Phát triển hạ tầng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn mới

Cùng với đầu tư cho nghiên cứu thì việc phát triển hạ tầng khoa học công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất nước.

Kết nối, hợp tác với các tổ chức khoa học là giải pháp để phát triển tiềm lực KH-CN của Đồng Nai. Trong ảnh: Sở KHCN ký kết hợp tác với Cục Phát triển doanh nghiệp và thị trường KH-CN. Ảnh: Đ.Lê

Kết nối, hợp tác với các tổ chức khoa học là giải pháp để phát triển tiềm lực KH-CN của Đồng Nai. Trong ảnh: Sở KHCN ký kết hợp tác với Cục Phát triển doanh nghiệp và thị trường KH-CN. Ảnh: Đ.Lê

Lấy KH-CN là khâu đột phá, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp, nhà khoa học hiến kế để Đồng Nai phát triển đang là ưu tiên của tỉnh hiện nay.

* Lấy KH-CN làm khâu đột phá

Hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, thời gian đưa ứng dụng vào cuộc sống ngày càng rút ngắn và tạo ra tiềm lực, vị thế phát triển cho quốc gia. Thực tế đã chỉ rõ, trên thế giới, các cường quốc kinh tế, cường quốc quân sự đều là những cường quốc về KH-CN.

Tại Việt Nam, mặc dù KH-CN đã có những sự phát triển vượt bậc song so với trình độ chung của thế giới vẫn còn chưa theo kịp yêu cầu. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Đây là chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với KH-CN mà còn với toàn thể hệ thống chính trị bởi vai trò của KH-CN và đổi mới sáng tạo trong 10 năm tới, là đột phá chiến lược, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo đó, chiến lược xác định đến năm 2030, KH-CN và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Tiềm lực, trình độ KH-CN đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực KH-CN đạt trình độ quốc tế.

Tiềm năng, lợi thế so sánh của Đồng Nai là rất lớn song địa phương cũng phải khẳng định vị thế của mình. Tiếp xúc với các doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ quan điểm ưu tiên phát triển những ngành công nghệ cao, có hàm lượng KH-CN mới và sự đổi mới, sáng tạo. Trong chiến lược phát triển của mình, Đồng Nai rất mong muốn cộng đồng doanh nghiệp có những ý tưởng mới, có tính khả thi cao làm tiền đề cho các dự án, công trình hoạt động tạo nên điểm nhấn của địa phương.

Với Đồng Nai, theo Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng KH-CN và đổi mới sáng tạo. Trong đó có việc chuyển đổi Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai thành Khu công nghệ cao Đồng Nai, tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp ứng dụng bức xạ hạt nhân trong y tế, công nghệ sinh học, biến đổi duy trì các gen sinh vật bản địa có giá trị đặc trưng và hiệu quả kinh tế cao.

Hình thành công viên KH-CN, bảo tàng KH-CN, trung tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm bằng xã hội hóa từ các viện, trường, doanh nghiệp. Nghiên cứu thành lập Trung tâm robot công nghiệp tỉnh Đồng Nai, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và các hoạt động đổi mới sáng tạo, đào tạo kỹ thuật gắn với công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đồng Nai cũng sẽ phát triển hệ thống phòng thí nghiệm các tổ chức KH-CN đặc biệt của các Trung tâm
KH-CN; Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai làm cơ sở ưu tiên hỗ trợ nguồn lực gắn với các nhóm nghiên cứu mạnh, nhà khoa học, nhà công nghệ giỏi; đẩy mạnh phát triển thị trường KH-CN và ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực.

* Khuyến khích doanh nghiệp hiến kế cho địa phương

Song song với việc phát triển hạ tầng cứng cho KH-CN và đổi mới sáng tạo thì nguồn lực con người cũng rất quan trọng, có thể nói mang tính quyết định cho sự thành công của các chiến lược. Đến nay, nguồn nhân lực KH-CN của địa phương tăng về số lượng và được đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; trình độ, năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu của đội ngũ cán bộ được nâng lên. Đồng Nai đã hình thành một mạng lưới tổ chức KH-CN đa dạng gồm hơn 23 tổ chức (trong đó có 14 tổ chức công lập và 9 tổ chức ngoài công lập) với 1.224 cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đội ngũ này trực tiếp chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp tỉnh, khẳng định nhu cầu thị trường đối với hoạt động nghiên cứu và dịch vụ (chuyển giao công nghệ, tư vấn,…), góp phần trong việc thực hiện xã hội hóa hoạt động KH-CN của tỉnh.

Sở KH-CN ký kết hợp tác với Trường đại học Nguyễn Tất Thành trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo

Sở KH-CN ký kết hợp tác với Trường đại học Nguyễn Tất Thành trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo

Đồng Nai là địa phương có khoảng 50 ngàn doanh nghiệp đã đăng ký thành lập và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nên tiềm lực của doanh nghiệp là rất lớn, nhất là trong bối cảnh tỉnh đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong tất cả các ngành kinh tế.

Nếu như năm 2015, giá trị sản xuất nhóm ngành công nghệ cao chỉ chiếm tỷ trọng 1% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, thì đến năm 2020, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đạt 3,23% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng các quy trình quản lý chất lượng và công cụ năng suất trong giai đoạn 2016-2020 đạt 84,9%, góp phần giảm chi phí không mong muốn trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao số lượng và chất lượng của sản phẩm.

Trong tương lai, đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết, nhất là đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Theo Sở KH-CN, hiện Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Đồng Nai bước vào giai đoạn mới, cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, startup và các chủ thể khác trong hệ sinh thái. Sở sẵn sàng làm cầu nối để tập hợp các nguồn lực, kết nối địa phương với khu vực, quốc gia, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước. Mục tiêu là nhằm hỗ trợ kết nối các đề án, dự án, ý tưởng khả thi để kêu gọi vốn hỗ trợ. Phấn đấu đến năm 2025 đưa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh nằm trong tốp 5 cả nước.

Đào Lê

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202305/phat-trien-ha-tang-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-trong-giai-doan-moi-3166614/