Phát triển hành lang xanh, sinh thái dọc sông Đồng Nai
Sông Đồng Nai dài 586km là con sông nội địa dài nhất cả nước, bắt nguồn từ cao nguyên Langbiang (với tên gọi sông Đa Dâng), chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh trước khi nhập với sông Nhà Bè, Lòng Tàu đổ ra biển Đông. Trong đó, đoạn chảy qua tỉnh Đồng Nai khoảng 200km được địa phương xem là trục hàng lang phát triển kinh tế năng động, hướng tới phát triển bền vững dòng sông Đồng Nai.
Tiềm năng lớn
Trong quy hoạch hành lang ven sông, Đồng Nai xác định khu vực thuộc các huyện Định Quán, Tân Phú sẽ phát triển khu du lịch Hồ Trị An và các cụm du lịch sinh thái, du lịch rừng gắn với bảo vệ rừng đầu nguồn, tài nguyên nước.
Hiện Đồng Nai đã thông qua Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (giai đoạn 2021- 2030). Đề án có tổng vốn đầu tư hơn 991 tỷ đồng với 51 điểm tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và dịch vụ theo tuyến nên dễ tiếp cận theo sản phẩm du lịch và các hệ sinh thái. Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, đề án là cơ sở pháp lý, tiền đề quan trọng về lĩnh vực bảo tồn và phát triển du lịch tại khu bảo tồn, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Đối với khu vực ven sông thuộc phía Tây huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai chủ trương phát triển đô thị sinh thái, kết nối với đô thị Tân Uyên tỉnh Bình Dương, hình thành tuyến đô thị năng động hai bên sông. Còn khu vực ven sông Nam thành phố Biên Hòa – phía Bắc huyện Long Thành, địa phương phát triển các khu đô thị - dịch vụ cao cấp, kiểu mẫu, từng bước giãn dân từ khu vực trung tâm Biên Hòa hiện hữu và thu hút dân cư từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại khu vực huyện Nhơn Trạch, tỉnh ưu tiên phát triển các khu đô thị mới, du lịch, thương mại, dịch vụ, cảng biển. Đồng thời bảo tồn các khu vực rừng ngập mặn, tổ chức các không gian mở, mảng xanh, công viên bán ngập. Theo ông Nguyễn Thế Phong, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, đến năm 2040, Nhơn Trạch sẽ trở thành thành phố cảng và huyện đang rà soát lại các quy hoạch trước đây, gom lại các cảng nhỏ để hình thành cảng lớn. Nhơn Trạch có 8 khu vực quy hoạch, trong đó khu vực ven sông 19.000ha. Huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư vào thực hiện các dự án đô thị, phát triển các dự án khu dân cư, đô thị, dịch vụ nhằm tận dụng, khai thác lợi thế của tuyến đường sông Đồng Nai, tạo sự cân đối trong phát triển đô thị ven sông giữa huyện Nhơn Trạch với thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh).
Sông Đồng Nai đi qua đô thị Biên Hòa, đây là khu vực có vị trí, địa thế chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai. Từ thế kỷ 18, Cù lao phố Hiệp Hòa đã từng là một đô thị cảng rất sầm uất. Hai bên bờ và cù lao trên sông Đồng Nai có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa (cả khảo cổ học). Đó là cù lao Hiệp Hòa, nhiều di tích văn hóa, tôn giáo, tâm linh là chùa Long Thiền, Bửu Phong, Kim Cang, Thất phủ Cổ miếu. Hiện Đồng Nai tập trung phát triển trung tâm đô thị tại Cù lao Hiệp Hòa (phường Hiệp Hòa) và khu vực chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I, phát triển khu đô thị hai bên sông Đồng Nai.
Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, để kiến tạo đô thị ven sông, tỉnh đang triển khai dự án Khu đô thị Hiệp Hòa có quy mô 293ha, có mức đầu tư dự kiến cho khu đô thị này gần 72.290 tỷ đồng. Dự án gồm 2 loại hình nhà liền kề, biệt thự và chung cư thương mại, nhà ở xã hội với quy mô dân số khoảng 31.600 người, góp phần thu hút đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành khu đô thị hiện đại, văn minh.
Hướng tới phát triển bền vững
Nguồn nước sông Đồng Nai rất quan trọng cho nông nghiệp, sinh hoạt, cho sản xuất công nghiệp. Ở phía thượng nguồn, sông có nhiều bậc thang, hiện nay đã có thủy điện Trị An cung ứng điện năng rất hiệu quả cho miền Nam. Quan điểm của Đồng Nai là bảo vệ nguồn nước gắn với Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2011). Trong đó có Vườn quốc gia Cát Tiên, liên quan đến các tỉnh bạn như Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông).
Hơn 10 năm trước, tỉnh Đồng Nai đã phản đối việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6a trên sông Đồng Nai vì phải mất rất nhiều diện tích rừng. Hiện việc phát triển công nghiệp, kêu gọi đầu tư sản xuất công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng để tỉnh Đồng Nai giải quyết các vấn đề lao động, tăng thu nhập cho người dân, vươn lên thành tỉnh công nghiệp. Nhưng phát triển công nghiệp mà không đảm bảo xử lý nước từ các khu công nghiệp trước khi thải nước ra sông là phát triển không bền vững.
ThS. Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Sử học Đồng Nai, người có nhiều đề tài nghiên cứu về sông Đồng Nai cho biết, từ kinh nghiệm vụ xử lý nước thải của nhà máy xả ra sông Thị Vải, Đồng Nai đã vào cuộc quyết liệt để bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai. Địa phương có 32 khu công nghiệp đang hoạt động đều đảm bảo việc xử lý nước thải an toàn. Riêng huyện Vĩnh Cửu, nằm ở thượng nguồn sông Đồng Nai cũng chủ trương phát triển những ngành công nghiệp ít nước thải, chất thải ô nhiễm để bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai. Ông Toại nói: “Trong thời đại công nghiệp 4.0, Đồng Nai cũng chọn lựa nhà đầu tư vào ngành những ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và ít tác động đến môi trường. Đồng Nai cũng đang thực hiện dự án di dời, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (thành lập năm 1963) để bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai”.
Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cũng đang tổ chức hội nghị công bố kết quả sơ tuyển vòng 1 cuộc thi tuyển “Ý tưởng quy hoạch chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ tại phường An Bình (thành phố Biên Hòa)". Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nhằm bảo vệ môi trường nước sông Đồng Nai và xây dựng một khu đô thị hiện đại, phù hợp với định hướng quy hoạch chung của thành phố Biên Hòa. Đồng Nai mong muốn nhận được các đồ án quy hoạch dự thi có chất lượng tốt nhất để có được một khu đô thị đẹp, hiện đại nhất, thân thiện và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất của khu vực được lập quy hoạch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, việc quy hoạch phát triển hành lang dọc sông Đồng Nai khẳng định hướng đi bảo tồn, phát huy giá trị của dòng sông trong khu vực Đông Nam bộ. Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thành phố có sông phải chú trọng quy hoạch không gian xứng tầm, vừa giữ giá trị sinh thái, biến hành lang sông Đồng Nai trở thành một hành lang xanh - sinh thái quan trọng của địa phương, vừa mang lại giá trị phát triển bền vững trong tương lai.