Phát triển giá trị lý luận và thực tiễn của 'Lớp học đầu tiên thời dựng Đảng'
Chiều 20/1, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương phối hợp tổ chức (trực tiếp kết hợp trực tuyến) Hội thảo khoa học quốc gia 'Lớp học đầu tiên thời dựng Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn', nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mở lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên cho Đảng, tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Các đồng chí chủ trì hội thảo: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.
Đại diện lãnh đạo của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng các giảng viên, nhà khoa học và một số đại sứ quán, tham tán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam tham dự.
Tháng 11-1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu, Trung Quốc. Tại đây, Người đã vận động, tập hợp nhóm thanh niên trung kiên, có chí khí yêu nước và cách mạng thành lập tổ chức Cộng sản Đoàn, là tổ chức hạt nhân để tháng 6-1925, Người sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, đồng thời xuất bản báo Thanh Niên - cơ quan của Tổng bộ Thanh niên, để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, lý luận cách mạng về trong nước. Dưới sự lãnh đạo của Người, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã tổ chức một trường tuyên truyền, với mục đích huấn luyện, đào tạo họ thành những người mở đường và tổ chức lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện thắng lợi công cuộc cứu nước, giải phóng dân tộc.
Cuối năm 1925, tại Quảng Châu, lớp huấn luyện chính trị chính thức đầu tiên được tổ chức, mở ra một bước ngoặt mới trong quá trình tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng; chuẩn bị cho việc thành lập Đảng và công cuộc cứu nước, giải phóng dân tộc. Vượt qua mọi khó khăn, trong giai đoạn 1925-1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã mở được 10 lớp huấn luyện, mỗi lớp có từ 250 đến 300 học viên, học tập một tháng rưỡi. Đây là những khóa huấn luyện cán bộ chính quy đầu tiên, với cách thức tổ chức, huấn luyện học viên rất hệ thống, bài bản, toàn diện, thiết thực. Các học viên tham gia chương trình huấn luyện đã được khai mở tri thức về lịch sử cách mạng thế giới, lý luận Mác-Lênin, quan điểm cách mạng của Quốc tế cộng sản và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; được chú trọng trang bị kiến thức lý luận đi đôi với phương pháp tư duy và phương thức hoạt động cách mạng,... Từ đó hình thành thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng đúng đắn. Cũng từ đây, phong trào cách mạng Việt Nam đã bước sang một trang mới, một bước phát triển cả về chất và lượng, được trang bị về vũ khí tư tưởng-lý luận và về xây dựng đội ngũ, công tác tổ chức-cán bộ, tiền đề hết sức quan trọng tiến tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930.
Những bài giảng của Người tại các lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản thành tác phẩm Đường Kách mệnh (1927) - cuốn giáo trình đầu tiên cho công tác huấn luyện cán bộ của Đảng, trở thành một “bảo vật quốc gia”, tạo nên nền tảng tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, hội thảo “Lớp học đầu tiên thời dựng Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn”, là dịp để chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu và làm sâu sắc hơn truyền thống vẻ vang, pho lịch sử bằng vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có công tác huấn luyện cán bộ - công việc gốc của Đảng; về vai trò, tầm quan trọng chiến lược và ý nghĩa to lớn của công tác huấn luyện cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng thời, là dịp để cán bộ, đảng viên bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Người thày đầu tiên trong công tác huấn luyện cán bộ của Đảng.
Từ nhiều góc độ khác nhau, các báo cáo, tham luận gửi đến, trình bày tại hội thảo đã tập trung phân tích, làm sáng rõ tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện cán bộ.
Phân tích sâu những giá trị lý luận và thực tiễn của lớp học đầu tiên thời dựng Đảng, các đại biểu dự hội thảo thống nhất khẳng định, kế thừa, phát triển di sản to lớn từ những lớp học đầu tiên dành cho thế hệ cán bộ cách mạng thời dựng Đảng để không ngừng bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của cán bộ; coi người học là trung tâm, người thầy là động lực; cơ sở đào tạo là nền tảng.
Từ đó, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có bản lĩnh, lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu về lý luận, có phương pháp sư phạm, am hiểu thực tiễn. Đổi mới và đa dạng hóa phương thức đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế; đổi mới công tác đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng. Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nhất là hệ thống trường Đảng, trong đó Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đóng vai trò là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của hệ thống chính trị.