Phát triển giáo dục miền núi và vùng DTTS: Rà soát chính sách tránh chồng chéo
Ngành giáo dục nói chung và Bộ Giáo dục và Đào tạo nói riêng cần có sự rà soát nghiêm túc, kỹ lưỡng các chính sách đã ban hành để tránh chồng chéo, lãng phí.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã có những tiến bộ rõ rệt, giảm đáng kể tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học và tăng tỷ lệ học sinh hoàn thành, tốt nghiệp các cấp học. Tuy nhiên, ngành giáo dục ở các địa phương này vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Để tìm ra những “chìa khóa” giúp cho giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, kéo gần khoảng cách chênh lệch với giáo dục miền xuôi, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi cùng Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế để lắng nghe những chia sẻ về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu, nhờ sự quan tâm đầu tư và các chính sách hỗ trợ đặc thù mà giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những khởi sắc lớn. Đại biểu có thể chia sẻ những ấn tượng của mình về kết quả đạt được của giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong thời gian vừa qua?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu: Như chúng ta đã biết, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới việc phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo. Thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển, sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã có những chuyển biến rõ nét.
Cụ thể, mạng lưới, quy mô trường lớp các cấp học từ mầm non đến phổ thông tăng; số lượng trường học, phòng học kiên cố ngày càng nhiều. Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục được đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc, tạo điều kiện cho các trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và hoàn thiện dần mạng lưới cơ sở giáo dục ở các địa phương. Cùng với đó, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi ngày được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục.
Ngoài ra, từ khi có mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và các chính sách hỗ trợ đi kèm, vấn đề tiếp cận công bằng trong giáo dục và chất lượng giáo dục đại trà ở các địa phương này đã được cải thiện đáng kể.
Chất lượng giáo dục ngày một đi lên cũng là điều kiện tạo nguồn cán bộ cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số khó khăn. Và chúng tôi rất vui mừng khi ở nhiều vùng sâu, vùng xa có các cá nhân điển hình trên nhiều lĩnh vực, các nhà khoa học, giảng viên là người miền núi, dân tộc thiểu số. Đây là thành quả của sự đầu tư phát triển giáo dục đối với các địa phương này. Đặc biệt, từ các cá nhân điển hình đã thôi thúc, tạo sức lan tới cộng đồng chăm chỉ phấn đấu, vươn lên.
Nếu không có chủ trương, đường lối của Đảng cùng với các chính sách pháp luật của Nhà nước thì người dân, đặc biệt là học sinh các vùng này ít có và khó có cơ hội tiếp cận với sự phát triển, nền văn minh của thế giới nói chung và quốc gia nói riêng.
Phóng viên: Giáo dục miền núi đã có những khởi sắc rõ nét tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn, theo Đại biểu đó là những gì?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu: Trước hết, một trong những khó khăn vô cùng nan giải và là khởi nguồn của phần lớn chông gai đến từ sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên. Mỗi lần có thiên tai, mưa lớn kèm với lũ quét, sạt lở đất tàn phá bản làng dọc các tỉnh từ miền núi phía Bắc vào đến miền Trung. Để lại sau đó, nhiều điểm trường đã biến mất sau lũ, nhiều phòng học kiên cố bị vùi lấp trong bùn và đất đá, phần lớn trang thiết bị dạy- học của thầy và trò bị phá hủy ... khiến cho cơ sở vật chất của giáo dục vùng cao vốn đã thiếu thốn lại càng thiếu và yếu hơn.
Những lúc như vậy, việc học của học sinh sẽ bị gián đoạn, địa phương và Nhà nước sẽ phải đầu tư kinh phí để khôi phục trường, lớp. Giáo viên, đặc biệt là các giáo viên từ miền xuôi lên và học sinh khó mà an tâm với việc dạy và học.
Thứ hai, trang thiết bị dạy học ở các trường vùng cao chậm đáp ứng được nhu cầu công nghệ thông tin hiện đại. Nhất là vừa rồi, tác động của dịch Covid-19 bắt buộc học sinh phải tiến hành học trực tuyến bằng thiết bị thông minh và mạng internet. Tuy nhiên, rất nhiều hộ gia đình ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số khó khăn không đáp ứng được điều kiện cho con học. Vì vậy, nhiều học sinh không theo được chương trình học, chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng, không đồng bộ.
Thứ ba, một khó khăn nữa đến từ nhận thức và nhu cầu học tập của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao cộng thêm những thiếu thốn trong đời sống vật chất và rào cản từ giao thông đi lại khiến tỷ lệ học sinh ra lớp đúng độ tuổi còn hạn chế.
Bên cạnh đó, sự kết hợp ba môi trường là nhà trường - gia đình - xã hội chưa có sự duy trì thường xuyên nên đôi khi mất rất nhiều thời gian thuyết phục, tuyên truyền để đạt được sự đồng bộ, đồng thuận cho vấn đề giáo dục con em của mình, tương lai của đất nước.
Thứ tư, khó tạo môi trường học tập mang tính chất cạnh tranh, không có nhiều môi trường, nhiều mô hình, cách học tập như ở thành thị cho học sinh lựa chọn. Chưa kể, do điều kiện thiếu thốn, việc học sinh các vùng này xem được thông tin về các gương điển hình còn ít ỏi. Vì vậy, việc học tập nhau, nêu gương và noi gương còn hạn chế.
Thứ năm, gặp nhiều khó khăn khi thực hiện phổ cập giáo dục mầm non. Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2023-2030” đang hoàn thiện được kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các nhóm tuổi trong bậc mầm non. Tuy nhiên, việc tiến hành phổ cập còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với các khu vực khu vực vùng cao, biên giới do không đáp ứng được điều kiện về cả nhân lực lẫn vật lực.
Thứ sáu, nguồn giáo viên, tập thể lãnh đạo quản lý về đây cống hiến còn hạn chế. Đặc biệt, nguồn lực chất lượng cao khó chọn miền núi để làm nơi công tác. Họ thường có xu hướng chọn thành thị - nơi có nhiều đãi ngộ, nhiều môi trường để lựa chọn thử sức, cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội để nâng chất lượng của mình lên.
Qua nhiều lần tham gia cùng các đoàn giám sát, tôi thấy rằng, ngành giáo dục các tỉnh vùng dân tộc thiểu số, miền núi hầu hết phải đối diện với tình trạng thiếu giáo viên mầm non. Hơn nữa, năng lực và chuẩn đào tạo, kỹ năng sư phạm của một bộ phận nhà giáo vùng cao còn yếu, các thầy cô chưa có nhiều điều kiện để tiếp cận phương pháp giảng dạy mới…
Phóng viên: Trước những bất cập, khó khăn, ở góc độ chính sách, theo Đại biểu, cần có những giải pháp như thế nào để khắc phục tình trạng trên?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu: Thực tế hiện nay, có những nội dung cần thiết thì chưa có chính sách. Có những chính sách còn chồng chéo nhau về đối tượng, bậc học,... Vì vậy, ngành giáo dục nói chung và Bộ Giáo dục và Đào tạo nói riêng cần có sự rà soát nghiêm túc, kỹ lưỡng các chính sách đã ban hành dưới hình thức luật, nghị định, hướng dẫn liên quan đến kế hoạch tài chính, đầu tư, xây dựng,...để tránh chồng chéo chính sách, lãng phí nhiều mặt.
Chúng ta luôn phải xác định, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển nên cần tính toán, đặt ra mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để hoàn thành tốt nhất định hướng đề ra ban đầu.
Muốn đi đúng định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì không thể thiếu các trang thiết bị phục vụ chương trình. Dù đã có các hướng dẫn sử dụng trang thiết bị rất chi tiết và đầy đủ nhưng đến nay, việc cung ứng trang thiết bị chương trình mới vẫn không thể theo kịp thời gian bắt đầu thực hiện. Cụ thể, nhiều trường học còn chưa có trang thiết bị mới của chương trình lớp 3, lớp 7, lớp 10.
Các trường học được xây dựng thành lập lâu năm thì vẫn còn những trang thiết bị cũ có thể kế thừa nhưng sự kế thừa sẽ không nhiều vì phương pháp của chương trình mới khác với chương trình cũ. Vì vậy, cần có chính sách hướng dẫn cụ thể việc mua bán và cung cấp thiết bị công để có sự thực hiện, cung ứng đồng bộ.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến hoàn thiện Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2023-2030”, tuy nhiên, theo tôi, đối tượng trẻ dưới 3 tuổi cũng cần được quan tâm, giáo dục. Đây là đối tượng phải được đầu tư về dinh dưỡng để các em phát triển toàn diện cả thể cao và cân nặng. Vì vậy, chúng ta cần tính đến việc xây dựng chương trình cho trẻ dưới 3 tuổi và có phương pháp giáo dục phù hợp với trẻ ở từng lứa tuổi.
Phóng viên: Được biết, bản thân Đại biểu cũng là người dân tộc thiểu số, người trực tiếp được nhận những tác động của các chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước. Vậy Đại biểu có kiến nghị, đề xuất gì để giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số ngày càng phát triển?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu: Là người con dân tộc Tà Ôi, được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để trau dồi tri thức, mở mang tầm nhìn ra bên ngoài, tiếp thu nền văn minh nhân loại. Tôi vô cùng biết ơn và tự hào!
Đứng trên cương vị là Đại biểu Quốc hội, tôi cho rằng, để giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số phát triển thì các cấp, các ngành cần tăng nguồn đầu tư cho công tác phát triển giáo dục; có những chính sách đãi ngộ thu hút người giỏi đến công tác, cống hiến cho giáo dục miền núi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách pháp luật về giáo dục căn cốt, tổng thể, toàn diện để làm nền tảng pháp lý phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong từng giai đoạn.