Phát triển hạ tầng đáp ứng tốc độ tăng trưởng du lịch

Mặc dù giá phòng khách sạn năm sao cao gấp đôi Băng-cốc (Thái-lan), nhưng từ đầu năm đến nay, Hà Nội luôn trong tình trạng 'cháy' phòng; thậm chí kín phòng cho đến quý I-2018. Ðây là tín hiệu đáng mừng, khi sáu tháng đầu năm, thành phố đã đón gần 12 triệu lượt khách, trong đó, khách du lịch quốc tế đạt hơn 2,3 triệu lượt. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra yêu cầu về sự phát triển cơ sở hạ tầng lưu trú, phát triển các tua, tuyến mới để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng du lịch.

Giữ tốc độ tăng trưởng cao

Du lịch Thủ đô đang hướng tới việc vượt qua mục tiêu đón 23 triệu khách nói chung và 4,3 triệu lượt khách quốc tế nói riêng trong năm nay. Những chỉ tiêu quan trọng đều đạt mức tăng trưởng cao, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng 14%; tổng thu từ khách du lịch đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13%. Kết quả này có được là do thành phố tiếp tục cải thiện, nâng cấp những tua, tuyến du lịch truyền thống, nổi bật trong số đó là khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; du lịch đến các di tích, danh thắng như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu vực hồ Tây, chùa Hương, làng cổ Ðường Lâm; hay du lịch các làng nghề... Thành phố cũng tích cực quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua tham gia các hội chợ du lịch như: Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin 2017, Diễn đàn Du lịch Mê-công, Lễ phát động chiến dịch Visit Asean @ 50 cho thị trường châu Âu, Chương trình kết nối du lịch các nước "5 quốc gia - 1 điểm đến"...

Một điểm đáng chú ý trong phát triển du lịch trên địa bàn là việc bảo đảm môi trường du lịch, các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú tuân thủ theo pháp luật; không để xảy ra tình trạng hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động "chui", gây bức xúc. Trong sáu tháng đầu năm 2017, Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội kiểm tra 72 cơ sở lưu trú, 65 doanh nghiệp lữ hành, 54 khu điểm, hơn 200 hướng dẫn viên và hơn 100 lái xe cùng phương tiện vận chuyển khách du lịch. Tại các cơ sở lưu trú, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra về thủ tục pháp lý, điều kiện hoạt động, điều kiện vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy và các dịch vụ như mát-xa, ka-ra-ô-kê, bể bơi... Thanh tra Sở Du lịch đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 12 cá nhân, tổ chức với số tiền phạt hơn 102 triệu đồng. Phần lớn là các vi phạm nhỏ như: Không thực hiện đúng chế độ báo cáo, không thông tin rõ ràng giá cả các dịch vụ...; một số doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để hoạt động lữ hành quốc tế. Theo đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, nếu doanh nghiệp có thiếu sót thì tạo điều kiện để khắc phục, nếu vẫn tái phạm hoặc cố tình vi phạm sẽ xử lý kiên quyết, thậm chí đề nghị dừng hoạt động. Sở Du lịch cũng phối hợp các cơ quan liên quan xử lý những hành vi phản cảm mới phát sinh tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm; xử lý nhiều trường hợp hàng rong đeo bám khách để bảo đảm môi trường, hình ảnh du lịch của Thủ đô.

Nâng cao năng lực tiếp đón khách

Theo thông tin vừa công bố của Savills - tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới, từ đầu năm đến nay, khách quốc tế đến Hà Nội rất khó đặt phòng khách sạn năm sao. Nhiều khách sạn lớn liên tục trong tình trạng "cháy" phòng. Công suất hoạt động của các khách sạn năm sao đạt mức tốt nhất trong 5 năm trở lại đây. Giá phòng cũng như doanh thu từ phân khúc khách sạn đều tăng. Ðặc biệt hơn, nhiều khách sạn cao cấp tại Hà Nội đã được đặt kín phòng cho tới hết quý I-2018, mặc dù giá phòng cao gần gấp đôi so với giá phòng tại Băng-cốc (Thái-lan). Ðây là tin vui đối với những doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề với du lịch Thủ đô. Ðó là hạ tầng du lịch Hà Nội đang phát triển chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng khách du lịch.

Năm 2016, Hà Nội có 576 cơ sở lưu trú; đến nay, con số này tăng lên 625 cơ sở. Song, số lượng tăng chủ yếu tập trung vào phân khúc khách sạn giá rẻ. Phân khúc cao cấp chỉ tăng một khách sạn bốn sao lên tổng số 31 khách sạn với hơn 7.000 phòng. Việc thiếu phòng cao cấp, giá cả lại cao đã ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của du lịch Thủ đô. Trong khi đó, các nước trong khu vực đang có những cuộc chạy đua gắt gao về chất lượng, dịch vụ lưu trú. So với một số địa phương khác trong nước, Hà Nội chưa có những tổ hợp khách sạn cao cấp lớn. Nhiều khách sạn bốn, năm sao quy mô còn khá nhỏ. Hiện, thành phố đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở lưu trú. Từ nay đến năm 2020, dự kiến có có 21 khách sạn bốn, năm sao với tổng số 6.272 phòng; trong đó, có một số khách sạn ở "đất vàng" tại các tuyến phố như Lê Thái Tổ, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thái Học... Vấn đề mà nhiều doanh nghiệp lữ hành quan tâm là làm sao các dự án được thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm nguồn cung phòng cũng như giảm giá để các doanh nghiệp không bị mất lợi thế.

Cùng với đó, hiện năng lực tiếp nhận khách du lịch của nhiều khu vực đã đạt đến giới hạn; chẳng hạn như khu vực hồ Hoàn Kiếm - phố cổ. Nếu không khẩn trương thiết kế những điểm đến mới, tình trạng quá tải có thể xảy ra và gây hiệu ứng không tốt với du lịch Thủ đô.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33494802-phat-trien-ha-tang-dap-ung-toc-do-tang-truong-du-lich.html