Phát triển hệ thống chợ dân sinh tại Hà Nội: Tìm giải pháp đồng bộ

Hạ tầng xuống cấp; gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị; tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ… là thực trạng của nhiều chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội. Để hướng tới phát triển hệ thống chợ văn minh, hiện đại đòi hỏi thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ định hướng quy hoạch, huy động nguồn vốn đầu tư đến sự hợp tác, đồng thuận của tiểu thương.

Bài đầu: Nhiều chợ xuống cấp

Chợ dân sinh không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, hiện nhiều chợ đã xuống cấp, không bảo đảm quy chuẩn xây dựng, không đáp ứng tiêu chí đô thị văn minh, hiện đại. Trong khi đó, một số chợ đã cải tạo theo mô hình kết hợp trung tâm thương mại lại hoạt động không hiệu quả.

Chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm) đã được xây dựng, cải tạo thành trung tâm thương mại kết hợp chợ dân sinh nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Quang

Vắng khách vì... thói quen cũ

Chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) là chợ đầu tiên trong khu vực nội thành được chuyển đổi sang mô hình kết hợp trung tâm thương mại. Công trình được khởi công năm 2007 và hoàn thành năm 2010, với quy mô 7 tầng nổi, 2 tầng hầm. Tuy nhiên, từ khi được xây dựng lại, chợ cũng dần vắng khách và từ năm 2017 không còn hộ kinh doanh.

Tương tự, chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm) vốn nổi tiếng sầm uất thì nay cũng gần như “đóng băng” sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh thành trung tâm thương mại kết hợp chợ dân sinh. Theo nhiều tiểu thương, từ ngày chợ “lên đời” với hệ thống thang máy hiện đại, thì việc buôn bán trở nên ế ẩm vì người dân chỉ mua mớ rau, con cá ngại phải gửi xe đi xuống tầng hầm. Chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương kinh doanh hải sản trong chợ cho biết, chị vẫn giữ ki ốt chỉ để làm điểm tập kết hàng hóa và bán buôn cho các mối quen, còn bán lẻ thì gần như không có khách. Thế nhưng, chợ cóc, chợ tạm lại “nở” ra quanh khu vực chợ Hàng Da.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, bà Nguyễn Thị Hải (trú tại số 25 phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm) cho hay: "Trước đây, không chỉ người dân sinh sống quanh đây mà khách ở nhiều nơi cũng tới chợ Hàng Da mua rất đông. Từ khi chuyển thành trung tâm thương mại, tuy khang trang, hiện đại nhưng tôi không còn thói quen vào chợ nữa, mà hằng ngày mua thực phẩm ở chợ cóc ngay cạnh trung tâm thương mại Hàng Da".

Cùng giai đoạn năm 2009-2016 còn có các chợ: 19-12, Ô Chợ Dừa, Chợ Mơ… được xây dựng lại theo mô hình kết hợp trung tâm thương mại hiện đại, song đều rơi vào tình cảnh vắng vẻ.

Bên cạnh đó, các chợ như Thành Công, Châu Long (quận Ba Đình), Xuân La (quận Tây Hồ)…, dù đã xuống cấp, nhưng việc xây dựng lại theo hình thức xã hội hóa không nhận được sự đồng thuận của tiểu thương. Bà Nguyễn Thị Hà, kinh doanh tại chợ Thành Công cho biết: “Các tiểu thương đều mong muốn chợ khang trang hơn, nhưng cũng băn khoăn, nếu chợ được xây dựng thành trung tâm thương mại, tình hình kinh doanh lại èo uột".

Nền chợ Đồng Xa, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) luôn ẩm ướt, gây mất vệ sinh môi trường. Ảnh: Vũ Dung

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có nhiều chợ dân sinh xuống cấp nghiêm trọng không được sửa chữa, cải tạo gây mất vệ sinh môi trường. Tại khu vực bán thủy sản chợ Đồng Xa (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), nền chợ lênh láng nước, bốc mùi hôi tanh. Còn khu vực bán rau, củ, quả, các mặt hàng đều được bày dưới nền đất.

Tại chợ Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), mặc dù quầy hàng bán thịt tươi sống được ốp bằng vật liệu inox, nhưng dưới nền chợ nước đọng thành vũng do thiếu hệ thống thoát nước, dẫn tới nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo chị Lê Thanh Lương - người kinh doanh đồ tươi sống trong chợ - cơ sở vật chất của chợ đã xuống cấp từ nhiều năm nay, nhất là hệ thống thoát nước nên thường xuyên xảy ra ngập úng mỗi khi mưa to. Hệ thống điện cũng chắp vá, vì thế, các hộ kinh doanh vàng mã, vải vóc luôn lo lắng về nguy cơ cháy nổ. Trưởng ban Quản lý chợ Thanh Xuân Bắc Lê Thị Kim Anh cho biết, chợ được xây dựng gần 20 năm, hệ thống mái tôn đã bị han gỉ, không bảo đảm an toàn. Rãnh thoát nước nhỏ hẹp, không có nắp đậy là nguyên nhân gây úng ngập, mất vệ sinh môi trường.

Đánh giá về thực trạng hệ thống chợ hiện nay, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, phân bố mạng lưới chợ chưa hợp lý cả về khoảng cách và quy mô dân số phục vụ. Ở một số địa bàn, loại hình chợ còn đơn điệu, ngành hàng kinh doanh chủ yếu là sản phẩm tươi sống, tạp hóa, dịch vụ ăn uống.

Đặc biệt, tuy hơn 90% hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, song phần lớn chưa có đủ trang thiết bị bảo quản theo quy định, nguồn hàng nông sản, thực phẩm cung ứng cũng rất đa dạng nên khó kiểm soát. Cùng với đó, hạ tầng chợ xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh môi trường dẫn đến nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (Công an thành phố Hà Nội), do các chợ xây dựng đã lâu nên nguy cơ cháy nổ là vấn đề đáng lưu tâm. 10 tháng năm 2020, cơ quan chức năng đã kiểm tra 46 lượt chợ về phòng, chống cháy nổ, phát hiện tồn tại, xử lý hành chính 46 trường hợp; tạm đình chỉ 24 chợ và đình chỉ hoạt động 10 chợ.

(Còn nữa)

Hiền - Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/984538/phat-trien-he-thong-cho-dan-sinh-tai-ha-noi-tim-giai-phap-dong-bo