Phát triển du lịch xanh: Hướng đi nhiều triển vọng
– Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên phạm vi toàn cầu, những năm gần đây, du lịch xanh đã phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ những chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, tỉnh Lạng Sơn đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững với ngày càng nhiều du khách đến trải nghiệm.
Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương, còn gọi là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn… Du lịch xanh là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.
Với 12.500 cây na trên tổng diện tích 25 ha, vườn na Lũng Than, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng đã trở thành điểm du lịch sinh thái mang đến nhiều trải nghiệm ấn tượng, thú vị đối với du khách trong và ngoài nước. Chị Yuri, du khách đến từ nước Nga cho biết: Tham gia chuyến du lịch tại đây, ngoài được thưởng thức món ăn ngon, tận hưởng cảnh đẹp, tôi còn được tự tay hái những quả na và vận chuyển na bằng “cáp treo”. Tôi sẽ giới thiệu với bạn bè biết đến điểm du lịch này để họ đến và có những trải nghiệm thú vị như tôi.
Được biết, điểm du lịch sinh thái vườn na Lũng Than, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng đưa vào khai thác từ đầu tháng 7/2023 đến nay đã đón trên 1.000 lượt khách. Bà Đinh Thị Thao, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chi Lăng cho biết: Đầu tháng 7/2023, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện đã tham mưu Ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện lựa chọn Lũng Than đưa vào thí điểm xây dựng mô hình du lịch sinh thái. Để thu hút du khách, phòng đã phối hợp xây dựng tiểu cảnh, pano lớn có gắn mã QR quảng bá du lịch và một số chỗ ngồi bằng xích đu dọc lối đi để phục vụ du khách trải nghiệm, rất nhiều du khách thích thú chụp ảnh check-in tại đây.
Trên thực tế, du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm các sản phẩm nông nghiệp là một hướng đi mới, triển vọng không chỉ của Chi Lăng. Trên địa bàn huyện Bắc Sơn hiện có các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp thu hút khách du lịch trong, ngoài nước gồm: suối Mỏ Mắm, vườn quýt Hang Hú, làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn. Bà Dương Hồng Hạnh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết: Để tiếp tục nhân rộng các mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, chúng tôi đang nghiên cứu phát triển một số giải pháp trọng tâm như: hỗ trợ nhà vườn trên địa bàn trong việc tạo tiểu cảnh tại vườn và quảng bá thu hút người dân đến trải nghiệm; vận động các cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp triển khai mô hình, xây dựng các tour tham quan vườn cây ăn quả, canh tác nông nghiệp tại một số xã: Chiến Thắng, Tân Hương, Vũ Lăng.
Không riêng huyện Chi Lăng, Bắc Sơn, những năm gần đây, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã quan tâm phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm, tiêu biểu như: mô hình vườn dẻ, quýt, nho, dâu tây (thành phố Lạng Sơn); mô hình trải nghiệm làm nông dân, trải nghiệm những sinh hoạt, lao động, ẩm thực thường ngày của người dân làng du lịch cộng đồng Hữu Liên, Yên Thịnh (Hữu Lũng)…. Những mô hình này đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn, thu hút du khách trong nước, quốc tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Để tạo ra sản phẩm du lịch nông thôn đặc sắc, góp phần thu hút khách du lịch đến với Lạng Sơn, Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó sẽ tập trung khai thác những giá trị nổi trội và khác biệt, ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp kết hợp với du lịch một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện từng địa bàn.
“Để khai thác và phát triển du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch xanh một các bền vững tôi nghĩ rằng các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh nên tiếp tục mời các chuyên gia tới khảo sát hệ thống thảm thực vật, hang động… để có những định hướng đúng trong việc khai thác, phát triển các tài nguyên du lịch này. Tài nguyên du lịch xanh sẽ được phát huy tốt nếu chúng ta có chính sách hỗ trợ, có cơ chế quản lý tốt và chặt chẽ hơn. Đơn cử, tại các điểm du lịch nông thôn chúng ta có thể xây dựng các hợp tác xã du lịch, chia ra thành các tổ dịch vụ sao cho phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu của du khách như: tổ vận tải, vận chuyển; tổ lưu niệm; tổ cơ sở lưu trú phục vụ khách; tổ hướng dẫn viên địa phương…). Đồng thời, đảm bảo không tác động đến môi trường thiên nhiên, không phá hoại cảnh quan cũng như không làm mất đi nét đặc trưng của văn hóa bản địa. Nếu làm được như vậy, tôi tin du lịch Lạng Sơn sẽ phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám Đốc Viện Phát triển du lịch bền vững Việt Nam
Ngày 6/1/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khảo sát, đánh giá, thu thập dữ liệu hiện trạng phát triển du lịch nông thôn hiện nay trên địa bàn các huyện: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Đình Lập, Chi Lăng, trong đó tập trung đánh giá về cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch nông thôn, hiện trạng nguồn nhân lực du lịch nông thôn.
Bà Trần Thị Bích Hạnh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh cho biết: Trong năm 2023, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch đã triển khai các kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng) và xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng)… Theo đó, chúng tôi đã thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: tổ chức sản xuất ấn phẩm, vật phẩm phục vụ xúc tiến, quảng bá du lịch; Tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; tổ chức chương trình khảo sát, hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch phục vụ phát triển thị trường và sản phẩm du lịch; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý và phát triển du lịch; sản xuất phim ngắn để quảng bá, xúc tiến du lịch nông thôn… Bên cạnh đó, trong tất cả các gian hàng tham gia các sự kiện hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và quốc tế, trung tâm đều có gian trưng bày về các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh và các sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái của Lạng Sơn.
Cùng đó, UBND tỉnh đã lựa chọn 3 điểm ở 3 huyện Đình Lập, Hữu Lũng và Chi Lăng để chuẩn bị hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng nội dung tuyên truyền, xây dựng dữ liệu các địa điểm để phục vụ xúc tiến quảng bá điểm du lịch nông thôn. Cùng đó, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh đã in 2.000 tờ rơi, xây dựng 1 trang web quảng bá du lịch nông thôn, nông sản Xứ Lạng và dự kiến trong tháng 10/2023 sẽ tổ chức 2 lớp tập huấn cho các hộ dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng và Chi Lăng.
Với sự định hướng đúng đắn của UBND tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, tin tưởng rằng, du lịch xanh, đặc biệt là du lịch nông thôn, du lịch sinh thái gắn với các sản phẩm nông nghiệp tiếp tục được đầu tư ngày càng phát triển quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn và trở thành hướng đi triển vọng của du lịch Lạng Sơn. Qua đó, góp phần đạt được mục tiêu Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là “phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/du-lich/613648-p-2.html