Phát triển giao thông, du lịch trên sông Sài Gòn: Trên bến dưới thuyền và hơn thế nữa!

Tin tưởng rằng lễ hội sông nước của TPHCM mới đây, trở thành 'cú hích' để sông Sài Gòn thức giấc, vươn mình sau hàng chục năm trời 'ngủ quên'. Không nhiều đô thị trên thế giới có được mạng lưới sông rạch đan xen với mật độ dày như ở TPHCM. Do vậy, chưa khai thác hết tiềm năng từ thế mạnh sông nước thì thật tiếc.

Trải nghiệm ở nước bạn

Tôi được 2 lần dạo chơi trên sông Chao Phraya (Bangkok - Thái Lan). Dòng sông tuy không rộng và sâu, nhưng được tận dụng rất khéo phục vụ cho giao thông đường thủy và du lịch.

Chỉ riêng cảnh quan 2 bên bờ sông cũng đủ khiến du khách liên tục "selfie". Những tòa nhà nằm cạnh sông không được phép xây quá 5 tầng. Nhờ vậy, ngồi trên thuyền thoải mái phóng tầm mắt ngắm cảnh thủ đô. Ngược lại, khi đứng trên khách sạn cách khá xa, khách vẫn nhìn thấy con sông và tận hưởng gió mát mang hơi nước thổi vào.

Vị trí đắc địa ven sông được nước bạn ưu tiên cho các công trình công cộng. Nhiều khu vui chơi giải trí ngoài trời kết hợp mua sắm, thường đông nghịt người từ chiều đến khuya. Buổi tối có thêm hoạt động của các nhà hàng nổi, nơi khách du lịch được tha hồ ăn uống, ca hát suốt đêm mà không lo gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến cộng đồng. Không khí vui nhộn "trên bến, dưới thuyền" vì vậy đã giúp "níu chân" người đến.

Dĩ nhiên, không thiếu những ngôi chùa nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông. Chùa ở Thái Lan luôn là điểm đến hấp dẫn thu hút khách thập phương. Sự thú vị càng tăng thêm khi viếng thăm chùa bằng đường thủy.

Ấn tượng nhất với dòng sông này là "ba không": không mùi, không rác, không màu. Trước khi xuống thuyền, khách được mua loại bánh mì dành riêng cho cá. Chạy đến khu vực được phép dừng lại, tài công cho tàu đậu vài phút để du khách cho cá ăn và ghi hình. Một miếng bánh thả xuống, hàng trăm chú cá trên 5kg ngoi lên "nhận quà”. Hình ảnh này cũng đã chứng minh tuyệt đối không có nạn đánh bắt cá trái phép.

Sông Chao Phraya ở Bangkok - Thái Lan

Sông Chao Phraya ở Bangkok - Thái Lan

Bangkok vốn nổi tiếng với "đặc sản" kẹt xe ở giao thông đường bộ. Vì vậy, chính quyền thành phố đã khai thác tối đa lợi thế từ giao thông đường thủy, phục vụ vận chuyển khách và hàng hóa, giảm áp lực cho đường bộ. Nhiều cư dân bản địa hằng ngày di chuyển với đủ loại hình phương tiện công cộng: tàu chở khách trên sông, xe buýt, metro.

Đưa cư dân gần với sông nước

TPHCM có quá nhiều lợi thế khi được "mẹ thiên nhiên" ban tặng 2 con sông: Sài Gòn, Đồng Nai cùng hệ thống kênh rạch kết nối. Lâu nay, có vẻ như chúng ta mãi tập trung trên đường bộ, vô tình khiến sông nước rơi vào lãng quên.

Muộn còn hơn không! Năm ngoái, lãnh đạo thành phố tổ chức chuyến khảo sát trên sông. Cách đây không lâu, lại có chuyến tham quan thú vị trên sông Seine (Paris - Pháp) thơ mộng. Kết quả, đã triển khai nhiều nội dung thiết thực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhân dân và du khách "chạm" đến sông nước.

Những hoạt động trên sông vừa qua cho thấy kết hợp "ba trong một" hoàn toàn khả thi: biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao, du lịch và ẩm thực. Trước đó, lễ hội khinh khí cầu cũng đã nhận được những lời khen ngợi, bày tỏ mong muốn duy trì. Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày cũng là cơ hội tốt để tổ chức các chương trình chào mừng. Cơ quan chức năng đã sớm có ý tưởng thực hiện.

Sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP.Thủ Đức, TPHCM

Sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP.Thủ Đức, TPHCM

Mong đợi nhiều hơn của người dân nằm ở không riêng dịp lễ, Tết. Những ngày nghỉ cuối tuần cũng cần có các hoạt động đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, vận động thể chất. Sân khấu nhạc nước tối thứ 6, thứ 7, tại sao không? Sẽ thật hấp dẫn khi hình thành khu trưng bày, triển lãm sản phẩm từ những nghề truyền thống. Các cuộc thi đấu thể thao diễn ra bên bờ sông vào sáng chủ nhật, đều trong tầm tay nếu có đơn vị đứng ra khởi xướng.

Giao thông đường thủy đã và đang được quan tâm đẩy mạnh. Những con tàu cao tốc chở khách đi Vũng Tàu, Côn Đảo, về miền Tây liên tục rẽ sóng. Phát triển thêm các tuyến giao thông thủy về phía thượng nguồn, cập bến những địa điểm tham quan ở Củ Chi, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai cũng có tác dụng "chia lửa" với giao thông đường bộ đang quá tải.

Tuyến tàu buýt trên sông hiện nay đã chạy cả ban đêm, lượng khách đi tàu ngày càng tăng. Tuy nhiên, với bản đồ sông rạch của thành phố đa dạng mà mới chỉ có một tuyến tàu buýt là quá ít. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia khai thác, mở rộng phạm vi chạy tàu là việc rất đáng nên làm. "Taxi đường sông", có thêm dịch vụ này lại càng tuyệt vời hơn.

Một lợi thế không nhỏ nữa khi nhiều cây cầu vừa hiện đại, vừa thẩm mỹ đã được đưa vào sử dụng. Thành phố chuẩn bị khởi công nhiều cầu khác cùng các con đường ven sông. Không chỉ đơn thuần "giúp người sang sông", những chiếc cầu nối đôi bờ sông sẽ đóng vai trò một điểm nhấn độc đáo, khiến du khách không muốn bỏ qua.

Cũng không cần phải tiến hành đồng loạt, những gì ít tốn thời gian nên triển khai trước. Tăng thêm sản phẩm du lịch không thể thiếu sự hiện diện của sông nước.

AN HÒA - THANH BÌNH

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/tren-ben-duoi-thuyen-va-hon-the-nua_152066.html