Phát triển giao thông ở Hưng Yên

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy Hưng Yên, nhiều tuyến đường bộ quan trọng ở tỉnh được đầu tư xây dựng, khi đi vào hoạt động đã kết nối, liên thông tương đối hoàn chỉnh giữa hệ thống giao thông trong tỉnh Hưng Yên với các tuyến đường trong khu vực và quốc gia, tạo nền tảng cho sự phát triển mới ở tỉnh Hưng Yên.

Cải tạo, nâng cấp đường ruộng trên đê tả sông Luộc (Hưng Yên).

Cải tạo, nâng cấp đường ruộng trên đê tả sông Luộc (Hưng Yên).

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy Hưng Yên, nhiều tuyến đường bộ quan trọng ở tỉnh được đầu tư xây dựng, khi đi vào hoạt động đã kết nối, liên thông tương đối hoàn chỉnh giữa hệ thống giao thông trong tỉnh Hưng Yên với các tuyến đường trong khu vực và quốc gia, tạo nền tảng cho sự phát triển mới ở tỉnh Hưng Yên.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: huy động các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị, nhất là giao thông là một trong ba khâu đột phá của tỉnh. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 4-10-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 18 về Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Các cấp, ngành ở tỉnh Hưng Yên đã cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU: hoạch định đầu tư phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, toàn diện, từng bước hiện đại và bền vững, bảo đảm sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải; gắn kết giữa các địa phương, giữa đô thị và nông thôn, nhất là với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực Bắc Bộ. Tập trung hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động các tuyến đường quan trọng: tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; cầu Hưng Hà; cầu La Tiến, đường tỉnh lộ 200, đường đê tả sông Hồng, đường đê tả sông Luộc, đường trục kinh tế bắc - nam… Đây là điểm đột phá về giao thông, kết nối hệ thống đường trong tỉnh Hưng Yên với các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, các đường vành đai của thủ đô, các đô thị lớn, cảng biển, sân bay ở khu vực miền bắc; tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống đường giao thông nông thôn, được hỗ trợ phát triển theo hình thức: đường xã, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%; đường thôn, đường ra đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%; xây dựng cầu, 100% ngân sách tỉnh. Chương trình hỗ trợ 100% vật liệu, xi-măng của tỉnh để xây dựng đường ngõ, xóm và đường ra đồng; huyện hỗ trợ cát vàng; nhân dân đóng góp công sức, hiến đất... Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã khơi dậy phong trào xây dựng và phát triển giao thông nông thôn rộng khắp, toàn tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn 2016-2020 đã cải tạo, nâng cấp được hơn 189 km đường huyện lộ và 14 cầu; hơn 241 km đường xã; hơn 621 km đường trong thôn, xóm, trục chính nội đồng. Các tuyến đường liên xã được cứng hóa trải nhựa hoặc bê-tông đạt 99,2%; đường trong thôn, xóm và các tuyến đường trục chính nội đồng cứng hóa đạt 84,3%. Số xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến nay là 145 xã, đạt tỷ lệ 100%. Sự đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông theo Nghị quyết số 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa 18 đã giúp mạng lưới giao thông của tỉnh Hưng Yên kết nối với hệ thống trong khu vực và quốc gia tốt hơn, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 18 đề ra.

Tỉnh Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, hiện có 10 khu công nghiệp cho nên mạng lưới giao thông của tỉnh Hưng Yên cần được xây dựng và kết nối tốt hơn nữa với hệ thống giao thông lớn của Thủ đô Hà Nội và khu vực. Với phương châm “Giao thông đi trước một bước”, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên Trần Minh Hải cho biết: Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, hoạt động vận tải phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, theo từng giai đoạn, từng thời kỳ. Tập trung huy động nguồn lực, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp đầu tư hoàn thiện giai đoạn hai tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường trục bắc - nam tỉnh Hưng Yên; cải tạo, nâng cấp ĐT.379 theo quy mô cấp II; đường vành đai 3,5; vành đai 4; đường nối vành đai 5 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đầu tư hoàn chỉnh ĐT.382B dọc hai bên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... Chú trọng và đẩy mạnh khai thác nguồn vốn của các nhà đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BT cho các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA và các nguồn vốn khác... Có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư BT, BOT các dự án trên địa bàn tỉnh, có chính sách phù hợp theo quy định để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án bảo đảm tiến độ, hiệu quả đầu tư. Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn của tỉnh; dành quỹ đất hợp lý cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông...

PHẠM HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/44193802-phat-trien-giao-thong-o-hung-yen.html