Với sự gắn kết đó, Hiệp hội hiểu rõ và chia sẻ những thuận lợi, khó khăn của các điểm du lịch: Happyland, Vườn thú Mỹ Quỳnh, Chavi Garden, Cánh Đồng Bất Tận, Làng nổi Tân Lập,…; có thể thảo luận thống nhất cùng các công ty lữ hành: Mice Travel, Golden Smile Travel, Rồng Việt Travel, Long An Tourist, Good Travel, Travel 24h,... để đưa ra gợi ý tour, tuyến phù hợp về chi phí, bảo đảm về chất lượng.
Chúng tôi cũng đã tổ chức hội nghị gặp gỡ hiệu trưởng các trường cấp 3, các doanh nghiệp lữ hành,... kêu gọi chung tay phát triển du lịch. Hội nghị vinh dự có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được. Các đoàn Famtrip cũng được tổ chức nhằm giới thiệu các điểm du lịch nổi bật của tỉnh.
Bên cạnh đó, Hiệp hội còn phối hợp các địa phương để xúc tiến du lịch, cụ thể là huyện Bến Lức, Đức Hòa. Ở cả 2 địa phương, chúng tôi đều xây dựng phương án phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có, trong đó không thể thiếu các di tích lịch sử - văn hóa quan trọng, nổi bật.
PV: Hiện tại, việc khai thác du lịch văn hóa tại Long An vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Ông cho biết Hiệp hội có những giải pháp gì trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Hiển: Chúng tôi đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh khai thác tour, tuyến du lịch nhằm phát huy giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của tỉnh từ cuối năm 2023 đến năm 2024.
Trước hết, cần vận động 100% HS từ cấp tiểu học đến THPT tham gia hoạt động tìm hiểu về lịch sử, truyền thống quê hương. Tỉnh Long An là quê hương của rất nhiều anh hùng, danh nhân nổi tiếng: Giáo sư Trần Văn Giàu, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực,... Điều đó góp phần giáo dục tình yêu quê hương, lòng tự hào về chính quê hương mình.
Tiếp theo, cần tập trung phát triển du lịch học tập trải nghiệm để HS có thể vừa học, vừa chơi và ưu tiên các điểm trải nghiệm trong tỉnh. Các khu, điểm du lịch trong tỉnh cần đầu tư, phát triển. Dịch vụ lưu trú, ăn, uống cần được nâng cao về cả chất lượng lẫn số lượng. Công ty lữ hành cũng cần xây dựng tour, tuyến đa dạng, phù hợp nhu cầu của khách hàng.
Hiệp hội sẽ nỗ lực vận động một số địa phương xây dựng làng du lịch văn hóa cộng đồng kết hợp nông nghiệp và sản phẩm OCOP; cùng Sở Công Thương và các doanh nghiệp kết nối, phát triển thương mại cho sản phẩm OCOP. Chúng tôi kỳ vọng thiết kế các ki-ốt có đặc trưng nhận diện riêng để trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh đặt tại các điểm đến du lịch.
Bên cạnh những giải pháp mà Hiệp hội dự kiến triển khai, theo tôi, muốn đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh cần sự đồng hành, phối hợp của các sở, ngành: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư,... cùng sự nỗ lực của các địa phương. Du lịch vốn là ngành kinh tế tổng hợp nên muốn phát triển du lịch thành công cần sự quan tâm, chung tay của nhiều ngành, đơn vị, địa phương.
PV: Xin cảm ơn ông!
Quế Lâm (thực hiện)
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phat-trien-du-lich-van-hoa-can-su-chung-tay--a166856.html