Phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

UBND tỉnh An Giang vừa triển khai Kế hoạch 269/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi năm 2030, giai đoạn I (2022-2025). Qua đó, nhằm xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người. Đồng thời, phát huy, nhân rộng giá trị tốt đẹp, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững của toàn xã hội. Chiến lược hướng tới thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em trong gia đình, ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đẩy mạnh giáo dục văn hóa truyền thống, xây dựng nhân cách con người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình…

Mục tiêu cụ thể, 80-90% cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện xây dựng kế hoạch triển khai chiến lược. Có 90% gia đình vùng DTTS và miền núi được bồi dưỡng và cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa dân tộc; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; đặc biệt quan tâm hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình DTTS.

Khoảng 80-90% địa phương có mô hình truyền thông, giáo dục về truyền thống văn hóa dân tộc, truyền thống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững; 80-90% trưởng khóm, ấp, người có uy tín (ở xã có đông đồng bào DTTS và miền núi sinh sống) được đào tạo, bồi dưỡng về giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới. Có 80-90% thanh niên vùng DTTS trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc…

Liên hoan văn hóa-nghệ thuật tái hiện đám cưới của đồng bào dân tộc Chăm

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường thực hiện chiến lược phát triển gia đình vùng DTTS và miền núi. Cơ quan công tác dân tộc địa phương tích cực tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể trong bồi dưỡng, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về xây dựng và phát triển gia đình.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống, phòng ngừa tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của gia đình, nhất là gia đình trẻ. Bên cạnh đó, giới thiệu gia đình DTTS tiêu biểu về văn hóa gia đình, ứng xử chuẩn mực; trang bị, phổ biến kiến thức, kỹ năng để các gia đình chủ động ngăn ngừa tệ nạn xã hội; giáo dục về Luật Hôn nhân và gia đình, kiến thức về bình đẳng giới, kế thừa và tiếp thu có chọn lọc giá trị truyền thống văn hóa của các DTTS. Định kỳ hàng năm, hướng dẫn, tổ chức chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình với nội dung thiết thực, phù hợp điều kiện thực tiễn.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu kế hoạch, UBND tỉnh An Giang yêu cầu nâng cao trách nhiệm xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình; chung tay giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong đồng bào DTTS. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp, cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực gia đình, nhất là phòng chống bạo lực gia đình. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về: Hôn nhân gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết; bình đẳng giới, nâng cao nhận thức để xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình cho đồng bào DTTS.

Đồng thời, tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, giá trị gia đình; phát huy vai trò của ông bà, cha mẹ trong giáo dục cho con cháu, tạo sự gắn kết, xây dựng nhân cách đạo đức, lối sống văn minh cho thế hệ trẻ thông qua sự phối hợp giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp, cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ xã, trưởng khóm, ấp, người có uy tín.

Tăng cường truyền thông về nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho gia đình DTTS về xây dựng hạnh phúc gia đình, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ, trẻ em DTTS; ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Huy động nguồn lực đầu tư, xã hội hóa tham gia cung cấp dịch vụ gia đình; chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình DTTS, tạo điều kiện để các gia đình tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ xã hội.

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-gia-dinh-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-a333561.html