Phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Sáng 28/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP (Nghị định 98) và thực hiện kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của tỉnh Lào Cai năm 2023.
Tham dự hội nghị có đại diện một số sở, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất.
Thực hiện Nghị định 98, tỉnh Lào Cai đã lồng ghép các nguồn vốn khác nhau từ vốn ngân sách tỉnh, huyện và vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; các cơ quan, đơn vị trong tỉnh triển khai, thực hiện 46 dự án liên kết, tổng kinh phí thực hiện gần 87 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 55 tỷ đồng và đối ứng từ hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã hơn 32 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 43 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 26 công ty, doanh nghiệp và 17 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất. Quy mô liên kết đạt 4.326 ha, với 6.150 hộ tham gia và giá trị đạt gần 310 tỷ đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ thúc đẩy hoạt động liên kết trên địa bàn tỉnh như: Chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho các hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm; chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đạt 53.544 triệu đồng.
Các dự án liên kết góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho hộ dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều mô hình liên kết sản xuất thực hiện thành công và hiệu quả như: Cây dược liệu ở các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai; cây chè ở các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Bắc Hà, Bảo Yên; cây quế ở huyện Bắc Hà, Bảo Yên,Văn Bàn, Bảo Thắng; cây chuối, dứa ở huyện Bát Xát, Mường Khương….
Trong chăn nuôi đã phát huy lợi thế để phát triển các sản phẩm bản địa, đặc thù của các địa phương đem lại giá trị kinh tế cao như: Phát triển đàn bò vàng, trâu sinh sản ở thị xã Sa Pa, huyện Mường Khương; nuôi ngựa, dê ở huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng; nuôi gà đen ở huyện Si Ma Cai, Bảo Thắng...
Về sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh được quan tâm chú trọng, bước đầu hình thành các mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; một số cơ sở chế biến tạo ra giá trị gia tăng cao, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản của tỉnh và từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. Các chính sách ban hành trên địa bàn tỉnh phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản như vùng chè đạt 7.533,8 ha, vùng dược liệu hằng năm 890 ha, vùng sản xuất chuối 3.380 ha, vùng sản xuất dứa 2.200 ha, chăn nuôi lợn 433.810 con…
Để nâng cao hiệu quả trong hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các giải pháp là tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng bổ sung nội dung, mức hỗ trợ liên kết theo Nghị định 98 và phù hợp với nội dung, mức hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp; ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp, tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia triển khai, thực hiện các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia; tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, tạo ra hệ thống tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.