Phát triển hệ sinh thái khoa học công nghệ thông qua đổi mới sáng tạo
Ngày 15/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên năm 2023 'Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2030 - Chính sách và thực tiễn'.
Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái đã trao đổi với báo chí về kết quả cũng như định hướng hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Bộ với các cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu cả nước.
Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với hai viện hàn lâm và hai đại học quốc gia thời gian qua?
Việc triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong những bước đi quan trọng để Việt Nam đổi mới mô hình sản xuất, tăng trưởng, đưa đất nước đạt mục tiêu phát triển bền vững. Điều này đã đạt được sự thống nhất của cả hệ thống chính trị.
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao đổi với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng nghiên cứu khoa học hàng đầu cả nước nhiều nội dung quan trọng trong triển khai cụ thể Chiến lược. Cần xác định rõ, muốn khoa học phát triển, đất nước phát triển, phải có các trường đại học lớn, đơn vị nghiên cứu lớn.
Đây chính là một trong những nội dung trọng tâm được đưa ra tại Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và trong các chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Chính trị và Ban Bí thư thời gian qua. Với tinh thần đó, lực lượng chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu với những lĩnh vực liên ngành, đa ngành, từ kinh tế - xã hội, khoa học tự nhiên… của hai đại học quốc gia và hai viện hàn lâm đóng vai trò nòng cốt trong việc cụ thể hóa nội dung này.
Bởi vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ kỳ vọng, không chỉ với Chiến lược Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 mà quá trình xây dựng, ban hành, thực thi các chính sách pháp luật mới đều có sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học đến từ 2 viện hàn lâm, 2 đại học quốc gia. Từ đó, hình thành các chính sách mang tính khả thi, tạo động lực phát triển nền khoa học công nghệ nước nhà.
Xin ông chia sẻ một số kết quả cụ thể trong hợp tác giữa Bộ với 2 viện hàn lâm và 2 trường đại học quốc gia?
Trong quá trình xây dựng Đề án Luật sửa đổi bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận được sự phối hợp tư vấn của các chuyên gia đến từ 2 viện hàn lâm và 2 đại học quốc gia để từ các mô hình phát triển khoa học công nghệ từ quốc tế và mô hình phát triển khoa học công nghệ được xây dựng từ thực tiễn Việt Nam, chắt lọc những nội dung phù hợp đưa vào luật.
Cùng với đó, chuyên gia từ 2 viện hàn lâm, 2 đại học quốc gia cũng nghiên cứu về các chính sách liên quan đến khoa học công nghệ còn có sự chồng chéo, chưa cởi mở, nhằm đề xuất những chính sách khuyến khích nhà khoa học tham gia nghiên cứu. Tôi cho rằng, với sự tư vấn, hỗ trợ của các nhà khoa học trong xây dựng, ban hành, thực thi chính sách, một hệ sinh thái khoa học công nghệ gồm các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân sẽ cùng nhau phát triển bền vững.
Cùng với đó, hiện nay, 2 viện hàn lâm và 2 đại học quốc gia đang hỗ trợ Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và triển khai một số chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia như Chương trình Tây Nam Bộ, Chương trình Tây Bắc, Nhiệm vụ xây dựng Bộ địa chí quốc gia Việt Nam, Chương trình Phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển; Dự án Trung tâm Tư liệu Việt Nam học… Các chương trình này đang phối hợp rất tốt, từng bước được đưa vào cuộc sống.
Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết đồng hành cùng 2 viện hàn lâm và 2 đại học quốc gia trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước về xây dựng các trường đại học mạnh, nhóm nghiên cứu mạnh để thúc đẩy khoa học nghệ nước nhà phát triển và đạt hiệu quả tối ưu.
Nghị định 28/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 2/6/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo. Theo Thứ trưởng, hợp tác giữa Bộ với 2 viện hàn lâm và 2 đại học quốc gia cần có bước chuyển như thế nào để đáp ứng tình hình mới?
Việc hợp tác giữa các bên trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo cần bắt đầu từ xây dựng các chính sách, bước đi để có mô hình đổi mới sáng tạo, làm rõ hơn nội hàm quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo. Từ đó, có định hướng chung về khuôn khổ pháp lý đối với các hoạt động đổi mới sáng tạo cho không chỉ các cơ quan nhà nước mà cả hệ thống doanh nghiệp khi xu thế xã hội hóa đang ngày càng phát triển mạnh.
Tôi cho rằng, đổi mới sáng tạo phải đi lên từ các hoạt động thực tiễn, từ khối khoa học; đổi mới sáng tạo phải có sự liên kết. Do đó, giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với 2 viện hàn lâm và 2 đại học quốc gia cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong công tác nghiên cứu khoa học.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bắt đầu có những quy định, khung chương trình đào tạo, trong đó, đưa nội hàm đổi mới sáng tạo vào giảng dạy. Chỉ khi nội hàm đổi mới sáng tạo trở thành tiêu chí đầu ra của ngành Giáo dục và Đào tạo, chúng ta mới có thể tạo ra nguồn nhân lực có tư duy đổi mới sáng tạo thực sự, đáp ứng đồng bộ cho các vị trí, các cấp, các ngành khác nhau.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.