Phát triển hạ tầng là điểm sáng trong hợp tác giữa Việt Nam và Áo

Cộng hòa Áo là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam tại EU, với mức kim ngạch thương mại tăng trưởng tốt. Năm 2022, kim ngạch song phương giữa hai nước đạt gần 2,8 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu gần 2,5 tỷ USD, nhập khẩu 334 triệu USD.

Chiều ngày 17/4 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Áo tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - Áo về cơ sở hạ tầng và công nghệ.

Diễn đàn được tổ chức nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 16/4 - 18/4 của Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg cùng đoàn doanh nghiệp hàng đầu trong một số lĩnh vực tiềm năng như năng lượng thủy điện, hạ tầng thông minh, xây dựng, kiến trúc, bất động sản, hàng không, quản lý giao thông thông minh, hệ thống chữa cháy, ngành gỗ, thực phẩm…

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, bên cạnh các lĩnh vực khoa học - công nghệ, văn hóa, hợp tác phát triển đang có những tiến triển tích cực, hai nước vẫn còn nhiều triển vọng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ môi trường, năng lượng tái tạo, đào tạo nghề, du lịch, nông nghiệp, các giải pháp giao thông đô thị bền vững và chăm sóc sức khỏe.

Theo ông Vinh, những năm gần đây, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và EU nói chung, Cộng hòa Áo nói riêng có những bước phát triển rất tích cực. Những thành công này là kết quả từ sự ủng hộ của Chính phủ, sự nỗ lực quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp hai bên và nhất là tác động từ Hiệp định EVFTA.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Trải qua 2 năm đi vào thực thi, EVFTA đã thực sự trở thành động lực hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng lên hơn 11% ngay sau khi EVFTA đi vào thực thi.

Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau quả Việt Nam và dự đoán vị trí này có thể thay đổi trong tương lai gần nhờ việc hưởng các ưu đãi của Hiệp định EVFTA.

Năm 2023, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế 0%. Ông Vinh tin tưởng, điều này chắc chắn sẽ tạo “cú huých” mạnh mẽ cho xuất khẩu, đặc biệt với các nhóm hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như nông nghiệp, dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ…

Đồng thời đây cũng sẽ là cơ hội lớn để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Áo nói riêng cũng như EU nói chung.

Ngoại trưởng Alexander Schallenberg cho biết, Áo mong muốn trở thành đối tác quan trọng về kinh tế, chính trị với Việt Nam và muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giao lưu, thương mại và đầu tư với Việt Nam.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng và phát triển công nghệ là điểm sáng trong hợp tác giữa hai nước. Đây đồng thời là thế mạnh của Áo, do đó, với việc tận dụng và phát huy thế mạnh của nhau để cùng phát triển, dự kiến, sẽ có nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ tại lĩnh vực này giữa hai nước.

Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg. Ảnh: Anh Thư

Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg. Ảnh: Anh Thư

Đặc biệt là khi Việt Nam đang hướng tới phát triển hạ tầng hiện đại, liên kết thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số, khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững.

Chia sẻ với Mekong ASEAN về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, PGS. TS. Đinh Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kỹ thuật Giao thông Vận tải (GTVT), Trường đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay, Việt Nam đang cần sự hỗ trợ từ các nước phát triển đối với lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao như hàng không, đường sắt, đường sắt đô thị, quản lý vận hành giao thông đô thị thông minh.

Trong khi đó, Áo đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển lĩnh vực hạ tầng GTVT và giao thông đô thị, như là công nghệ đào hầm, đường sắt đô thị, quản lý vận hành đô thị thông minh, quản lý vận hành đường cao tốc, cảng hàng không.

Vì vậy còn rất nhiều dư địa cho hợp tác trong các lĩnh vực này giữa hai nước. Việc học hỏi kinh nghiệm và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và công nghệ cao từ các nước tiên tiến sẽ giúp các nước đang phát triển như Việt Nam rút ngắn được quá trình phát triển.

PGS. TS. Đinh Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kỹ thuật Giao thông Vận tải. Ảnh: Anh Thư

PGS. TS. Đinh Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kỹ thuật Giao thông Vận tải. Ảnh: Anh Thư

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, để tiếp nhận các kỹ thuật và công nghệ cao cần đảm bảo sự phát triển bền vững trong quá trình triển khai, khai thác, vận hành. Việc phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, thể chế quản lý và năng lực chuyên môn là rất cần thiết.

Ngoài ra, cần thiết lập mạng lưới giữa chính phủ - doanh nghiệp - nghiên cứu và tư vấn để lựa chọn các giải pháp chuyển giao kỹ thuật và công nghệ hiệu quả nhằm hướng đến sự phát triển bền vững cũng như để huy động hiệu quả nguồn vốn từ các nhà đầu tư, đặc biệt đối với định hướng ứng dụng và phát triển các giải pháp xanh.

Lễ ký kết giữa CTCP Phát điện số GENCO 2 và Andritz. Ảnh: Anh Thư

Lễ ký kết giữa CTCP Phát điện số GENCO 2 và Andritz. Ảnh: Anh Thư

Tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa CTCP Phát điện số GENCO 2 và Andritz, về số hóa vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện; giữa Ngân hàng Raiffeisen Bank International AG và Tổng CTCP Xây dựng Cơ điện AGRIMECO JSC về thỏa thuận cam kết tài chính cho dự án thủy điện Đồng Cam tại tỉnh Phú yên với giá trị cam kết là 25 triệu EUR (khoảng 27,3 triệu USD).

Anh Thư

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/phat-trien-ha-tang-la-diem-sang-trong-hop-tac-giua-viet-nam-va-ao-post20541.html