Phát triển giáo dục Hạ Long trong kỷ nguyên mới

Sáng 14/11, TP Hạ Long tổ chức Hội thảo khoa học 'Phát triển Giáo dục Hạ Long trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc'.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 400 đại biểu, trong đó có nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đầu ngành trong lĩnh vực GD&ĐT. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương và các thầy cô giáo trên địa bàn thành phố.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo. Đồng thời khẳng định, Hạ Long luôn xác định là địa phương có tính tiên phong, dẫn dắt, đột phá đi đầu trong các mục tiêu phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, giáo dục và đào tạo phải phát triển đột phá mới, nhất là trong đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục và đào tạo và cơ sở vật chất, thi đua dạy tốt, học tốt. Qua đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ngay từ bậc phổ thông, tạo nền tảng, nguồn nhân lực chất lượng cao, trí tuệ, văn minh, văn hóa, đủ đức, đủ tài cho thành phố, cho tỉnh và đất nước để cùng vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới.

 Lãnh đạo TP Hạ Long tặng hoa chúc mừng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, giáo viên đang công tác trong ngành GD&ĐT thành phố.

Lãnh đạo TP Hạ Long tặng hoa chúc mừng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, giáo viên đang công tác trong ngành GD&ĐT thành phố.

Năm 2024, toàn thành phố có 117 trường học, gần 100.000 học sinh. Thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2.

Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 100%. Đồng thời, thành phố luôn là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng và số lượng học sinh giỏi các cấp...

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD&ĐT của thành phố cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ như: Việc phân cấp, phân quyền của Trung ương cho cấp tỉnh, cấp huyện ở một số lĩnh vực chưa triệt để, còn bất cập, nhất là trong quản lý, sử dụng biên chế cán bộ, công chức, viên chức.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập. Việc phát triển, thu hút người có đức, có tài, giữ chân, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành GD&ĐT với mức thu nhập chưa đủ sức cạnh tranh so với mặt bằng chung của thành phố…

Tại phiên làm việc thứ nhất, Hội thảo đã cùng lắng nghe 4 báo cáo khoa học về GĐ&ĐT trong kỷ nguyên mới của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Trong phiên thảo luận thứ hai của Hội thảo, các đại biểu là giáo viên, cán bộ quản lý các trường học trên địa bàn thành phố đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ đơn vị về các mô hình giáo dục thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng AI, dạy học ngoại ngữ và kỹ năng mềm, chính sách thu hút nhân tài...

Đặc biệt, các bài tham luận và phát biểu thảo luận tại Hội thảo đều được chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ là những kinh nghiệm hết sức quý báu, tâm huyết để TP Hạ Long định vị rõ hơn về vai trò, vị trí của GD&ĐT trong giai đoạn mới, từ đó tiếp tục đề ra các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp, cụ thể để phát triển sự nghiệp giáo dục của thành phố và quản trị địa phương ngày càng hiệu quả hơn.

Minh Cương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phat-trien-giao-duc-ha-long-trong-ky-nguyen-moi-post708533.html