Phát triển hạ tầng số, nền tảng số để Việt Nam trở thành quốc gia số hiện đại, thông minh

Ngoài việc phủ sóng vùng lõm để không bỏ ai ở lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số, chúng ta cũng phải quan tâm phát triển hạ tầng số, nền tảng số để Việt Nam trở thành quốc gia số hiện đại, thông minh.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 12/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024. Trong Chương trình đã diễn ra Tọa đàm "Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm". Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã trao đổi, cho biết về tình hình chuyển đổi số và các công việc, định hướng triển khai thời gian tới.

Phổ cập hạ tầng số cơ bản

Tham gia trả lời câu hỏi của đại diện Tổ Công nghệ số cộng đồng tỉnh Điện Biên về những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ để hỗ trợ và khắc phục điểm nghẽn tại nhiều khu vực còn chưa có sóng, điện lưới để người dân có thể tiếp cận công nghệ số và dịch vụ công trực tuyến, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ điện đến đâu, sóng viễn thông đến đấy, tính đến năm 2023, đã có 2.233 thôn đã được phủ sóng, còn lại 1.077 thôn lõm sóng. Trong đó, 896 thôn đã có điện, 181 thôn chưa có điện.

Tính đến tháng 9/2024, đã phủ sóng thêm được 316 thôn (hoàn thành vượt 63 thôn so với kế hoạch tại Quyết định số 816/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông). Hiên tại còn 761 thôn trong đó: 637 thôn đã có điện: 543 thôn thuộc vùng công ích đã có điện, 94 thôn ngoài công ích đã có điện, 124 thôn chưa có điện.

Bộ cũng có kế hoạch trong năm 2025 phủ sóng 100% thôn có điện, đối với các thôn chưa có điện, Bộ đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan như Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực đề nghị triển khai điện lưới để phủ sóng viễn thông (công văn số 1626/BTTTT-CVT ngày 26/04/2024).

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Quan tâm phát triển hạ tầng số, nền tảng để Việt Nam trở thành quốc gia số hiện đại, thông minh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Quan tâm phát triển hạ tầng số, nền tảng để Việt Nam trở thành quốc gia số hiện đại, thông minh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngoài việc phủ sóng vùng lõm để không bỏ ai ở lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số, chúng ta cũng phải quan tâm phát triển hạ tầng số, nền tảng số để Việt Nam trở thành quốc gia số hiện đại, thông minh.

Hạ tầng số ở đây là hạ tầng chiến lược, phải luôn đi trước, đầu tư trước, có tầm nhìn xa, sẵn sàng khả năng mở rộng cho hàng chục năm. Hạ tầng số của Việt Nam bao gồm 04 thành phần chính: (1) Hạ tầng viễn thông và Internet; (2) Hạ tầng dữ liệu; (3) Hạ tầng vật lý - số; (4) Hạ tầng tiện ích số và công nghệ số. Hạ tầng số phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy: Hiện nay, đã cung cấp 4,4 nghìn DVCTT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy: Hiện nay, đã cung cấp 4,4 nghìn DVCTT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tạo thuận lợi nhất cho người dân khi sử dụng dịch vụ công

Chia sẻ về việc Chính phủ có phương án gì để đơn giản hóa các thủ tục, ít các thao tác khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) để người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với việc nộp hồ sơ qua dịch vụ công, theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy, cung cấp DVCTT là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của cơ quan nhà nước trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Dịch vụ công trực tuyến càng đơn giản, ít thao tác thì càng thuận tiện, dễ nhớ, dễ làm.

Hiện nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.400 DVCTT, chiếm 70% tổng số thủ tục hành chính. Tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành đạt 43,4% (tăng 23% so với năm 2023), tại địa phương đạt 64,3% (tăng 35% so năm 2023).

Năm 2024, chỉ số DVCTT của Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá ở mức cao, xếp hạng 75/193 quốc gia, tăng 01 bậc so với năm 2022, trong đó chỉ số thành phần về khung thể chế tăng 39 bậc, cung cấp dịch vụ tăng 10 bậc.

Tuy nhiên, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến của khối tỉnh thấp (17%). Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy, nguyên nhân là do nhiều tỉnh chưa kịp thời sửa đổi quy định về thủ tục hành chính; một số DVCTT chưa được tái cấu trúc quy trình; việc số hóa, hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành còn chậm; kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính đôi khi còn chưa thông; nhân lực số, hạ tầng số chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là tại cấp cơ sở; công tác thông tin, truyền thông nhằm thúc đẩy DVCTT và triển khai Đề án 06 nhiều lúc, nhiều nơi chưa được coi trọng.

Về các giải pháp, ngày 31/8/2024, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức Hội nghị chuyên đề "Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến" tại TP. Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các cấp quán triệt, phát huy tinh thần "1 mục tiêu", "2 trụ cột", "3 đột phá", "4 không", "5 đẩy mạnh, tăng cường", tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

(1) Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin-cho; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện thủ tục hành chính; chuyển đổi mạnh mẽ sang xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; (2) tập trung nâng cao chất lượng DVCTT; (3) đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng, hoàn thành, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; (4) tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao nhân lực số, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số quốc gia thông suốt, hiệu quả; (5) Đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện DVCTT cho người dân, doanh nghiệp.

Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn, an ninh mạng cho người dân- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn, an ninh mạng cho người dân- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng

Thời gian gần đây, việc các đối tượng sử dụng điện thoại để lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng (như giả làm Công an hướng dẫn cập nhật thông tin VNelD, giả làm nhân viên ngân hàng để hướng dẫn cập nhật sinh trắc học...) diễn biến phức tạp, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, mất niềm tin, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân. Mặt khác, người dân vẫn còn tâm lý e dè, sợ bị lừa đảo, lộ lọt thông tin khi sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số.

Về vấn đề này, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ, chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức bởi lẽ khi toàn bộ hoạt động của con người được chuyển lên môi trường mạng thì vấn đề phải đối mặt là an toàn trên môi trường mạng. Chuyển đổi số càng phát triển thì hoạt động tội phạm mạng cũng ngày càng tinh vi, phức tạp và nguy hiểm hơn.

Công tác bảo đảm an toàn, an ninh trên môi trường mạng thời gian qua cũng đạt nhiều kết quả tích cực, 81,8% các Hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước được bảo vệ an toàn thông tin theo các cấp độ. Phát triển nền tảng và tổ chức triển khai phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản đã giúp người dân phòng, tránh và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro và sự cố mất an toàn thông tin mạng. Đã phát triển nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC); trong triển khai đánh giá các nên tảng số luôn có 01 yêu cầu về bảo đảm an toàn thông tin.

Chia sẻ thêm về những giải pháp trong bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh:

Trước hết, cần bảo vệ hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức nhà nước.

Thứ hai, bảo vệ người dân trên không gian mạng bao gồm: Bảo vệ ở mức cơ bản, miễn phí đối với các thuê bao băng rộng cố định; tích hợp bảo vệ ở mức cơ bản, miễn phí vào các ứng dụng của nhà mạng để bảo vệ smartphone.

Thứ ba, bảo vệ tổ chức, doanh nghiệp: Ban hành sổ tay hướng dẫn bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp triển khai và công bố bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, hỗ trợ, thúc đẩy đánh giá và gán nhãn Tín nhiệm mạng cho website để tăng mức độ tin cậy.

Thứ tư, xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cuối cùng, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn, an ninh mạng cho người dân cũng như cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân

Cũng tại Tòa đàm, trả lời câu hỏi của đại biểu về việc Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó có quan điểm chỉ đạo đầu tư trọng điểm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong một số lĩnh vực quan trọng và đề cập cụ thể đến các dịch vụ phục người dân góp phần đạt mục tiêu xây dựng xã hội sáng tạo, Chính phủ hiệu quả.

Nếu sớm ứng dụng được trí tuệ nhân tạo để tạo ra các chatbot (trợ lý trí tuệ nhân tạo) để trả lời, hỗ trợ thực hiện các dịch vụ hành chính cho người dân hoặc hỗ trợ quảng bá thông tin, địa điểm du lịch hấp dẫn cho các địa phương thì sẽ tạo được nhận thức, thói quen và tính lan tỏa rất lớn đến nhiều đối tượng. Vậy, Chính phủ hoặc các cơ quan của Chính phủ có mục tiêu, kế hoạch cụ thể sớm ứng dụng riêng với các dịch vụ nêu trên.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thông tin về trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, hứa hẹn có thể tạo ra nhiều đột phá nhất, giúp nâng cao tri thức của hệ thống công chức, viên chức Nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu thử nghiệm từ tháng 5/2024, đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay của Bộ.

Thời điểm hiện tại, trợ lý ảo đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, tập trung giải quyết bài toán hỏi đáp tri thức trong các lĩnh vực chuyên ngành của bộ. Sau khi hoàn thành thử nghiệm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm rộng rãi cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu.

Về vấn đề trợ lý ảo hỗ trợ rà soát văn bản quy phạm pháp luật, lâu nay, việc rà soát sự chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật luôn là một bài toán khó. Không chỉ với Việt Nam mà còn trên bình diện thế giới, mỗi nước đều đối mặt với vấn đề này và đều chưa có giải pháp đủ tốt.

Từ tháng 02/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp và một số doanh nghiệp công nghệ số trong nước để nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết bài toán này.

Đến thời điểm hiện tại, trợ lý ảo đã cơ bản hoàn thành, cung cấp 3 chức năng chính: (1) Hỗ trợ rà soát, phát hiện các mâu thuẫn thẩm quyền cả về nội dung và hình thức của văn bản; (2) Kiểm tra về hiệu lực của các văn bản căn cứ và văn bản tham chiếu trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; (3) Tìm kiếm các điều, khoản, điểm, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến một vấn đề cụ thể nào đó.

Dự kiến hết năm 2024, trợ lý ảo sẽ hoàn thành thử nghiệm, là tiền đề để nâng cao chất lượng tham mưu, xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật.

Về trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân, được Bộ Thông tin và Truyền thông thử nghiệm từ tháng 4/2024, đã hoàn thành chức năng hỗ trợ người dân hỏi đáp các vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục mở rộng thử nghiệm đến các lĩnh vực khác. Sau đó là đánh giá và công bố rộng rãi để người dân quan tâm, sử dụng.

Một trong những lĩnh vực thử nghiệm của trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân là việc hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính (bắt đầu thử nghiệm tại TPHCM và dự kiến hoàn thành thử nghiệm trong năm 2024).

Đối với mục tiêu quảng bá thông tin, địa điểm du lịch, sự kiện văn hóa... việc ứng dụng AI và trợ lý ảo cũng là việc làm cần thiết, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận và thời gian tới sẽ bổ sung vào chương trình thử nghiệm.

Sau gần 1 năm nghiên cứu, thử nghiệm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định được cách làm phù hợp của Việt Nam. Chúng ta chưa đủ điều kiện, nguồn lực và dữ liệu để triển khai cách làm của các công ty công nghệ lớn, nhưng vẫn có thể giải quyết tốt hơn trong các lĩnh vực hẹp của chính mình. Trợ lý ảocủa Việt Nam là sự kết hợp giữa Hệ tri thức của người Việt Nam và trí tuệ nhân tạo.

Trợ lý ảo Việt Nam sẽ giải quyết bài toán của Việt Nam, vận hành trên tri thức, dữ liệu của mỗi cơ quan, tổ chức, và vì thế mà có tính cá thể hóa cao, bài toán cũng vì thế mà hẹp hơn, tốn ít nguồn lực hơn và có thể mang đến hiệu quả nhất./.

Phùng Huyền

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/phat-trien-ha-tang-so-nen-tang-so-de-viet-nam-tro-thanh-quoc-gia-so-hien-dai-thong-minh-102241012125341676.htm