Phát triển hạ tầng thương mại: Thêm chợ, siêu thị được xây mới
Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn Bình Thuận luôn được quan tâm và có dịch chuyển tích cực, đến nay đã hình thành hệ thống chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ với nhiều hình thức đa dạng. Bao gồm 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị, 137 chợ và hàng chục chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện đại (50 chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, 15 chuỗi cửa hàng Vinmart, 3 chuỗi cửa hàng Co.opfood) cùng hệ thống các cửa hàng bán lẻ, siêu thị điện máy… Hiện Bình Thuận có 77/93 xã hoàn thành tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, đạt gần 83% so với tổng số xã trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó 66 xã có chợ đạt chuẩn chợ nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (xét tiêu chí cửa hàng kinh doanh tổng hợp trên địa bàn xã).
Phát triển hạ tầng thương mại
Thực hiện đầu tư xây dựng và quản lý kinh doanh chợ, siêu thị năm nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ phối hợp Sở Công Thương, đơn vị chức năng sẽ triển khai một số nội dung liên quan. Đối với TP. Phan Thiết thì đôn đốc chủ đầu tư xây dựng công trình chợ Tiến Lợi (đã được UBND tỉnh giao chủ trương đầu tư), hướng dẫn thủ tục nhà đầu tư tham gia xây dựng chợ, Trung tâm thương mại Thanh Hải. Cùng với đó còn tích cực tuyên truyền, vận động tiểu thương và nhà đầu tư xúc tiến xây mới các chợ: Đức Long, Văn Thánh, Phú Trinh… Trong khi đó thị xã La Gi quan tâm chỉ đạo phòng chức năng, chủ đầu tư hoàn thành và đưa vào hoạt động ổn định chợ La Gi. Thời gian đến, chính quyền nơi đây cũng tích cực kêu gọi, hướng dẫn nhà đầu tư phối hợp với các sở, ngành thực hiện thủ tục xây dựng chợ Phước Lộc, Bình Tân.
Liên quan công tác này, huyện Hàm Thuận Nam sẽ đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và hoàn thành chợ Tân Lập kết hợp di dời tiểu thương vào chợ mới Tân Lập gắn với giải tỏa chợ cũ Tân Lập ngay trong năm 2021. Với huyện Hàm Thuận Bắc sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng chợ Đông Tiến nhằm phục vụ nhu cầu mua bán của bà con, vừa góp phần hoàn thành chương trình nông thôn mới của huyện về tiêu chí 7 - cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn… Ngoài ra trong năm 2021, các huyện phía bắc Bình Thuận cũng phối hợp kêu gọi nhà đầu tư tham gia hướng đến xây dựng Siêu thị Liên Hương (thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong), hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục để sớm khởi công chợ Bình Tân, chợ Phan Rí Thành (huyện Bắc Bình). Còn trên địa bàn các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Phú Quý thì tiếp tục duy trì, giữ vững tiêu chí 7 - cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đã được Sở Công Thương thẩm định đạt tiêu chí chợ nông thôn mới.
Theo kế hoạch của ngành công thương, năm nay toàn tỉnh phấn đấu xây mới hoặc nâng cấp cải tạo 3 chợ, kêu gọi đầu tư 1 siêu thị và thẩm định, xét công nhận 3 xã đăng ký đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Với định hướng xã hội hóa cũng như thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước, thời gian tới sẽ có thêm nhiều chợ, siêu thị được triển khai xây dựng trên địa bàn Bình Thuận. Mới đây khi đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh, Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh thông tin một doanh nghiệp Thái có thương hiệu chuẩn bị tham gia đầu tư dự án siêu thị hiện đại tại địa phương.
Hình thành hệ thống hạ tầng thương mại phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, Bình Thuận có điều kiện tổ chức tốt các kênh phân phối vật tư, hàng tiêu dùng. Và nhờ đó còn góp phần giúp địa phương tiếp tục hưởng ứng thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đầu tư phát triển thương mại ở khu vực miền núi, hải đảo…