Phát triển hạ tầng đồng bộ, hướng đến đô thị sinh thái
Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Bắc Tân Uyên thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó, bộ mặt huyện nhà từng bước được đầu tư và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, hướng đến đô thị sinh thái của thành phố Bình Dương. Điều đáng chú ý, việc đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.
Hình thành đô thị trung tâm
Trên cơ sở quy hoạch chung đã được phê duyệt, UBND huyện Bắc Tân Uyên đã tập trung nguồn lực đầu tư có hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đô thị của huyện. Đến nay, huyện đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Tân Thành đến năm 2030 và được UBND tỉnh công nhận đô thị Tân Thành đạt tiêu chí đô thị loại V tại Quyết định số 1502/ QĐ-UBND ngày 8-6-2017.
Đối với đô thị Tân Bình, huyện đã hoàn thành công tác lập quy hoạch chung đô thị Tân Bình đến năm 2040, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3654/QĐ-UBND ngày 24-12-2018 và thực hiện công bố, công khai đồ án quy hoạch theo quy định. Dự kiến, xã Tân Bình sẽ được công nhận là đô thị trong tháng 9-2019.
Cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: DUY CHÍ
Về phương hướng quản lý, phát triển đô thị trong thời gian tới, lãnh đạo UBND huyện Bắc Tân Uyên cho biết địa phương đã trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2025 tại Quyết định số 3595/QĐ-UBND ngày 26-12-2016. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, góp phần để địa phương thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng.
Bên cạnh đó, UBND huyện đã trình UBND tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương lập quy hoạch chung xây dựng vùng huyện Bắc Tân Uyên tại Công văn số 2639/UBND-KTN ngày 5-6-2019. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội cũng luôn được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện theo đúng định hướng chung của tỉnh.
Hạ tầng giao thông đồng bộ, liên hoàn
Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An vận động người dân sống dọc hai bên đường ĐT746 hoàn trả lại mặt bằng đã được giải tỏa trước đây để thực hiện nạo vét mương thoát nước, phát quang bụi rậm bảo đảm an toàn giao thông và tạo mỹ quan dọc tuyến đường. Đối với tuyến đường ĐT741, UBND huyện đã kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải làm việc với Công ty VRG (đơn vị BOT) tiếp tục đầu tư bổ sung hệ thống chiếu sáng, dải phân cách, mương thoát nước tại những vị trí chưa được đầu tư. Dự kiến, công trình này triển khai thi công vào cuối năm 2019.
UBND huyện cũng phối hợp các sở, ngành của tỉnh thực hiện tốt việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông trọng điểm, như: Tuyến đường Vành đai 4 (đường Thủ Biên- Đất Cuốc, quy mô 8 làn xe), đường tạo lực Bắc Tân Uyên- Phú Giáo- Bàu Bàng với quy mô 6 làn xe…
Kinh tế - xã hội khởi sắc
Hiện trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên có 3 tuyến xe buýt và các loại hình dịch vụ vận tải hành khách, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài ra, theo quy hoạch chung đô thị Tân Thành, huyện đã bố trí quỹ đất xây dựng bến xe với quy mô 2 ha. Hiện huyện đang kêu gọi đầu tư bến xe này theo hình thức xã hội hóa.
Hiện nay, tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn huyện có đèn chiếu sáng là 133,653km, trong đó đường tỉnh 64,010km (đạt 87,66%), đường huyện 32,072km (đạt 53,72%), đường xã 37,571km (đạt 8,75%). Tỷ lệ chiếu sáng trên các trục chính nơi tập trung đông dân cư trên địa bàn huyện đạt 100%.
Theo ông Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch huyện, đến nay cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn được đầu tư tương đối đồng bộ, bảo đảm sự kết nối giao thông đối ngoại giữa các khu vực lân cận và giao thông đối nội thông suốt, thuận tiện. Hạ tầng giao thông của huyện đã bảo đảm phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất và lưu thông hàng hóa của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, tình hình an toàn giao thông trên địa bàn được bảo đảm là động lực để địa phương phát triển hạ tầng kỹ thuật khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế huyện nhà.
Nhờ hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đã giúp địa phương thu hút đầu tư nhiều ngành nghề ít gây ô nhiễm môi trường, phù hợp quy hoạch và chủ trương của tỉnh; giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nổi bật là đến năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Kinh tế địa phương phát triển theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ…
Về lĩnh vực thương mại, huyện Bắc Tân Uyên đã thực hiện xã hội hóa xây dựng và đưa vào sử dụng chợ Tân Thành với quy mô 23.000m2; đầu tư, đưa vào sử dụng chợ Lạc An với kinh phí 5,1 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn có 7 chợ đang hoạt động, trong đó có 4 chợ được xây dựng mới kiên cố, đạt chuẩn, gồm: Tân Thành, Đất Cuốc, Thường Tân, Bình Mỹ. Huyện đang triển khai các bước xây mới chợ Tân Bình. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn hoạt động ổn định; công tác quản lý thị trường được chú trọng, góp phần bình ổn thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của huyện trong những năm qua tăng bình quân 13%/năm.
Sau 5 năm chia tách, đến nay huyện Bắc Tân Uyên đã đạt tổng công suất cấp nước 51.878m3/ ngày đêm. Trung bình mỗi người dân trong huyện đạt tỷ lệ cấp nước 692 lít/ngày đêm, vượt nhiều lần so với chỉ tiêu Huyện ủy giao (80 lít/người/ngày đêm); tỷ lệ thất thoát nước khoảng 9%/năm, thấp hơn 1% so với chỉ tiêu chương trình là dưới 10% năm. Tỷ lệ các nhà máy trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường đạt 75%; tỷ lệ chất thải rắn được xử lý ước đạt 94%, bảo đảm chỉ tiêu chương trình đề ra là 90%.