Phát triển đúng hướng các loại cây trồng, con nuôi chủ lực

Để thúc đẩy hơn nữa việc sản xuất cây, con chủ lực cả trên quy mô lẫn năng suất, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Sau gần 3 năm thực hiện nghị quyết đã đem lại sự chuyển biến về chất trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 Cam Phủ Quỳ mang lại thu nhập hơn 120 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: HVA

Cam Phủ Quỳ mang lại thu nhập hơn 120 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: HVA

Nghị quyết 03 đã được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Quyết định số 23/2017/QĐUBND và sớm được triển khai rộng khắp, có tính lan tỏa trên các địa phương toàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, thông qua các hoạt động tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các cuộc hội nghị, họp dân để lồng ghép tuyên truyền và phổ biến Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Thông qua các cuộc họp cấp ủy đảng các cấp để phổ biến, quán triệt các nội dung về chủ trương, chính sách liên quan đến Nghị quyết 03 để cán bộ, công chức trong đơn vị nắm rõ nhằm phổ biến, quán triệt và tổ chức chỉ đạo, triển khai có hiệu quả nghị quyết.

Xác định “6 cây, 2 con” chủ lực được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh theo Nghị quyết 03 là lúa chất lượng cao, cà phê, hồ tiêu, cao su, cây đặc sản ăn quả, cây dược liệu, con bò và con tôm, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã xây dựng được những mô hình trọng điểm, được đông đảo nông dân ủng hộ. Thông qua chính sách khuyến khích phát triển đã tạo ra phong trào sản xuất sâu rộng, giúp người dân tiếp cận và làm chủ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Với nguồn hỗ trợ của Nghị quyết 03 và lồng ghép các nguồn vốn khác, đến năm 2019 toàn tỉnh tổ chức sản xuất được 34.060 ha lúa chất lượng cao, chiếm 67,5% tổng diện tích gieo trồng lúa, trong đó diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ 350 ha, lúa canh tác tự nhiên 67,6 ha, lúa sản xuất cánh đồng lớn 6.056,6 ha. Đặc biệt, mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ Obi-Ong biển (300 ha) tiếp tục khẳng định hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường, từng bước xây dựng thành công thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị. Mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu với diện tích 865 ha mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,2 - 1,5 lần so với sản xuất truyền thống, giảm đáng kể phát thải khí nhà kính nhờ áp dụng quy trình canh tác tiên tiến.

Đối với cây công nghiệp, chính sách của tỉnh đã hỗ trợ các mô hình tái canh cây cà phê, mỗi năm thực hiện được 300 ha, đến nay, cà phê tái canh đã phát triển tốt. Mô hình ứng dụng công nghệ mới để thâm canh tăng năng suất, chất lượng cho cây hồ tiêu mỗi năm triển khai được 4 ha với sự hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm, chứng nhận vùng sản xuất hồ tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm, hỗ trợ ứng dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ để phòng trừ các đối tượng dịch bệnh nguy hiểm, tạo hướng sản xuất hồ tiêu sạch, bền vững.

Mô hình cây ăn quả đặc sản và cây dược liệu được các địa phương triển khai có hiệu quả khi thực hiện ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên địa bàn với quy mô hỗ trợ mỗi năm 1 ha cây ăn quả đặc sản và 2 ha cây dược liệu. Qua đó, định hình và mở rộng quy hoạch diện tích trong giai đoạn tới.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, nhằm tạo vùng chăn nuôi bò hướng thịt, thâm canh bằng thụ tinh nhân tạo, các địa phương được hỗ trợ 50 bò nái hậu bị và hỗ trợ trồng cỏ 15 ha. Sở Nông nghiệp và PTNT đã khuyến cáo các địa phương đầu tư có trọng điểm nhằm nâng cấp chất lượng đàn bò lai zebu cao hơn ở các xã đã thực hiện thành công chương trình cải tạo đàn bò. Mức hỗ trợ 10 triệu đồng/con bò nái lai hậu bị và 1,3 triệu đồng/500m2 trồng cỏ. Các địa phương đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ và thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ. Chính sách hỗ trợ này phù hợp với nhu cầu của người chăn nuôi đã góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò theo hướng thâm canh. Ngoài ra, thông qua lồng ghép thực hiện chương trình khuyến nông chăn nuôi cải tạo đàn bò trong toàn tỉnh, đã phối giống có kết quả bằng thụ tinh nhân tạo cho hơn 10.900 bò nái, mỗi năm ra đời 9.500 bê lai.

Đối với nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh đã triển khai 5 mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ Biofloc với mức hỗ trợ sau đầu tư 400 triệu đồng/mô hình về cơ sở hạ tầng như ao, bể gieo, hệ thống mái che và sục khí. Các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, sản lượng bình quân đạt từ 20 - 25 tấn/ha, doanh thu 3 tỉ đồng, lợi nhuận bình quân 500 triệu - 1,1 tỉ đồng/ha. Các mô hình đang được các địa phương triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới.

Ngoài “6 cây, 2 con”, lĩnh vực lâm nghiệp cũng được chính sách của tỉnh hỗ trợ 50% giá giống tại thời điểm để trồng rừng gỗ lớn. Kế hoạch trồng rừng gỗ lớn bình quân hằng năm giao cho các địa phương hỗ trợ là 600 ha.

Việc thực hiện chính sách của Nghị quyết 03 nâng cao chất lượng sản xuất trong quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh với tổng diện tích các loại cây trồng chủ lực đến năm 2020 là cà phê 5.300 ha, hồ tiêu 2.533 ha; cao su 19.512 ha, cây ăn quả và cây dược liệu 6.433 ha, lúa chất lượng cao 34.500 ha. Tỷ lệ bò lai ze bu 54,8%; tôm thẻ 1.000 ha sản lượng đạt 6.000 tấn; tôm sú 500 ha đạt sản lượng 800 tấn. Với sự chủ động ứng dụng tiến bộ KHKT của ngành Nông nghiệp và PTNT để sản xuất cánh đồng lớn, cây trồng, con nuôi chất lượng cao; từng bước theo hướng sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ.

Đánh giá về hiệu quả thực hiện chính sách của Nghị quyết 03, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị Trần Thanh Hiền cho biết: “Sau gần 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ, các mô hình trọng điểm đã tạo dựng được thương hiệu sản phẩm, được tổ chức liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, được người tiêu dùng biết đến và được thị trường ưa chuộng như lúa chất lượng cao, gạo hữu cơ; chế biến dược liệu, phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả, cây gỗ lớn; chất lượng giá trị con tôm... Các mô hình điểm và các mô hình nhân rộng đã đem lại các tín hiệu tích cực trên cả 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, góp phần thúc đẩy công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với NTM của tỉnh”.

Đi đôi với việc hỗ trợ phát triển sản xuất các cây, con chủ lực, các hoạt động xúc tiến thương mại cũng được các ngành chức năng phối hợp triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh triển khai các hoạt động hội nghị kết nối cung cầu, giao lưu xúc tiến thương mại và tham gia hội chợ. Các hoạt động này đã đáp ứng được nhu cầu giới thiệu quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất. Thông qua các hoạt động đã góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh, phát triển thị trường, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, qua các lần tham gia hội chợ, triển lãm các đơn vị tham gia đã học tập, rút kinh nghiệm để phát triển sản phẩm. Một số đơn vị đã ký kết với các nhà phân phối lớn để đưa sản phẩm vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, hợp đồng đại lý… tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và tham gia xuất khẩu.

Thông qua triển khai các mô hình, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng, con nuôi chủ lực tạo sản phẩm có lợi cạnh tranh theo Nghị quyết số 03/2017/NQHĐND góp phần tác động đến tăng trưởng kinh tế; bảo vệ và phục hồi môi trường sinh thái. Đây là chính sách đúng đắn của HĐND tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển KT- XH, các mô hình đã hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tác động tích cực đến tiến trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh.

Trần Anh Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=149387