Phát triển giao thông ở sân bay Tân Sơn Nhất - Bài 1: Nhiều dự án chờ mặt bằng
Dù quy hoạch và được quan tâm đầu tư nhằm đồng bộ với việc đưa vào khai thác Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhưng các dự án đến nay vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng Cảng hàng không để đáp ứng sản lượng 50 triệu hành khách/ năm.
Đây là khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, các ngày lễ tết. Khi quy mô Cảng hàng không được mở rộng, áp lực giao thông quanh khu vực này sẽ rất lớn.
Theo Quy hoạch chi tiết của Bộ Giao thông Vận tải, công trình hạ tầng giao thông quanh sân bay được quy hoạch, đầu tư để đồng bộ với việc nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án vẫn chưa thể triển khai, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Bài 1: Nhiều dự án chờ mặt bằng
Không chỉ là dự án nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, các dự án hạ tầng giao thông quanh khu vực sân bay được xem là trọng điểm của Chương trình đột phá giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông của Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016 – 2020. Tuy nhiên, gần hai năm sau khi công bố điều chỉnh chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất, phần lớn các dự án hạ tầng kết nối trong khu vực vẫn nằm chờ…
* Quy hoạch bài bản
Trong Chương trình đột phá giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 – 2020, Tp. Hồ Chí Minh đã đầu tư nhiều dự án quan trọng tại khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Các dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp giảm áp lực giao thông trong khu vực, nhất là giờ cao điểm, các ngày lễ, Tết.
Cụ thể, Thành phố đã đưa vào khai thác cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn – đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành Đai ngoài, giao khác mức trực thông bằng cầu vượt một chiều dạng chữ Y theo hướng đường Trường Sơn vào Nhà ga quốc nội và Nhà ga quốc tế; hoàn thiện toàn bộ dự án cầu vượt nút giao Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm.
Thành phố cũng đã hoàn thiện toàn bộ dự án xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; cầu vượt thép tại nút giao Ngã 6 Gò Vấp; hầm chui tại nút giao thông An Sương… Cùng với đó, dự án cải tạo, mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ ranh công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn vuốt nối Phổ Quang hiện hữu), vốn đầu tư 166 tỷ đồng, hiện thi công đạt khoảng 90%.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, Thành phố đã tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm. Các dự án này góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông tại nhiều khu vực như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái.
Cùng với các dự án đã và đang thực hiện, trong Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, giao thông quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất được quy hoạch khá bài bản, đồng bộ với hệ thống các đường, trục ra vào Cảng. Các dự án được quy hoạch nhằm khai thác, phát triển các tuyến đường hiện hữu nhằm giảm áp lực giao thông cho trục chính đường Cộng Hòa.
Các dự án nổi bật như trục nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa, qua Phan Thúc Duyện, đường 18E, đường C2 và đường C12, với quy mô 4 - 6 làn xe; dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và đường Thân Nhân Trung với quy mô 4 làn xe, mở rộng đường 18E với quy mô 4 - 6 làn xe; nghiên cứu bổ sung cầu vượt trên cao đoạn từ Phan Thúc Duyện qua Trần Quốc Hoàn, Thăng Long đến khu vực sân bóng Chảo Lửa, để kết nối giao thông từ khu vực trung tâm thành phố đến nhà ga hành khách T3…
Ngoài ra, hàng loạt các dự án “vệ tinh” cũng được quy hoạch đầu tư như nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ); nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa); mở rộng đường Tân Sơn…
*Nhiều vướng mắc
Tuy nhiên, dù quy hoạch và được quan tâm đầu tư nhằm đồng bộ với việc đưa vào khai thác Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhưng các dự án đến nay vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Theo ông Phan Công Bằng, trong các công trình trọng điểm, chi phí cho giải phóng mặt bằng là rất lớn (chiếm tỷ trọng trên 50% tổng mức đầu tư) và mất rất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công (thời gian từ 14 – 18 tháng, thậm chí có dự án kéo dài từ 2 - 3 năm).
Các dự án chậm triển khai do bồi thường giải phóng mặt bằng tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất như: mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, đường Cộng Hòa, đường Trường Chinh, đường Tân Kỳ Tân Quý…
Trong 12 án hạ tầng giao thông tiêu biểu gặp khó khăn, vướng mắc do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp. Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) quản lý, có 2 dự án khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng Doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa và dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long.
Cả hai dự án rất quan trọng này đều dự kiến khởi công trong năm 2020, nhưng gặp vướng mắc trong quá trình phê duyệt đơn giá bồi thường.
Cụ thể, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa dài 783 m, rộng 22 m, với tổng mức đầu tư hơn 254 tỷ đồng, được phê duyệt ngày 28/10/2016. Hiện dự án đã lựa chọn xong nhà thầu và ký hợp đồng các gói thầu xây lắp, gói thầu Tư vấn giám sát. Thời gian thi công dự kiến chỉ 6 tháng, nhưng đến nay chưa khởi công do chờ giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long được duyệt chủ trương đầu tư 21/4/2016, chiều dài 133m; mở rộng mặt đường 14m đến 19m. Dự án đã có quyết định đầu tư và duyệt bản vẽ thiết kế thi công.
Về việc bồi thường giải phóng mặt bằng hai dự án này, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 4186/QĐ-UBND ngày 3/10/2019 và Quyết định số 5286/QĐ-UBND ngày 16/12/2019 phê duyệt phương án hệ số điều chỉnh giá đất. Tuy nhiên, Ban Giao thông (chủ đầu tư) cho biết, đến nay chưa phê duyệt phương án bồi thường nên UBND quận Tân Bình đang báo cáo UBND Thành phố xin gia hạn thời gian Quyết định phê duyệt phương án hệ số điều chỉnh giá đất.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng phối hợp với UBND quận Tân Bình vận động Sư đoàn 367 giao đất trước. Tuy nhiên, Sư đoàn 367 chỉ đồng ý giao đất khi ban hành quyết định thu hồi đất. Theo Ban Giao thông, thời gian từ lúc phê duyệt phương án hệ số điều chỉnh giá đất đến nay quá lâu nên phải xin ý kiến UBND thành phố về việc tiếp tục sử dụng hệ số điều chỉnh được duyệt tại quyết định số 4186/QĐ-UBND và quyết định số 5286/QĐ-UBND.
Đến cuối năm 2019, số lượng hành khách qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt khoảng 40 triệu hành khách/ năm, vượt xa công suất thiết kế, nên gây ùn tắc giao thông trên các tuyến đường như Trường Sơn, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Bạch Đằng… Do vậy, cần những “đột phá” trong chính sách, đầu tư để tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng, tạo đồng bộ với sự phát triển của Cảng hàng không này./.
Bài 2: Dồn lực cho các công trình cấp bách