Phát triển hạ tầng số là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam

Là một nội dung tại Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2021), chiều 13/10, Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng đã được diễn ra với chủ đề thảo luận 'Thúc đẩy phát triển hạ tầng: Nghĩ lại về vai trò của Chính phủ trong chuyển đổi số'.

Đưa internet tới mọi người dân

Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu của mọi quốc gia. Từ năm 2020, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình này trên phạm vi toàn thế giới. Thực tế cho thấy việc ứng dụng công nghệ số, phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số, đưa các hoạt động thường nhật lên môi trường số là một trong nhưng giải pháp then chốt để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, cho phép phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Ngay trong bối cảnh mới như hiện nay, Việt Nam và các nước vẫn phải phải giải quyết những vấn đề cốt lõi. Có thể kể đến như: Truy cập cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi; Phát triển hạ tầng rộng khắp trong từng quốc gia và trên toàn thế giới; Cung cấp các dịch vụ hữu ích phục vụ phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định, phát triển bao trùm trên thế giới.

 Thứ trưởng Phan Tâm tại Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng.

Thứ trưởng Phan Tâm tại Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng chỉ ra một số điểm khác biệt lớn như trước kia hạ tầng viễn thông phục vụ kết nối người với người là chính, thì nay là kết nối máy với máy sẽ là chính và cho phép thông minh hóa rất nhiều hoạt động kinh tế chính trị xã hội. Trước kia hạ tầng viễn thông phục vụ thông tin liên lạc là chính thì nay hạ tầng số phục vụ vô vàn các hoạt động kinh tế xã hội. 100% trực tuyến và trước kia CNTT có năng lực xử lý thông tin số hạn chế và được sử dụng khá biệt lập thì nay năng lực của các công nghệ số mới như điện toán đám mây, IoT, AI, 5G,.. là rất lớn và hệ sinh thái các công nghệ này cho phép tạo ra nhưng giá trị rất mới cho hạ tầng số.

Các nước cần quan tâm truy cập có chi phí hợp lý, kết nối có ý nghĩa. Ngày nay các quốc gia đã nhận thức sâu sắc hơn về chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể và vì lợi ích của người dân. Vì vậy, cung cấp truy cập trong thế giới số phải đi đôi với cung cấp thiết bị đầu cuối, kỹ năng số cho mọi người dân, Thứ trưởng đề nghị.

Theo Thứ trưởng trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam đã đặt ra mục tiêu và giải pháp giải quyết đồng bộ ba vấn đề: Phổ cập cáp quang đến hộ gia đình và triển khai mạng di động 5G; Phổ cập điện thoại thông minh; Triển khai đào tạo trực tuyến diện rộng để nhanh chóng đào tạo kỹ năng số cho mọi người dân, vấn đề đào tạo lại và đào tạo nâng cao cũng sẽ được chú trọng.

"Hạ tầng viễn thông băng rộng cần phải trở thành hạ tầng số với năng lực thu thập, lưu trữ, tạo ra và xử lý dữ liệu số, truyền đưa dữ liệu số, khai thác giá trị dữ liệu số. Điện toán đám mây, đặc biệt dịch vụ hạ tầng sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong hạ tầng số. Đây cũng là trọng tâm đầu tư phát triển trong chiến lược phát triển hạ tầng số của Việt Nam", Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định.

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, hạ tầng số và các nền tảng số có vai trò như hạ tầng, là hạ tầng của thế giới số, yếu tố có tính nền tảng để đảm bảo sự phát triển chung của toàn xã hội. Chính vì vậy trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đặt tầm quan trọng ngang nhau và thực hiện triển khai đồng bộ, gắn kết các kế hoạch phát triển hạ tầng số với các kế hoạch chuyển đổi số các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp... Việt Nam nên có vai trò định hướng và dẫn dắt của Chính phủ.

Cùng hợp tác để xây dựng một thế giới số hiệu quả

Cũng tại Hội nghị, đại diện từ các quốc gia tham gia đã có nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm, hiện trạng về chuyển đổi số, nguồn lực để phát triển ICT và cách thức chuyển đổi số hiệu quả. Chủ tịch Cục Truyền thông và Công nghệ thông tin Mông Cổ Bolor-Erdene Battsengel cho biết, đại dịch Covid-19 chắc chắn đã mang đến cơ hội cho các chính phủ để xem xét và đánh giá lại cơ sở hạ tầng cũng như tái suy xét về vai trò của việc chuyển đổi số, cách thức đối mặt.

Tính trên cả nước, Mông Cổ có 226 mạng lưới cáp quang quan trọng và tổng số 46.700 km cáp quang trên toàn quốc, có khoảng 3,5 triệu người dùng smartphone và tổng lượng dữ liệu sử dụng vào khoảng 262 terabyte. Ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng ICT, Mông Cổ đã triển khai thành công một nền tảng dịch vụ công thống nhất, tích hợp 500 máy chủ. Chính phủ Mông Cổ thực sự đã hỗ trợ ICT cho rất nhiều công dân trong đại dịch.

Mới đây, Mông Cổ đã triển khai hệ thống trợ giúp trực tuyến 2.0 dựa vào trí tuệ nhân tạo. Thông qua hệ thống này, chính phủ có thể mang tới cho các công dân các dịch vụ tùy chọn, cá nhân hóa dựa vào những gì họ mong muốn từ chính phủ. Như đã đề cập ở trên, Mông Cổ chỉ sử dụng một nền tảng ICT thống nhất duy nhất. Chính phủ đã quyết định sẽ chuyển đổi thành quốc gia số trong vài năm tới. Do đó, Mông Cổ đang tập trung rất nhiều vào việc cung cấp Internet giá rẻ cho toàn đất nước, kể cả những vùng sâu, vùng xa.

Bà Bolor-Erdene Battsengel bày tỏ mong muốn, tất cả các nước thành viên ITU, các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế có thể cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Mông Cổ để cùng nhau tạo ra một thế giới số hóa hiệu quả.

Còn Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin Banglades Mustafa Jabbar cho rằng, việc bàn luận hôm nay rất quan trọng, khi thế giới đang ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt khi cùng hướng tới việc triển khai của mạng 5G. Mặc dù sự tham gia của các lĩnh vực công và tư đều đóng vai trò thiết yếu đối với quá trình nói trên, nhưng tại các quốc gia như Bangladesh, lĩnh vực tư nhân đóng vai trò then chốt cho sự phát triển của kiến trúc và sự hợp tác của toàn bộ hệ thống. Sự tham gia của người dân cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, chính phủ vẫn đóng vai trò trọng yếu trong việc xây dựng luật, các hướng dẫn và chuẩn bị những môi trường cho sự phát triển của công nghệ. Nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ, chúng ta sẽ không có khung pháp lý để phát triển công nghệ.

Ông Mustafa Jabbar cho biết, sự phát triển của cách mạng di động hiện phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ 5G. Banglades đã thử nghiệm công nghệ 5G từ tháng 7/2018 và bắt đầu triển khai công nghệ này vào năm 2021 và dự kiến sẽ phủ sóng 5G khắp toàn quốc vào năm 2022. Hy vọng thế giới sẽ có một bối cảnh khác nhờ sự triển khai của 5G. Công nghệ này sẽ tác động tích cực và thần kỳ đến nhiều ngành công nghiệp, thương mại và nhiều người trên khắp thế giới.

Hà Thanh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phat-trien-ha-tang-so-la-uu-tien-hang-dau-cua-viet-nam-437889.html